Bài 1: Công tác giám định, định giá tài sản

Tập trung xử lý những khâu yếu, việc khó trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 30/10/2023, 15:53 [GMT+7]
    Cuộc đấu tranh tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thời gian qua mặc dù đạt được những kết quả hết sức quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đã chỉ đạo: “Không được chủ quan, thỏa mãn; không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục”. Đặc biệt, đồng chí đã nhiều lần chỉ ra những “khâu yếu”, “việc khó” cần tập trung xử lý trong thời gian tới. Tạp chí Nội chính trân trọng giới thiệu một số bài viết làm rõ nội dung 3 “khâu yếu”,“việc khó” cần tập trung giải quyết, nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

    1. Tập trung chỉ đạo giải quyết một cách căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản

    Thời gian qua, tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được đẩy nhanh, khẩn trương thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Điều này có công rất lớn của công tác giám định, định giá tài sản. Thực tế cho thấy, để phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế phần lớn phải thực hiện giám định, định giá tài sản. Đây là một căn cứ quan trọng để xác định đúng giá trị tài sản bị xâm phạm, thiệt hại; hành vi có phạm tội hay không, cũng như việc áp dụng khung hình phạt, xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nhờ đó giải quyết vụ án, vụ việc khách quan, chính xác, kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, thu hồi ở mức cao nhất tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Ngược lại, nếu công tác giám định, định giá tài sản bị vướng mắc, chậm trễ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc. Vì trên thực tế, nhiều vụ án, vụ việc hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá phải tạm đình chỉ xác minh vụ việc, tạm đình chỉ điều tra vụ án. thậm chí, nếu giám định, định giá không đúng, sẽ có nguy cơ dẫn đến oan sai, ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, quyền công dân, tính công minh của các cơ quan tham gia tố tụng và niềm tin của nhân dân trong hoạt động tố tụng nói riêng, PCTNTC nói chung.
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án, ngày 18/8/2023
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý Đề án, ngày 18/8/2023 (ảnh Đặng Phước)
    Phát biểu tại các Phiên họp, Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc nhở: “tập trung chỉ đạo giải quyết một cách căn cơ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ công tác điều tra, truy tố, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế”(1). Đồng chí cũng yêu cầu: “Trường hợp không thể giám định, định giá tài sản thì phải làm rõ nguyên nhân; trường hợp cố tình né tránh, đùn đẩy hoặc từ chối giám định thì phải xử lý nghiêm theo quy định”(2); “Giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có liên quan kiểm tra làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân cố tình né tránh, chậm trễ, kéo dài, kết luận sai lệch trong giám định, định giá, cung cấp tài liệu; nhẹ thì kiểm điểm, phê bình nghiêm túc, nặng thì kỷ luật, điều chuyển công tác, cách chức, vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì cần xem xét xử lý về hình sự để răn đe, khắc phục ngay tình trạng này”(3). Đồng chí đề nghị “tổ chức kiểm tra chuyên đề công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại các bộ, ngành và một số địa phương liên quan; xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận không đúng”(4).
 
    2. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự
 
    Thời gian qua, mặc dù các cơ quan, tổ chức và người thực hiện giám định, định giá tài sản đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện các nội dung trưng cầu, yêu cầu của Cơ quan điều tra; các cơ quan tiến hành tố tụng đã có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng, người giám định để xác định nội dung, phạm vi trưng cầu, yêu cầu; cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định, định giá, nâng cao chất lượng giám định, định giá tài sản, song công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là:
 
    Một là, cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự còn hạn chế, bất cập. Việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp, hướng dẫn thực hiện định giá tài sản còn chưa kịp thời, một số nội dung còn mâu thuẫn, không thống nhất với các luật khác, gây khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện(5); quy định về định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở một số trường hợp cụ thể còn bất cập, chưa phù hợp(6); quy định về thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá chưa phù hợp(7).
 
    Hai là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đối với công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự của một số cấp ủy, bộ/ngành, địa phương còn chậm(8). Qua kiểm tra tại Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy việc triển khai, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, quy định pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, tính cấp thiết của hoạt động giám định, định giá, phục vụ công tác đấu tranh PCTNTC.
 
    Ba là, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa chú trọng công tác kiểm tra, giám sát đối với công tác giám định, định giá. Chưa tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, rút ra kinh nghiệm. Một số khó khăn, vướng mắc tồn tại trong một thời gian dài nhưng chưa được nghiên cứu, đề xuất khắc phục, như: Đội ngũ người làm giám định tư pháp còn thiếu chuyên gia giỏi, nhiều kinh nghiệm; các cơ quan trưng cầu giám định không cung cấp đủ hồ sơ, tài liệu hoặc trưng cầu giám định chưa phù hợp với đối tượng, nội dung giám định; cơ chế, chính sách, pháp luật về giám định chưa đầy đủ, hoàn thiện… từ đó, còn chậm đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác giám định, định giá.
 
    Bốn là, trong công tác trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản. Một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp khó khăn, lúng túng trong xác định cơ quan giám định, định giá tài sản; trưng cầu, yêu cầu không đúng hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn của cơ quan giám định, định giá, phải thực hiện lại thủ tục trưng cầu giám định, yêu cầu định giá ở cơ quan khác, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện. Điển hình như: Vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng trưng cầu Bộ Khoa học và Công nghệ giám định tiêu chí đánh giá năng lực, kinh nghiệm trong lựa chọn nhà thầu, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng nội dung trưng cầu không thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. 
 
    Việc xác định thời hạn giám định, định giá tài sản trong một số trường hợp chưa phù hợp với khối lượng, tính chất nội dung giám định, định giá nên cơ quan, tổ chức, người thực hiện giám định, định giá không thể hoàn thành, phải gia hạn, kéo dài, nhất là giám định về xây dựng, tài chính, đầu tư… Nội dung trưng cầu giám định, yêu cầu định giá một số trường hợp chưa đủ rõ, chưa cụ thể, không gửi kèm các thông tin, tài liệu cần thiết nên tổ chức, người thực hiện giám định, định giá không đủ cơ sở thực hiện, phải chờ bổ sung hồ sơ nhiều lần, kéo dài thời gian kết luận. Cụ thể như: (1) Vụ án giai đoạn 2 xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trưng cầu Bộ tài chính giám định bổ sung việc chấp hành các quy định trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty TISCO, nhưng Cơ quan Cảnh sát điều tra chậm bàn giao hồ sơ, tài liệu; (2) Vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ, Cơ quan  An ninh điều tra Công an TP. Hải Phòng chưa cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Hội đồng định giá nên chưa có cơ sở để định giá tài sản...
    
    Các cơ quan tiến hành tố tụng thường có xu hướng trưng cầu, yêu cầu các bộ, ngành trung ương đối với các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương dẫn đến quá tải, không bố trí đủ cán bộ tham gia giám định, khó khăn trong trao đổi, liên hệ giao nhận tài liệu, khảo sát hiện trạng tài sản. Thậm chí, trong một số lĩnh vực đặc thù, công tác trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng hầu như chưa lựa chọn, trưng cầu tổ chức, cá nhân trong danh sách đã được cơ quan quản lý nhà nước công bố công khai mà chủ yếu đề nghị cơ quan quản lý cấp Bộ cử giám định viên thực hiện giám định. 
 
    Có vụ án, vụ việc, cơ quan tiến hành tố tụng quá lạm dụng việc giám định, định giá không cần thiết, hoặc đưa ra những yêu cầu giám định nhưng không thể thực hiện. Ngoài ra, cơ quan thực hiện giám định, định giá chậm ban hành kết luận nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chủ động đôn đốc cơ quan giám định, định giá và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, dẫn đến nhiều nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có dấu hiệu tội phạm ít nghiêm trọng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, bỏ lọt tội phạm.
 
    Năm là, trong tổ chức thực hiện giám định vụ việc, định giá tài sản và ban hành kết luận giám định, định giá. Nhiều trường hợp cơ quan tiến hành giám định, định giá không làm hết trách nhiệm, chậm phân công, phân công không đúng hoặc từ chối phân công giám định viên không đúng quy định; chậm thành lập Hội đồng giám định, định giá, làm kéo dài thời gian giám định, định giá dẫn đến nhiều vụ án, vụ việc phải gia hạn hoặc tạm đình chỉ điều tra để chờ kết luận giám định, định giá.
 
    Đó là các vụ: (1) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án Nha trang Center 2, tỉnh Khánh Hòa; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Nha trang Golden Gate 28E trần Phú, Nha trang, tỉnh Khánh Hòa: Sau hơn 03 tháng (ngày 29/10/2021) Bộ Tài nguyên và Môi trường mới thành lập Hội đồng định giá; (3) Vụ việc xảy ra tại Công ty Cổ phần Cienco1, ngày 26/4/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Tiền Giang định giá khu đất thuộc thửa 585 tờ bản đồ số 3 ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, Châu Thành, Tiền Giang diện tích 16.706m2, đến ngày 15/11/2021, Sở Tài chính Tiền Giang chưa thành lập Hội đồng định giá. Giám định viên, Hội đồng giám định, Hội đồng định giá chậm trả lời kết quả, tình trạng vi phạm thời hạn giám định, định giá diễn ra phổ biến.
 
    Đặc biệt, do chậm có kết quả giám định, định giá nên một số nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố có dấu hiệu tội phạm ít nghiêm trọng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong một số vụ án, vụ việc, kết quả giám định, định giá còn chung chung, không cụ thể, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết vụ án, vụ việc, phải giám định, định giá lại hoặc giám định, định giá bổ sung hoặc phải giải thích bổ sung; ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hoặc phải tạm đình chỉ vụ án, vụ việc. Như các vụ: (1) Vụ việc xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên phải tạm đình chỉ ngày 27/5/2021 do chờ kết quả giám định, hiện đang thực hiện giám định bổ sung; (2) Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án Nha Trang Center 2,  tỉnh Khánh Hòa và (3) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án Nha Trang Golden Gate, tỉnh Khánh Hòa, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Khánh Hòa định giá không đúng nên phải yêu cầu định giá lại.
 
    Giám định viên có dấu hiệu đùn đẩy, né tránh, trách nhiệm chưa cao; một số kết luận giám định, định giá tài sản còn chậm, chất lượng còn hạn chế, chưa rõ ràng, không phản ánh đúng bản chất vụ việc, giá trị tài sản được yêu cầu giám định, định giá; có trường hợp còn né tránh việc giải thích kết luận giám định khi được cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu, thậm chí một số cơ quan được trưng cầu giám định, yêu cầu định giá từ chối thực hiện giám định, định giá không đúng quy định của pháp luật.
 
    Sáu là, công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản với cơ quan thực hiện giám định, định giá tài sản và các cơ quan khác có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa chặt chẽ, thiếu chủ động trong việc trực tiếp trao đổi, phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu hoặc xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ngay từ đầu.
 
    3. Nguyên nhân vướng mắc, khó khăn, hạn chế
 
    3.1. Nguyên nhân khách quan
 
    - Về cơ chế, chính sách, pháp luật: Hệ thống quy định của pháp luật chưa đồng bộ, hoàn thiện, đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, đấu thầu, tài chính, ngân hàng, đất đai, quản lý tài sản công chưa hoàn thiện nên gặp khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giám định, định giá. Quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giám định, định giá còn có bất cập, gây khó khăn, vướng mắc cho công tác giám định, định giá(9). Cơ chế, chính sách, pháp luật về giám định, định giá tài sản chưa khuyến khích, thu hút được những người có chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm tham gia vào các hoạt động giám định, định giá tài sản đối với các vụ án, vụ việc, nhất là trong lĩnh vực chuyên môn sâu là tài chính, ngân hàng, xây dựng, đất đai, đầu tư, đấu thầu... Một số lĩnh vực giám định, bộ/ngành, địa phương chưa có giám định viên, hoặc thiếu giám định viên.
 
    - Nhiều vụ án, vụ việc xảy ra trong thời gian dài, quá trình thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu gặp khó khăn nên việc hoàn thành giám định, định giá chậm, như: Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy tại tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco1), thời điểm định giá khu đất (thuộc thửa số 1-99, tờ bản đồ số 1 Bình Hòa Xã tại 135-135A Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh diện tích 422m2) là tháng 6/2013. Do cách xa thời điểm hiện nay, nên việc thu thập thông tin tài sản giao dịch làm cơ sở thẩm định giá trị tài sản gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, đối tượng phạm tội tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, trình độ chuyên môn cao, quan hệ xã hội rộng, nên có nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan điều tra cũng như cất giấu tài sản, hợp pháp hóa, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, do đó, việc thu thập tài liệu của cơ quan tiến hành tố tụng phục vụ cho công tác giám định, định giá gặp nhiều khó khăn.
 
    - Nhiều quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá có nội dung khó, phức tạp; đối tượng giám định liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Khối lượng giám định, định giá lớn, nhất là ở một số lĩnh vực như: Tài nguyên - Môi trường, tài chính, thuế, ngân hàng..., nhưng nguồn nhân lực, phương tiện kỹ thuật, điều kiện cơ sở vật chất, tài chính phục vụ công tác giám định, định giá chưa đáp ứng yêu cầu, ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ và kết quả của công tác giám định, định giá. Một số tài sản định giá đã được thay đổi kết cấu, không có hoặc thiếu đối tượng so sánh. Như: Vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên, Cơ quan điều tra đề nghị Bộ Giao thông - Vận  tải thành lập Hội đồng định giá để tiến hành định giá đối với 05 đầu máy Diesel và 42 ô tô. Hội đồng định giá không đủ chuyên môn xác định về giá mua bán, giá thị trường của tài sản tại thời điểm được yêu cầu định giá. Một số vụ việc khó xác định hiện trạng đối với một số tài sản cần định giá là giá trị quyền sử dụng đất. Như: Vụ việc liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Phát triển Khu Công nghiệp Sài Gòn - IPC thành Công ty Cổ phần tiếp vận Đông Sài Gòn, chưa xác định được chính xác thửa đất, diện tích đất cần định giá tại xã An Phú tây, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh.
 
    - Thiếu cơ chế phối hợp, thông tin giữa các cơ quan trưng cầu giám định, yêu cầu định giá với cơ quan thực hiện giám định, định giá; thủ tục hành chính trong việc cử người giám định theo vụ việc, tham gia Hội đồng định giá còn mất nhiều thời gian.
 
    - Một số trường hợp việc lựa chọn đơn vị thẩm định giá còn gặp khó khăn do không có đơn vị đăng ký tham gia thẩm định giá hoặc lựa chọn được nhưng sau đó đơn vị thẩm định giá từ chối thực hiện yêu cầu thẩm định giá vì không thu thập được thông tin phục vụ việc thẩm định giá. Như: (1) Vụ việc sai phạm xảy ra tại Dự án làng Biệt thự sinh Thái Giáng Hương, xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Không có đơn vị đăng ký tham gia thẩm định giá; (2) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: Hội đồng định giá đã ký hợp đồng thuê Công ty Cổ phần thẩm định giá EXIM thẩm định giá, nhưng doanh nghiệp từ chối yêu cầu thẩm định tại thời điểm yêu cầu thẩm định giá ngày 15/8/2012 vì không thu thập được thông tin giao dịch, chuyển nhượng tại khu vực tài sản thẩm định giá.
 
    - Kinh phí phục vụ giám định, định giá ở một số vụ việc liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông lớn nên việc thanh quyết toán gặp khó khăn(10) dẫn đến việc giám định, định giá tài sản bị chậm, kéo dài.
 
    - Công tác quản lý nhà nước về giám định, định giá còn hạn chế; việc xã hội hóa công tác giám định tư pháp (số lượng, chất lượng các Văn phòng giám định tư pháp) chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
 
    3.2. Nguyên nhân chủ quan
 
    - Một số cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị chưa thật sự quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giám định, định giá; chưa kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chưa chủ động phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong công tác giám định, định giá. 
 
    - Một số bộ/ngành, đơn vị quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân công thực hiện các quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá còn bất cập, chưa phù hợp, dẫn đến việc phân công thực hiện giám định, định giá không bảo đảm thời gian theo quy định(11).
 
    - Một số tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, định giá chưa hết trách nhiệm, trong đó có Giám định viên, thành viên Hội đồng, đặc biệt là Chủ tịch Hội đồng chưa làm hết trách nhiệm được giao, để kéo dài thời gian giám định, định giá không có lý do chính đáng; việc phối hợp, cung cấp tài liệu cho cơ quan giám định, định giá có lúc, có vụ còn chậm, không đủ.
 
    - Tâm lý ngại va chạm, ngại tham gia, đặc biệt là sợ trách nhiệm pháp lý và phải tham gia vào quá trình tố tụng, xét xử vụ án kéo dài dẫn đến việc Giám định viên không muốn thực hiện và từ chối giám định, định giá.
 
    - Phần lớn Giám định viên, thành viên Hội đồng giám định, định giá là kiêm nhiệm nên chưa tập trung thời gian cho công tác giám định, định giá. Kiến thức, năng lực, kinh nghiệm của một số người thực hiện giám định, định giá chưa đáp ứng yêu cầu.
 
    - Một số lĩnh vực giám định, địa phương chưa có giám định viên (như lĩnh vực lâm nghiệp); năng lực, trình độ của một bộ phận giám định viên còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều người chưa được bồi dưỡng về công tác giám định, định giá.
 
    - Khối lượng thực hiện giám định, định giá tài sản lớn, nhất là ở một số lĩnh vực như: Tài nguyên - Môi trường, tài chính, thuế, ngân hàng…, nhưng nguồn nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất, tài chính phục vụ công tác giám định, định giá chưa đáp ứng yêu cầu; kinh phí phục vụ giám định, định giá ở một số vụ việc liên quan đến đất đai, xây dựng, giao thông lớn nên việc thanh quyết toán gặp khó khăn; một số vụ việc, vụ án do không đủ tài liệu nên cơ quan giám định, định giá không có cơ sở để kết luận.
 
    4. Một số giải pháp
 
    Một là, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo chung đối với công tác giám định, định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Nhận thức đúng về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giám định, định giá tài sản đối với quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế; xác định rõ việc tích cực tham gia và hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định, định giá là thể hiện trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh PCTNTC. Đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được trưng cầu, yêu cầu trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giám định, định giá tài sản đối với từng vụ việc, vụ án cụ thể; xử lý dứt điểm những khó khăn, vướng mắc kéo dài trong các quyết định trưng cầu, yêu cầu về giám định, định giá tài sản. Đưa việc giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác này thành chuyên đề kiểm tra, giám sát hàng năm của các Ban cán sự đảng các bộ, ngành, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương để đáp ứng công tác điều tra, xác minh, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động giám định tư pháp ở các lĩnh vực, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong công tác giám định, định giá tài sản. 
 
    Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến công tác giám định, định giá tài sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, nhất là quy định cụ thể về: (1) Thời hạn định giá tài sản, trách nhiệm của cơ quan yêu cầu giám định, định giá và cơ quan, tổ chức, người thực hiện giám định, định giá; (2) Việc định giá đối với một số loại tài sản đặc thù, không có giao dịch phổ biến trên thị trường, quyền sở hữu trí tuệ, tác phẩm nghệ thuật, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị văn hóa, tôn giáo, khảo cổ, kiến trúc, lịch sử…; (3) Quy chuẩn, chuyên môn giám định theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định; (4) Chế độ, chính sách đối với người thực hiện giám định, định giá; kinh phí phục vụ thực hiện giám định, định giá; (5) Quy định cụ thể các trường hợp được từ chối giám định, định giá, các trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng từ chối đề nghị của bị can, bị cáo, bị hại và người tham gia tố tụng khác về định giá tài sản; (6) Bổ sung quy định về người bị thiệt hại về tài sản không đề nghị định giá tài sản thì buộc họ phải cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản được định giá để làm căn cứ giải quyết vụ án và (7) Quy định về trách nhiệm, chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân thực hiện giám định, định giá tài sản có vi phạm về thời hạn giám định, định giá tài sản; từ chối giám định, định giá, từ chối cung cấp tài liệu không có lý do chính đáng hoặc kết luận giám định, định giá tài sản không đúng sự thật hoặc không khách quan, có sai lệch do lỗi chủ quan.
 
    “Khi cần xác định giá của tài sản để giải quyết vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra văn bản yêu cầu định giá tài sản… Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra văn bản yêu cầu định giá tài sản, cơ quan yêu cầu định giá phải giao hoặc gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản, hồ sơ, đối tượng yêu cầu định giá tài sản cho Hội đồng định giá tài sản được yêu cầu; gửi văn bản yêu cầu định giá tài sản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Việc yêu cầu định giá tài sản để giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Khoản 1, 3, 4, Điều 215 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
    Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với hoạt động giám định vụ việc, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xử lý nghiêm đối với các hành vi tiêu cực, né tránh, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản, từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, cố tình ban hành kết luận không đúng. 
 
    Bốn là, củng cố, kiện toàn cơ quan, tổ chức, đơn vị có chức năng giám định, định giá trong tố tụng hình sự và đội ngũ giám định viên, người thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc, bảo đảm về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giám định vụ việc và định giá tài sản trong tố tụng hình sự. Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện và điều kiện vật chất cần thiết khác để phục vụ công tác giám định, định giá. Người thực hiện giám định, định giá tài sản nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đúng quy định về thời hạn giám định, định giá, bảo đảm tính trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, công khai, kịp thời trong thực hiện giám định, định giá.
 
    Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan trưng cầu, yêu cầu với cơ quan tiến hành giám định, định giá, giữa cơ quan chủ trì với cơ quan phối hợp và các cơ quan liên quan trong công tác giám định, định giá. Cơ quan trưng cầu, yêu cầu chủ động trao đổi, phối hợp để xác định đúng nội dung, phạm vi, thời gian trưng cầu, yêu cầu và cơ quan được trưng cầu, yêu cầu; chủ động cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu và phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giám định, định giá. Cơ quan được trưng cầu, yêu cầu lựa chọn cử người thực hiện giám định, định giá đúng thành phần, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng và tạo điều kiện về thời gian, công việc để hoàn thành nhiệm vụ. Xây dựng quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong thời gian tới.
 
    (1) Phát biểu kết luận tại Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 21/5/2019.
    (2) Trích phát biểu kết luận tại Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/3/2021.
    (3) Trích phát biểu kết luận tại Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 10/11/2018.
    (4) Trích phát biểu kết luận tại Cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo ngày 18/11/2021.
    (5) Như Quy chuẩn chuyên môn giám định theo yêu cầu và đặc thù từng lĩnh vực chưa đầy đủ; quy định pháp luật về việc định giá đối với tài sản là hàng giả, hàng cấm chưa cụ thể; chưa phù hợp giữa quy định của Luật Giá với Nghị định về việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự trong việc quy định về thẩm quyền định giá; chưa quy định cụ thể về thời hạn định giá tài sản…).
    (6) Như: Việc định giá trong tố tụng hình sự đối với tài sản là bất động sản, trước đây do UBND tỉnh đã quyết định giá đất cụ thể, nay cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh định giá trong cùng thời điểm có thể không khách quan do Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp tỉnh cũng do UBND tỉnh thành lập; việc định giá trị doanh nghiệp trước thời điểm ngày 01/01/2018; định giá tài sản là cổ phiếu, cổ phần, bất động sản chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản hình thành trong tương lai hiện chưa có hướng dẫn cụ thể; Việc định giá tài sản trong một số trường hợp mặc dù đã có quy định của luật nhưng khó khăn trong công tác thực hiện như tài sản là hàng cấm, hàng giả, hàng không có nguồn gốc hợp pháp, tài sản không mua bán phổ biến trên thị trường;…
    (7) Nhiều vụ việc phải căn cứ vào kết quả giám định, định giá để ra Quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng trong Luật tố tụng hình sự không quy định các cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản; trong khi đó, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư, Cảnh sát biển cũng là những cơ quan được giao tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng lại được quy định có thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu định giá.
    (8) Báo cáo các Đoàn kiểm tra tại Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Bộ tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
    (9) Như: Luật Giám định tư pháp không quy định cụ thể về phân cấp trong trưng cầu giám định, vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng thường có xu hướng trưng cầu một số bộ/ngành tiến hành giám định, định giá dẫn đến tình trạng quá tải. Hoặc quy định Hội đồng định giá theo vụ việc cấp bộ được thành lập để thực hiện định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và phức tạp liên quan đến nhiều cấp và được dư luận xã hội quan tâm khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, dẫn đến cơ quan được yêu cầu định giá cho rằng chỉ định giá lần đầu đối với tài sản thuộc các vụ án (sau khi khởi tố), không nhận định giá đối với các vụ việc (mới thụ lý nguồn tin về tội phạm).
    (10) Các quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản trong các vụ án, vụ việc vi phạm về đất đai tại tỉnh Khánh Hòa.
    (11) Bộ tài chính phân công Vụ tổ chức - cán bộ là đầu mối tiếp nhận các quyết định trưng cầu giám định và tiến hành phân tích, nghiên cứu, xác định chức năng, chuyên môn của đơn vị thuộc Bộ thực hiện giám định và chuyển cho đơn vị đó quyết định trưng cầu giám định. Đơn vị thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, xác định chức năng nhiệm vụ giám định của mình, nếu không phù hợp thì chuyển lại Vụ tổ chức - cán bộ để lấy ý kiến thống nhất các đơn vị khác và tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành văn bản từ chối giám định. Vụ tổ chức - cán bộ xác nhận chữ ký của giám định viên tại bản Kết luận giám định tư pháp của Bộ tài chính. 

ThS. Bùi Thị Thu Huyền
(Ban Nội chính Trung ương)

 

.