Đất nước lại bước vào tháng Tư lịch sử! Tháng Tư này 47 năm trước, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc 21 năm kháng chiến anh dũng chống đế quốc xâm lược, giành độc lập, tự do, thu giang sơn về một mối. Đây là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội; là trang sử hào hùng trên con đường dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc.
Ngày 30/4/1975 đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi, đưa đất nước Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta từ đây tập trung sức lực và trí tuệ hàn gắn vết thương chiến tranh, bước vào cuộc sống mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đất nước đã đi qua hai năm đầu thập niên thứ ba thế kỷ XXI với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế vô cùng sáng đẹp. Trên chặng đường đã qua và sắp tới, có nhiều thời cơ lớn, nhưng thách thức không hề nhỏ, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định những cột mốc quan trọng để phấn đấu. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là đến giữa thế kỷ này, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, điều mà người dân thường nói mộc mạc rằng, đất nước sẽ hóa Rồng, trở thành quốc gia giàu có, thịnh vượng.
|
Nhân dân chào đón quân giải phóng (ảnh tư liệu) |
Tiền đề để trở nên giàu có, thịnh vượng bắt đầu từ hôm nay. Từ khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những thay đổi vô cùng nhanh chóng, cũng có thể nói là thần tốc, theo ngôn ngữ quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Bức điện của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng phút, từng giờ; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!” là mệnh lệnh, là hồi kèn xung trận. Đó vừa là mệnh lệnh, nhưng cũng là ý chí, khát khao cháy bỏng của toàn dân tộc. Xốc tới! Năm cánh quân như năm mũi tên khổng lồ, như năm dòng thác tràn tới trung tâm thành phố Sài Gòn.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân Việt Nam đã phát triển tới đỉnh cao. Lịch sử hào hùng của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử từng có những trang hào hùng như thế. Ở những thời điểm cam go nhất lại xuất hiện những tình thế quyết định, với những “Hội nghị Diên Hồng”, huy động lòng dân, trí dân, sức dân, quyết đè bẹp quân xâm lăng dù cho chúng lắm tiền nhiều của. Cuộc đụng đầu lịch sử của quân tội ta, nhân dân ta tại Điện Biên Phủ năm 1954 cũng tương tự như thế. Chúng ta đã thắng ở thế tưởng như khó có thể thắng. Nhưng rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã kết thúc, chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu cũng là nhờ ở cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại. Khối đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, của Bác Hồ đã kết thành sức mạnh vô cùng to lớn. Khối đoàn kết ấy được so sánh với hình ảnh một tấn thuốc nổ do bộ đội Công binhthực hiện,đã nổ tung ở Đồi A1 mở đầu trận đánh, khiến kẻ thù bạt vía kinh hoàng.
Khối đoàn kết vững chắc đó đang được phát huy trong tình hình hiện nay, người dân từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từng bước thích ứng, vận hành chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ với những thành tựu nhảy vọt, cho phép một nước đang phát triển có thể đi tắt, đón đầu và giành những thắng lợi quyết định. Điều đó là hiện thực, chứ không chỉ là những lời động viên, khích lệ. “Năm COVID thứ ba” bao gian nan, vất vả, thử thách bản lĩnh và ý chí của cả dân tộc đã đi qua. Nhờ chiến dịch tiêm vaccine thần tốc “phủ sóng” toàn quốc, nhờ quyết sách thích ứng linh hoạt với tình hình, chủ động và sáng tạo, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa không khép kín giao lưu, hội nhập kinh tế, vẫn bảo đảm sản xuất phát triển. Đặc biệt, trong quý I năm nay, có quá nhiều sự kiện quốc tế, trong nước diễn ra nhanh chóng, phức tạp, vượt trên cả mức “bình thường mới” đã dự báo, dự tính. Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine suốt một tháng qua thu hút sự quan tâm, lo ngại của toàn thế giới. Là một đất nước từng trải qua nhiều năm chiến tranh, trải qua bao hi sinh to lớn, chịu nhiều tổn thất nặng nề mới giành được độc lập, tự do, chúng ta mong muốn mọi cuộc xung đột, mọi bất đồng phải được giải quyết bằng con đường đối thoại, tôn trọng độc lập, chủ quyền dân tộc, đặt tính mạng, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân lên trên hết. Thế nhưng tác động của cuộc chiến tới an ninh, kinh tế toàn cầu là không nhỏ. Ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 là những điều dễ nhận thấy trong đời sống. Tuy số người bệnh nặng, số người tử vong ở tỉ lệ rất thấp, nhưng số lượng người nhiễm bệnh tăng nhanh chóng. Trong tháng 3, số ca nhiễm hằng ngày lên tới 150 đến 160 nghìn ca, riêng Hà Nội, ngày cao nhất lên tới hơn 130 nghìn ca.
Hệ lụy của đại dịch cùng những tác động của sự bao vây, cấm vận, trừng phạt kinh tế giữa các siêu cường khiến cho nền kinh tế nhiều nước suy sụp. Việt Nam cũng không ngoài vòng xoáy đó. Giá xăng dầu tăng, giá vàng “nhảy múa”, kéo theo giá tiêu dùng “nhấp nhổm” tăng theo. Đúng vào trung tuần tháng 3, nước ta hoàn toàn mở cửa du lịch. Mở cửa bầu trời, bây giờ là đến mở cửa mặt đất, vừa nghiêm túc tuân thủ các quy định phòng chống dịch, vừa thực hiện “hai chữ P” là phụ chồi, phát triển sản xuất.
Không chỉ có du lịch mà ở tất cả các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục đều bắt tay vào một thời kỳ tăng tốc, bù lại quãng thời gian đã mất, với tinh thần chủ động, sáng tạo và an toàn. Đơn cử như chủ trương cho học sinh đi học trực tiếp, bao nhiêu tình huống, phương án được chuẩn bị, thế nhưng trò ngồi trong lớp chưa ấm chỗ, dịch bùng phát quá mạnh, lại phải quay về học trực tuyến. Từ các thầy cô đến các trò, các bậc phụ huynh vất vả xoay trở. Đơn cử như chủ trương cho F0 không triệu chứng, cho F1 đi làm nhưng phải có khu theo dõi riêng, bảo đảm an toàn đã được thực hiện ở nhiều doanh nghiệp. Đúng là chưa có tiền lệ, nhưng những giải pháp sống chung với dịch bệnh hôm nay sẽ là tiền lệ cho ngày mai. Ở Hà Nội, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được mở lại bắt đầu từ tối 18/3. Các nhà hàng ăn uống không phải giới hạn phục vụ đến 21 giờ nữa. Nghĩa là, trở lại như cũ nhưng với tinh thần mới, trong tâm thế mới, không một phút chủ quan, xao lãng với “cơn bão” dịch vẫn đang trong vòng xoáy khủng khiếp.
Cái mới trong cái bình thường lúc này được hiểu rằng, không vì quá lo bảo đảm an toàn mà bỏ lỡ thời cơ thúc đẩy sản xuất, nhưng cũng không vì kinh tế mà tàn phá môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Như vậy, đáp số của bài toán đã có thể hình dung. Vấn đề là tìm cách giải cho đúng, cho nhanh, cho sáng tạo, phát huy được trí tuệ tập thể và tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, kể cả dám từ chức khi không còn đủ năng lực và uy tín. Tinh thần chỉ đạo quyết liệt ấy thể hiện thông suốt từ Trung ương đến địa phương, từ Chính phủ đến các cấp, các ngành. Trong buổi chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, các đại biểu Quốc hội đã nêu những vấn đề vừa có tính thời sự cấp bách, vừa cơ bản và lâu dài, như: Tiếp tục điều tra, xử lý dứt điểm các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng; xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình tổ chức đấu giá đất ở một số nơi có hiện tượng cò đấu giá, “quân xanh - quân đỏ” lộng hành, thông đồng, dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Qua đây thấy rằng, cần phải sớm sửa đổi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, để không còn tình trạng như có người ví von: đất đai trở thành nguồn tư bản kếch xù, đẻ ra những tỷ phú qua đêm, sinh lợi khủng cho các nhóm lợi ích.
Do những nỗ lực lớn, tìm thấy “cơ” trong nguy, do những quyết sách thần tốc không kém so với những ngày Tháng Tư 47 năm về trước, nền kinh tế Việt Nam đã lấp lánh những điểm sáng. Trong quý I, vẫn lấy được đà tăng trưởng tích cực, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi nhanh, nhiều triển vọng. Riêng trong tháng 2, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Còn tính chung hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong hai tháng đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong điều kiện vô cùng khó khăn, vừa phải sống chung với đại dịch vừa phải tập trung sức phục hồi, phát triển sản xuất, đó chính là thể hiện bản lĩnh và sáng tạo, coi sáng tạo là nguồn năng lượng sống. Hậu COVID-19 không chỉ xảy ra đối với người bệnh mà nó còn ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế - xã hội của cả nước. Không chủ quan với những kết quả bước đầu, đồng bào, đồng chí cả nước đang chung sức, đồng lòng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tinh thần dũng cảm, thần tốc, táo bạo, chớp thời cơ lớn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tinh thần chiến thắng 30/4 cổ vũ chúng ta đi tới.
Theo tuyengiao.vn