Kinh nghiệm quốc tế về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi

Chủ Nhật, 15/01/2023, 07:21 [GMT+7]
    Minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi được nhiều diễn giả quốc tế nhấn mạnh là một nền tảng quan trọng để thu hồi và hoàn trả tài sản do phạm tội mà có.
 
    Trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tại Cuộc họp lần thứ 16 của Nhóm Công tác Liên Chính phủ mở về thu hồi tài sản diễn ra cuối năm 2022 tại Áo, có nhiều thực tiễn tốt về minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi đã được chia sẻ.
 
    Xây dựng khung pháp lý
 
    Nhiều quốc gia đã nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý có liên quan để tăng cường minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi bằng cách thiết lập sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện các biện pháp thích hợp để xác định chủ sở hữu hưởng lợi trong quy trình thẩm tra khách hàng.
 
    Khung pháp lý của nhiều nước có định nghĩa về chủ sở hữu hưởng lợi với quyền sở hữu và ngưỡng kiểm soát bao gồm các cá nhân thực hiện kiểm soát hiệu quả thông qua trực tiếp hoặc phương tiện gián tiếp.
 
Minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi được nhiều diễn giả quốc tế nhấn mạnh là một nền tảng quan trọng để thu hồi và hoàn trả tài sản do phạm tội mà có
Minh bạch chủ sở hữu hưởng lợi được nhiều diễn giả quốc tế nhấn mạnh là một nền tảng quan trọng để thu hồi và hoàn trả tài sản do phạm tội mà có
    Việc đánh giá rủi ro cập nhật liên quan đến các pháp nhân để xác định những biện pháp dựa trên rủi ro đối với các loại pháp nhân cụ thể là cần thiết. Một số quốc gia cho biết, đang tiến hành sửa đổi luật pháp để thành lập sổ đăng ký sở hữu hưởng lợi tập trung.
 
    Tính minh bạch và khả năng tiếp cận kịp thời thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi cũng được lưu ý. Các biện pháp quốc gia được đề cập trong lĩnh vực đó bao gồm: Việc công khai đăng ký kinh doanh và/hoặc chủ sở hữu hưởng lợi, quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và các cơ quan quốc gia có quyền tiếp cận trực tiếp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
 
    Cần thiết phải thiết lập cơ chế cập nhật thường xuyên và xác minh tính chính xác của thông tin được lưu giữ trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi, bao gồm thông qua kết nối và kiểm tra chéo tự động với dữ liệu được giữ trong sổ đăng ký công khai khác nhau.
 
    Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy tầm quan trọng của việc kịp thời chia sẻ thông tin sở hữu hưởng lợi trên phạm vi quốc tế, bao gồm thông qua các kênh hợp tác không chính thức. Lợi ích của một chuẩn mực mới về chủ sở hữu hưởng lợi như một biện pháp ngăn chặn, cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và tạo ra mạng lưới có tác dụng khuyến khích các nước khác trên thế giới làm theo cũng được nhấn mạnh.
 
    Kinh nghiệm của Áo
 
    Năm 2018, Áo đã thiết lập sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi. Một tính năng quan trọng của sổ đăng ký này là được kết nối cao với các sổ đăng ký khác của Chính phủ, chẳng hạn sổ đăng ký kinh doanh và đăng ký trung tâm của cư dân.
 
    Các công ty được yêu cầu cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi hàng năm. Nếu không báo cáo sẽ bị xử phạt cưỡng chế tự động và có thể được chuyển đến cơ quan phòng, chống gian lận để xử lý.
 
    Áo đã thực hiện một cách tiếp cận đa chiều để đảm bảo rằng thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được đầy đủ, chính xác và cập nhật. Cách tiếp cận đó bao gồm: Hoạt động giám sát dựa trên rủi ro của cơ quan đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi; quy định về việc hợp tác ở cấp độ trong nước (với đơn vị tình báo tài chính, cơ quan thuế, cục tình báo và các cơ quan chức năng khác) và ở cấp độ quốc tế, với các biện xử phạt vi phạm có hiệu quả; và các thực thể báo cáo thu thập và xác minh thông tin chủ sở hữu hưởng lợi về khách hàng và báo cáo các nội dung khác biệt đối với sổ đăng ký.
 
    Các tổ chức tín dụng có thể yêu cầu các công ty sửa thông tin trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi thông qua tự báo cáo và được thông báo về bất kỳ thay đổi nào trong thông tin chủ sở hữu hưởng lợi liên quan đến khách hàng của họ.
 
    Ngoài ra, khuôn khổ minh bạch về chủ sở hữu hưởng lợi cho phép tích hợp thông tin trong sổ đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi với dữ liệu trong sổ đăng ký kinh doanh do các chủ thể có nghĩa vụ nắm giữ.
 
    Áo thực hiện các đánh giá, kiểm toán dựa trên rủi ro và kiểm tra chéo đối với các pháp nhân và các quy định.
 
    Kinh nghiệm của Ghana
 
    Tại Ghana, các quy định về chủ sở hữu hưởng lợi lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2016.
 
    Năm 2019, Luật Doanh nghiệp đã được tái sửa đổi, trong đó định nghĩa mở rộng hơn về chủ sở hữu hưởng lợi bao gồm tất cả các hình thức kiểm soát có liên quan, cả trực tiếp và gián tiếp, và quy định mở rộng về quyền tiếp cận sổ đăng ký.
 
    Năm 2020, tất cả công ty và pháp nhân khác được yêu cầu báo cáo thông tin cho sổ đăng ký điện tử quốc gia. Sổ đăng ký được công khai và có thể được tiếp cận trực tiếp bởi đơn vị tình báo tài chính và công chúng với một khoản phí nhỏ. Cơ quan đăng ký ở Ghana cấm các công ty không cung cấp lợi ích thông tin về chủ sở hữu thực hiện hoạt động kinh doanh trong nước.
 
    Ghana đã tiến hành đánh giá rủi ro các pháp nhân để phân loại các công ty thành các loại rủi ro khác nhau và đã bắt đầu với một dự án thí điểm trong lĩnh vực khai khoáng. Dữ liệu đã được thu thập theo từng giai đoạn, bắt đầu với các thực thể có rủi ro cao, tiếp theo là các thực thể khác.
 
    Trên cơ sở đánh giá rủi ro, các thực thể có rủi ro cao phải báo cáo về chủ sở hữu hưởng lợi với ngưỡng sở hữu 5%, trong khi với các công ty có rủi ro thấp hơn, ngưỡng sở hữu là 20%. Những người có ảnh hưởng về chính trị địa phương được yêu cầu khai báo tình hình của họ với tư cách là những người có ảnh hưởng về chính trị.
 
    Kinh nghiệm của Uruguay
 
    Năm 2012, Uruguay đã cấm sử dụng cổ phiếu vô danh.
 
    Năm 2017, nước này đã thiết lập một cơ quan đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi và vào năm 2018, cơ chế trao đổi thông tin thuế tự động được ban hành.
 
    Cơ quan đăng ký chủ sở hữu hưởng lợi được thành lập trực thuộc Ngân hàng Trung ương Uruguay, dữ liệu được quản lý bởi đơn vị tình báo tài chính và đơn vị kiểm toán nội bộ quốc gia của Ngân hàng Trung ương chịu trách nhiệm về việc tuân thủ, giám sát và thực thi.
 
    Uruguay áp dụng quy định những người nắm giữ ngưỡng sở hữu 15% sẽ có trách nhiệm báo cáo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, và các điều khoản quy định bao gồm rất nhiều các pháp nhân và các thỏa thuận trong nước, cũng như một số thực thể nước ngoài hoạt động trong nước hoặc sở hữu tài sản trên một ngưỡng nhất định.
 
    Ngân hàng Trung ương đã công bố danh sách các công ty vi phạm nghĩa vụ báo cáo. Trong khi sổ đăng ký ở Uruguay về bản chất là bí mật, Ngân hàng Trung ương đã thiết lập các cơ chế hiệu quả để nhiều cơ quan có thể tiếp cận thông tin nhanh chóng.
 
    Kinh nghiệm của Nigeria
 
    Nigeria đã lần đầu tiên quy định nghĩa vụ công khai chủ sở hữu hưởng lợi trong lĩnh vực khai khoáng năm 2019.
 
    Năm 2020, nghĩa vụ công khai chủ sở hữu hưởng lợi đã được mở rộng cho tất cả các công ty đã đăng ký tại quốc gia này. Nghĩa vụ công bố thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi được áp dụng tại các thời điểm khác nhau: Khi đăng ký, khi nộp tờ khai thuế hàng năm và khi có bất kỳ thay đổi nào về chủ sở hữu hưởng lợi.
 
    Các thực tiễn tốt bao gồm: Cấm phát hành cổ phiếu vô danh, tự động hóa hoàn toàn quy trình thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi, mức độ hợp tác liên cơ quan cao giữa các cơ quan đã truy xuất và sử dụng thông tin và việc thực hiện giám sát cơ quan đăng ký dựa trên rủi ro.
 
    Về những thách thức, việc xác minh thông tin chủ chủ sở hữu hưởng lợi, việc tiếp cận kịp thời các thông tin về các thực thể nước ngoài trong quá trình các cuộc điều tra liên quốc gia và sự chậm trễ trong việc nhận được phản hồi đối với yêu cầu quốc tế về thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi.
 
    Lựa chọn cơ quan quản lý lợi ích đăng ký quyền sở hữu
 
    Kinh nghiệm các nước cho thấy, cơ quan có thẩm quyền tốt nhất để quản lý lợi ích đăng ký quyền sở hữu nên được lựa chọn trên cơ sở năng lực quản lý dữ liệu, phân tích, giám sát và theo dõi.
 
    Liên quan đến bảo vệ dữ liệu, có thể hạn chế dữ liệu cá nhân hoặc bỏ các dữ liệu đó khỏi sổ đăng ký trong các trường hợp an ninh của những người liên quan có thể gặp nguy hiểm, trong khi đảm bảo rằng thông tin vẫn có thể tiếp cận được với các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia.
 
    Về các biện pháp thu thập và xác minh thông tin chủ sở hữu hưởng lợi về các pháp nhân nước ngoài, Ghana yêu cầu tất cả pháp nhân nước ngoài kinh doanh ở nước này phải công khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi cho cơ quan đăng ký, trong khi ở Áo, các công ty trong nước được yêu cầu báo cáo toàn bộ chuỗi sở hữu trong đăng ký, bao gồm chủ sở hữu hưởng lợi nước ngoài, và cung cấp các tài liệu làm chứng cứ.
                                                                                Theo Báo Thanh tra
.