Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam: Nội dung, phương thức và một số vấn đề đặt ra

Thứ Bảy, 23/09/2023, 15:25 [GMT+7]
    Kiểm soát quyền lực nói chung là nhu cầu tất yếu trong nền dân chủ, nhằm chống lại sự lạm quyền, sự tha hóa quyền lực. Kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, tố cáo nhằm chống lại sự tha hóa, lạm quyền, tham nhũng trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo - một hoạt động phức tạp, nhạy cảm và trực tiếp liên quan đến áp dụng quyền lực hành chính. Bài viết phân tích sự cần thiết, nội dung, phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính và xác định những vấn đề đặt ra, điểm nghẽn trong kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính ở Việt Nam hiện nay.

    1.  Kiểm soát quyề lực nhà nước là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. “Điều kiện đầu tiên của Nhà nước pháp quyền là bảo đảm các quyền, tự do của công dân bằng các quy định của pháp luật rành mạch, không ai được vi phạm”(1).

    Quyền con người chỉ có thể được bảo vệ nếu việc thực hiện quyền lực nhà nước được kiểm soát(2). Kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là mục tiêu quan trọng trong hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam - theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW. trong giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) thì mục tiêu bảo vệ quyền công dân được đặc biệt đề cao, do bản thân giải quyết KNTC có nội dung trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức. Các quyết định hành chính có thể trực tiếp phân bổ hay thu hồi các lợi ích trong xã hội - như cấp, thu hồi đất, cho phép đầu tư, phê duyệt dự án, v.v... Những sai phạm trong thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC sẽ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

    Vậy, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính là gì? 

    Kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính nằm trong khái niệm rộng hơn: Kiểm soát quyền lực trong hoạt động hành chính. Tiếp cận từ góc độ luật hành chính, kiểm soát quyền lực nhà nước trong giải quyết KNTC hành chính là tổng hợp các cơ chế luật định theo đó các chủ thể có thẩm quyền kiểm soát hoạt động thực thi quyền lực của các cơ quan, cá nhân trong giải quyết KNTC. Kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính là  hoạt động thường xuyên, định kỳ, có thể xuất phát từ đơn thư của người dân tổ chức nhưng phần lớn là từ phía cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính. Kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính được thực hiện theo những phương thức rộng rãi, được quy định trong các văn bản pháp luật khác như Luật Giám sát của Quốc hội, HĐND, Luật Mặt trận tổ quốc; Luật Thanh tra, Luật Tiếp công dân, Luật Tố tụng hành chính, v.v...

Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm "Kiểm soát quyền lực nhà nước trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" do Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức (ảnh Đặng Phước)

    Chủ thể kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính là các cơ quan nhà nước (không chỉ hành chính); các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế, tòa án, các thiết chế xã hội như báo chí, mạng xã hội và cả người dân. Về tính pháp lý, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính liên quan nhiều đến việc thực thi pháp luật giải quyết KNTC của chính cơ quan hành chính, cán bộ công chức trong cơ quan đó. Nói cách khác, dù chủ thể và cách thức thực thi rộng rãi phong phú hơn nhưng đối tượng kiểm soát của hoạt động kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính lại tập trung hơn nhiều - vào khối cơ quan hành chính, nơi có thẩm quyền giải quyết KNTC.

    Bên cạnh những đặc điểm chung nói trên, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC có đặc thù như: 

    Thứ nhất, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC để bù đắp lại tính chất bất bình đẳng trong mối quan hệ giữa người dân - cơ quan hành chính(3). Kiểm soát là phương thức bảo đảm sự tuân thủ pháp luật từ phía công quyền, ngăn chặn những rủi ro lạm quyền trong hoạt động hành chính. Kiểm soát cũng thể hiện sự ràng buộc của quyền lực hành chính - quyền lực nhà nước, với các quyền lực nhà nước khác và đặc biệt với quyền lực chính trị(4). Cội rễ của nền dân chủ hiện đại dựa trên cơ chế dân chủ gián tiếp - tức là nhân dân lập ra cơ quan đại diện và các cơ quan này đặt ra pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội. Bản thân hoạt động hành chính mang tính chấp hành - tức là thực thi mệnh lệnh của cấp trên, do đó, kiểm soát hoạt động hành chính là tất yếu. Mối quan hệ giữa cơ quan ra mệnh lệnh - Quốc hội - với cơ quan thực thi - Chính phủ và các cơ quan hành chính là mối quan hệ trong đó bao chứa sẵn yếu tố kiểm soát. 

    Kiểm soát cần thích ứng với những đặc trưng của hoạt động hành chính như: Có phạm vi rất rộng và tính chất thường xuyên liên tục. trong số các cơ quan nhà nước thì hệ thống Chính phủ và chính quyền địa phương là đồ sộ nhất, nắm trong tay nguồn nhân vật lực lớn nhất và hoạt động thường xuyên nhất để phục vụ nhu cầu đời sống hàng ngày của nhân dân. Bởi vậy, cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền hạn của Chính phủ và chính quyền địa phương sẽ phải bao phủ được phạm vi hoạt động rộng lớn đó, đồng thời, cũng phải theo kịp sự vận hành thường xuyên của bộ máy. tính phong phú, chuyên nghiệp của cơ chế giám sát được lý giải trên cơ sở đặc thù hành chính.

    Thứ hai, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC tôn trọng hoạt động thường xuyên liên tục của cơ quan thực thi quyền hành chính. Chính phủ, chính quyền địa phương là những cơ quan cung ứng dịch vụ công cho người dân, nên cần phải hoạt động thường xuyên liên tục. Việc kiểm soát hoạt động của các cơ quan này không được làm ảnh hưởng hay gián đoạn đến chức năng cung ứng dịch vụ công, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 

    Thứ ba, kiểm soát hoạt động hành chính có những khó khăn đặc thù do động chạm đến công quyền (cơ quan hành chính); nên tính phức tạp rất cao. Ở Việt Nam, cơ quan hành chính có phạm vi hoạt động lớn, có mối quan hệ chặt chẽ với các thiết chế nhà nước và phi nhà nước trong xã hội, điều này cũng làm phức tạp hoá hoạt động kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính. 

    Thứ tư, hoạt động kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết KNTC hành chính có mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân(5).

    2. Về nội dung, kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính gồm: Kiểm soát tính hợp pháp và tính hợp lý. Kiểm soát tính hợp pháp tức là kiểm soát hoạt động giải quyết KNTC hành chính có phù hợp với các quy định áp dụng cho nó hay không - bao gồm cả các quy phạm pháp luật và quy phạm xã hội áp dụng cho hoạt động đó. Kiểm soát tính hợp lý: tức là việc kiểm soát các quyết định, hành vi hành chính có phù hợp với mục đích đặt ra hay không; có phù hợp về thời điểm thực hiện hoạt động hay không; các phương tiện được sử dụng có phù hợp với phương tiện hiện có không, v.v… Kiểm soát này nhằm bảo đảm rằng mục tiêu theo đuổi có khả thi hay không và có được áp dụng với các phương tiện phù hợp hay không(6). Phương thức kiểm soát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính gồm tự kiểm soát bởi cơ quan hành chính, thông qua thanh tra, tòa án; từ phía xã hội, công dân và cơ quan quyền lực nhà nước.

    Thứ nhất, tự kiểm soát bởi cơ quan hành chính. tự kiểm soát là cơ chế của cơ quan hành chính tự kiểm soát các hành vi, quyết định của mình. Trong giải quyết khiếu nại, còn gọi là cơ chế giải quyết khiếu nại lần đầu. Cụ thể là, việc người có thẩm quyền tự giải quyết các khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.

    Thứ hai, kiểm soát bởi cơ quan hành chính cấp trên. Đây là phương thức kiểm soát của cấp trên xem xét lại các quyết định giải quyết KNTC của cấp dưới, còn gọi là giải quyết khiếu nại lần hai(7). Đối với giải quyết tố cáo hành chính, thì bất cứ hoạt động giải quyết tố cáo nào cũng chính là cách thức kiểm soát việc thực hiện quyền lực hành chính bởi cơ quan cấp trên - do đặc thù của giải quyết tố cáo: Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo là thủ trưởng, người quản lý đối với nhân viên hay cấp dưới của mình(8). Cơ  chế này có tư cách kép: Một mặt chính là giải quyết KNTC; nhưng ở góc độ khác lại cũng chính là cách thức để cơ quan cấp trên kiểm soát hoạt động giải quyết KNTC hành chính của cơ quan  dưới quyền mình. Cơ chế kiểm soát bởi cấp trên có hiệu lực lớn, bởi cơ quan cấp trên có thẩm quyền lớn: Tự giải quyết  lại (nếu thuộc thẩm quyền giải quyết lần sau); xử lý kỷ luật; áp dụng các biện pháp cưỡng chế (tạm đình chỉ hoạt động, cấm thực hiện hoạt động, v.v...).

    Cơ chế kiểm soát của cấp trên tồn tại phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Các học giả Pháp, Bỉ hay gọi là “khiếu nại hệ cấp”. Đây là cơ chế kiểm soát giải quyết khiếu nại - tức là cấp trên có quyền phán xét về việc giải quyết KNtC của cấp dưới là đúng hay sai luật. Nhưng hơn thế,  đây cũng là một hình thức giải quyết KNTC bởi vì: Trong quyết định của mình, cấp trên có thể đưa ra đường lối giải quyết vụ việc trực tiếp.

    Thứ ba, thanh tra. thanh tra là cơ chế kiểm soát quyền lực hết sức quan trọng trong giải quyết KNTC. thanh tra có  quyền trực tiếp tham gia vào giải quyết KNTC: “Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao”(9). thanh tra có vai trò kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính thể hiện rõ trong thẩm quyền: “Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan thuộc quyền quản lý trực tiếp của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”(10). Trong đó, nổi bật vai trò của tổng thanh tra Chính phủ: “Giúp thủ tướng Chính phủ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật”.

    Hơn nữa, cơ quan thanh tra có quyền “đưa ra các kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, xử lý thu hồi tiền và tài sản sai phạm về ngân sách nhà nước”(11). Thanh tra có quyền “buộc chấm dứt hành vi vi phạm; xem xét áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính”; trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo để người ra quyết định thanh tra chuyển ngay hồ sơ vụ việc, tài liệu có liên quan cùng với văn bản kiến nghị khởi tố cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp biết”(12).

    Thông qua kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại, cơ quan thanh tra có thể kịp thời phát hiện những sơ hở, yếu kém, vi phạm trong việc thực thi công vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, từ đó, có đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý, khắc phục kịp thời, để giảm thiểu các vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước. Qua thanh tra, cũng có thể cung cấp các thông tin quan trọng, cần thiết về những vi phạm, yếu kém trong thực thi công vụ của cơ quan hành chính nhà nước để các cơ chế giám sát khác của Nhà nước, của xã hội, của Đảng thực hiện việc giám sát hiệu quả, thiết thực.
 
    Thứ tư, kiểm soát của nhân dân. Từ góc nhìn xã hội học thì cơ quan hành chính cũng là một chủ thể xã hội và mối quan hệ giữa hành chính với người dân cũng là loại quan hệ xã hội và chịu những đổi thay của môi trường xã hội. Trên thế giới thì sự thay đổi này đang theo xu hướng đảo chiều: Từ mối quan hệ cai trị thành mối quan hệ phục vụ. Người dân trở thành khách hàng và được thụ hưởng từ hoạt động hành chính. Người dân cũng được tăng quyền tham gia, bày tỏ ý kiến và kiểm soát cơ quan hành chính. Người dân được thông tin tốt hơn xưa, lại được hỗ trợ thêm bởi các hiệp hội như hội bảo vệ người tiêu dùng; nghiệp đoàn, các nhóm áp lực,… tạo nên các chủ thể kiểm soát hoạt động giải quyết KNTC từ bên ngoài(13).
 
    Ở Việt Nam, cơ chế kiểm soát của nhân dân được ghi nhận nhiều trong pháp luật. Đó là các cơ chế như tiếp dân, KNTC, kiến nghị, phản ánh. Kiểm tra giám sát của công dân rất quan trọng vì chính người dân là người thụ hưởng, trực tiếp liên quan đến hoạt động giải quyết KNtC của cơ quan nhà nước, bởi vậy, sự giám sát của họ có tính thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu thực tế và sát thực. Hơn nữa so với giám sát của cơ quan hành chính thì giám sát của công dân mang tính khách quan, độc lập - sự giám sát này làm tăng thêm trách nhiệm giải trình cho hoạt động giải quyết KNTC. Kiểm soát quyền lực của công dân đối với thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC không có tính quyền lực nhà nước - tức là công dân không thể thực hiện các chế tài hay xử lý trực tiếp hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.
 
    Tuy nhiên, thông qua hoạt động giám sát này mà các chủ thể có thẩm quyền có thể phát hiện và xử lý các vi phạm của cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết KNTC. Những kiến nghị, khiếu nại hay tố cáo của công dân sẽ có tác dụng phản hồi và điều chỉnh lại quy trình giải quyết KNTC của cơ quan nhà nước.
 
    Thứ năm, kiểm soát xã hội. Cũng giống như kênh giám sát công dân, giám sát của các tổ chức xã hội không mang tính quyền lực nhà nước, nhưng có thể tạo ra kiến nghị hay áp lực để các cơ quan nhà nước trực tiếp xử lý hay can thiệp vào các hiện tượng vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết KNTC. Giám sát của tổ chức xã hội có vai trò quan trọng trong bảo đảm tôn trọng pháp luật trong KNTC. Một số tổ chức chính trị xã hội lớn được pháp luật trao quyền kiến nghị về giải quyết KNtC và cơ quan nhà nước có liên quan bắt buộc phải trả lời các kiến nghị đó theo thủ tục và thời gian luật định - ví dụ trường hợp của Mặt trận tổ quốc.
 
    Ưu điểm của giám sát xã hội là tính khách quan, độc lập và toàn diện - bởi gần dân, có hệ thống sâu rộng bám rễ đến từng cộng đồng, cấp hành chính và gắn với đời sống chính trị xã hội của đất nước nên các tổ chức xã hội nắm bắt được thực tiễn, từ đó những kiến nghị, phản ánh hay yêu cầu của họ sẽ là kênh giám sát thiết thực đối với hoạt động của công quyền. Tính toàn diện của giám sát xã hội thể hiện ở phạm vi giám sát rộng: Không chỉ dựa trên cơ sở pháp luật mà còn cả giám sát về đạo đức, quy tắc ứng xử nghề nghiệp, lối sống, v.v… của cán bộ công chức trong giải quyết KNTC. Hơn nữa giám sát xã hội có tính linh hoạt bởi có thể quy tụ nhiều chủ thể thực hiện giám sát, trong đó, có các chuyên gia, các đại biểu tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, có trình độ chuyên môn thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
 
    Khung khổ pháp lý cho hoạt động kiểm tra giám sát xã hội đối với giải quyết KNTC đã dần hoàn thiện. Ngoài các quy định của pháp luật giải quyết KNTC thì các văn bản pháp  luật trong từng lĩnh vực cụ thể đã quy định về trình tự thủ tục cũng như cách thức để các chủ thể giám sát xã hội thực hiện quyền hạn của mình: Luật Mặt trận tổ quốc, Luật Thanh tra; Luật Dân chủ cơ sở; Luật Đất
đai, Luật Xây dựng; v.v... trong các văn bản pháp luật đó cũng có quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi nhận được kiến nghị của các chủ thể giám sát của nhân dân có trách nhiệm trả lời kiến nghị về kết quả giám sát của nhân dân. Chính quyền địa phương có trách nhiệm lắng nghe, giải quyết và trả lời các kiến nghị của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời,
pháp luật quy định trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ hoạt động giám sát, trách nhiệm giải trình của đối tượng giám sát. Các quy định của pháp luật về báo chí cũng mở rộng quyền cho hoạt động báo chí - kênh giám sát xã hội rất quan trọng đối với việc thực hiện quyền lực trong giải quyết KNtC. Ngoài truyền thông đại chúng thì mạng xã hội cũng tạo ra kênh phổ biến đối với giám sát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC.
 
    Thứ năm, kiểm soát bởi Tòa án. Tòa án có vai trò rất quan trọng trong kiểm soát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính. Nhìn chung nhất thì mọi loại tố tụng đều có thể góp phần vào kiểm soát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC. Tòa án xét xử vụ án hình sự cũng có thể xem xét trách nhiệm của người giải quyết KNTC có liên quan; nhất là trong trường hợp việc lạm dụng quyền lực hoặc làm trái thẩm quyền, thiếu trách nhiệm trong giải quyết KNTC cấu thành nên tội phạm hình sự. Tuy  nhiên, vai trò chủ đạo trong kiểm soát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC thuộc về xét xử hành chính. Xét xử hành chính là phương thức kiểm soát việc thực thi quyền lực trong giải quyết KNTC, bởi lẽ, thông qua xét xử hành chính, tòa án phán quyết về tính hợp pháp của quyết định hành chính, hành vi hành chính, trong số đó có các quyết định, hành vi đã được khiếu nại, hoặc có các quyết định giải quyết khiếu nại - đây chính là cách mà tòa án trực tiếp giám sát việc giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính.
 
    Vai trò kiểm soát của tòa hành chính đối với việc giải quyết KNTC ngày càng rộng mở. Cho đến nay, trừ một vài ngoại lệ, còn hầu hết mọi loại quyết định hành chính đều có thể khởi kiện tại tòa án; kể cả các quyết định giải quyết khiếu nại. Và đặc biệt không còn “khoảng miễn trừ” cho cơ quan hành chính: Các quyết định giải quyết khiếu nại sau cùng, tức là của cấp có thẩm quyền cao nhất trong giải quyết khiếu nại, cũng đều có thể bị xem xét tại tòa hành chính. Đây là những sửa đổi lớn của hệ thống pháp luật khiếu nại và tố tụng hành chính, qua đó đề cao hơn vai trò của tòa án trong giải quyết án hành chính và qua đó, tăng cường kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước trong giải quyết khiếu nại.
 
    Đặc biệt việc kiểm soát thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC thể hiện rõ trong thẩm quyền giải quyết một loại việc rất đặc thù của toà hành chính: Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật. Có thể nói, đối với lĩnh vực cạnh tranh thì tòa án hoàn toàn là cơ chế kiểm soát quy trình giải quyết khiếu nại, vì thẩm quyền xét xử của toà chỉ đặt ra đối với quyết định giải quyết khiếu nại.
 
    Thứ sáu, kiểm soát của cơ quan quyền lực. Sự kiểm soát của cơ quan quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm sự tuân thủ và chấp hành mệnh lệnh do cơ quan quyền lực ban hành, mà cơ quan hành chính là người thực thi. Bởi vậy, kiểm soát của cơ quan quyền lực là kiểm soát có tính pháp lý, có hiệu lực bắt buộc và được pháp luật quy định rõ ràng. Ở nước ta, Quốc hội và HĐND các cấp thực hiện quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính, trong đó có hoạt động giải quyết KNTC.
 
    Cơ quan quyền lực là thiết chế chính thức và giữ vai trò trọng yếu để xem xét lại việc thực hiện quyền lực nhà nước trong KNTC. Giám sát của cơ quan quyền lực không chỉ qua việc tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, mà còn qua xem xét các báo cáo của cơ quan nhà nước về giải quyết KNTC, xem xét báo cáo, kiến nghị của các chủ thể khác về công tác giải quyết KNTC. Việc giám sát thực hiện quyền lực nhà nước trong giải quyết KNtC được quy định cho hầu khắp các bộ phận cấu thành của cơ quan quyền lực; đặc biệt được giao phó cho các đại biểu dân cử, điều này phù hợp với tính chất hoạt động của cơ quan và vai trò của đại biểu dân cử, là kênh giao tiếp giữa cử tri với cơ quan nhà nước; nắm bắt rõ nhu cầu, nguyện vọng của cử tri. 
 
    3. Vấn đề đặt ra cần giải quyết
 
    Thứ nhất, thống nhất nhận thức về vai trò, đặc trưng và thẩm quyền kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết KNTC hành chính. Cần khẳng định rằng, ở đâu, chỗ nào có giải quyết KNTC hành chính thì chỗ đó có kiểm soát quyền lực, nhằm phòng, chống lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, trục lợi cá nhân trong quá trình giải quyết.
 
    Thứ hai, cần hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng quy định cụ thể, rõ ràng nội dung, phương thức, trình tự, thủ tục cơ chế kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính. Nhất là, cần cụ thể hóa nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền trong xử lý các kiến nghị, phản ánh, KNTC hành chính; xử lý, tiếp thu các kết quả giám sát của công dân; cần quy định chế tài với người không thực hiện đúng quy định về tiếp dân, xử lý kiến nghị, phản ánh, KNTC của công dân.
 
    Thứ ba, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kiểm soát quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính. Hoàn thiện mối quan hệ giữa cơ chế tự kiểm soát và kiểm soát bên ngoài nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và cá nhân công dân, báo chí truyền thông.
 
    Thứ tư, cần phát huy tối đa cơ chế kiểm soát tòa án đối với việc thực hiện quyền lực trong giải quyết KNTC hành chính. Ở nhiều quốc gia, hầu hết các xung đột hành chính sẽ được giải quyết bằng con đường tư pháp(14). Cơ chế tòa án kiểm soát quyền lực trong giải quyết khiếu nại có rất nhiều ưu điểm: Tính khách quan, do tòa án là hệ thống độc lập với cơ quan hành chính; tính chặt chẽ và bảo đảm về thủ tục, do trình tự tố tụng tại tòa hết sức nghiêm ngặt và có các cơ chế bảo đảm quyền tranh luận, quyền được
xét xử công bằng giữa các bên; tính ràng buộc và hiệu lực cao, do phán quyết của tòa mang tính quyền lực nhà nước, có hiệu lực bắt buộc thi hành.
 
    Thông qua xét xử hành chính, tòa án có thẩm quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại; buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; có quyền buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra; điều này cũng áp dụng đối với quyết định giải quyết khiếu nại, nếu là đối tượng khởi kiện. Tòa án còn có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người đứng đầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước(15).
 
    Thứ năm, phát huy tính độc lập, khách quan và thu hút nhân dân kiểm soát quyền lực trong việc giải quyết KNTC hành chính bằng cách chú trọng các điều kiện bảo đảm về kinh phí, cơ sở vật chất, không để các tổ chức xã hội phụ thuộc vào cơ quan hành chính.
 
    Thứ sáu, cơ chế tự kiểm tra có nhiều ưu điểm, đó là việc hiểu biết rõ ràng nhất về vụ việc; là khả năng tự sửa chữa, khắc phụ nếu phát hiện ra các sai sót trong thực thi quyền lực, song hạn chế lớn nhất là tính khác quan. Do đó, cần tăng cường cơ chế giải trình và chế tài nghiêm khắc, nhất là đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo hành chính.
 
    (1) Từ điển Xã hội học, Nguyễn Khắc Viện chủ biên, Nxb. thế giới, H.1994.
    (2) PGS. tS. Nguyễn Đăng Dung: “Sự hạn chế quyền lực Nhà nước”, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H.2005, tr.39-40.
    (3) P. WEIL, Le droit administratif (5e éd.), Paris, Presses universitaires de France, 1973, p.44. (Le contrôle se justifie par l’inégalité entre l’administration et les administrés, par l’existence au profit de cellelà de pouvoirs n’appartenant pas à ceux-ci).
    (4) M.-A. FLAMME, Droit administratif, Bruxelles, Editions de l’Université Libre de Bruxelles, 1989, p.31.
    (5) Stichele, A. V. (1973). LE CONtRÔLE DE L’ADMINIStRAtION Et LE CONtENtIEUX ADMINIStRAtIF EN DROIt BELGE. Revue générale de droit, 4(1), 46-65. https://doi.org/10.7202/1059776ar
    (6) J. CHEVALLIER, Science administrative, Paris, Presses universitaires de France, 1994, p.314.
    (7) Ví dụ: Chủ tịch huyện: Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND cấp xã, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.
    (8) Ví dụ: Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện công vụ của công chức do mình quản lý trực tiếp; Chủ tịch UBDN cấp huyện giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức, viên chức khác do mình bổ nhiệm, quản lý trực tiếp, v.v...
    (9) Luật Khiếu nại, Điều 25 Khoản 1.
    (10) Luật Khiếu nại, Điều 25 Khoản 2.
    (11) Bộ tài nguyên - Môi trường: Báo cáo Đánh giá tình hình thi hành Luật Đất đai 2013 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai, Hà Nội 26/9/2022.
    (12) Điều 68 Luật thanh tra, ngày 14/11/2022.
    (13) Christophe Magdalijns, “Le contrôle de l’action administrative, contribution à une typologie réorientée des contrôles”, Pyramides, 8 | 2004,
    (14) Le citoyen et son administration”, sous la direction de Celine WIENER and Michel LECLAINDRE, (Preface de Guy BRAIBANt), Group Imprimeria National, France 2000, tr.163.
    (15) Điều 193 Luật tố tụng hành chính 2015.
 
    PGS. TS. Nguyễn Hoàng Anh
(Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
.