Thực hành văn hóa liêm chính để đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực

Chủ Nhật, 03/12/2023, 02:12 [GMT+7]
    Xây dựng văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác PCTNTC hiện nay. Văn hóa liêm chính là nền tảng xây dựng ý thức và thực hành liêm chính của cán bộ, đảng viên, đồng thời, “xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực. Muốn xóa bỏ triệt để, tận gốc tham nhũng, tiêu cực, việc xây dựng văn hóa liêm chính với tinh thần “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất” chính là giải pháp căn cơ, lâu dài.

1. Liêm chính, về bản chất, là phẩm chất, đức tính tốt đẹp của con người, thể hiện sự trong sạch, ngay thẳng trước mọi cám dỗ, luôn gìn giữ phẩm chất đạo đức cao đẹp. Đó là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sáng; là chính trực, khẳng khái, không quỵ lụy, luồn cúi. Văn hóa liêm chính là những giá trị, chuẩn mực, nét đẹp trong ứng xử của cá nhân, cộng đồng, thể hiện tinh thần chính trực, ngay thẳng, công bằng, có sức lan tỏa trong xã hội. Xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, nhất là với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức góp phần kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị nhân văn cao đẹp. Đồng thời, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của tập thể, xã hội.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Công tác đấu tranh PCTNTC qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”, ngày 18/10/2023 (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo chuyên đề “Công tác đấu tranh PCTNTC qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”, ngày 18/10/2023 (ảnh Đặng Phước)

    Với tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt “kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng; chủ động, tích cực phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài”(1), liêm chính chính là thước đo về phẩm chất, đạo đức, lối sống,tạo sức đề kháng đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực. tham nhũng, tiêu cực là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, có nguồn gốc sâu xa từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khi người giữ chức vụ, quyền hạn không giữ được sự liêm khiết, trong sạch: “tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau;… tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực”(2). Liêm chính không chỉ là đạo đức của cá nhân, của xã hội mà còn là đạo đức, phản ánh trí tuệ, văn hóa, bản chất tốt đẹp của Đảng. Xây dựng và chỉnh đốn đội ngũ cán bộ, đảng viên phải bắt đầu từ xây dựng nền tảng đạo đức. Xây dựng nền tảng đạo đức phải đi từ sự liêm chính, bởi vì, có giữ liêm chính mới tránh được sai phạm khác. Liêm chính là mục tiêu phấn đấu, đồng thời là “hòn đá thử vàng” về sự trong sạch, vững mạnh của Đảng. Có thể khái quát văn hóa liêm chính trong xây dựng và phát triển đất nước trên một số vấn đề cơ bản sau đây:

    Thứ nhất, xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính là sự kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Liêm chính là nét đẹp văn hóa Việt Nam. trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, văn hóa liêm chính đã được đúc kết bằng nhiều câu ca dao, tục ngữ: “Đói cho sạch, rách cho thơm/Chớ có bờm xôm, để đời tiếng xấu”; hay “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”; hoặc “Áo rách cốt cách người thương”; và “thượng bất chính, hạ tắc loạn!”;... trong các tác phẩm văn học, đức tính liêm chính luôn được trân trọng, đề cao thành chuẩn mực: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên trông xuống, người ta trông vào”, “thiện căn ở tại lòng ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, “Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần!” (Nguyễn Du); hay: “Danh dự của riêng thân/Là của chung đồng chí/Phải giữ gìn tỉ mỉ/Như tròng mắt con ngươi” (tố Hữu);… Xuất phát từ điều kiện, môi trường sống và nghề nghiệp đã hình thành nên những đức tính, phẩm chất của con người Việt Nam luôn tự điều chỉnh mình theo những quy ước, chuẩn mực cộng đồng. Từ đó, mỗi cá nhân luôn luôn đề cao việc giáo dục lẫn nhau bằng tấm gương của người đi trước, đề cao giá trị đạo đức liêm khiết, những nhân cách cao đẹp, trong sạch, ngay thẳng.
 
    Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao đức liêm chính, nhất là đối với cán bộ, đảng viên. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Liêm là trong sạch, không tham lam”(3), “là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy, mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(4). Liêm là một phẩm chất không thể thiếu của mỗi người, bất kỳ ở cương vị nào, từ người cán bộ, người có tiền, có quyền đến người buôn bán, người cày ruộng… Đồng thời, Người chỉ rõ: “Chính nghĩa là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(5), đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở; đối với người thì không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc; đối với việc thì để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà. Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm chính là giá trị đạo đức cơ bản, là nguyên tắc, thước đo, chuẩn mực đối với người cán bộ, đảng viên trong công việc cũng như trong cuộc sống thường ngày, bởi: “trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/thiếu một mùa, thì không thành trời/thiếu một phương, thì không thành đất/thiếu một đức, thì không thành người”(6). từ đó, Người nhấn mạnh: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm, là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”(7).
 
    Thứ ba, Đảng ta luôn khẳng định việc xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kế thừa và phát triển luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, yêu cầu liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm và đặt ra trực tiếp trong bối cảnh cuộc đấu tranh PCTNTC đang được quyết liệt đẩy mạnh. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải “rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, lãng phí”(8), “tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính”(9). Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói về liêm chính và xây dựng văn hóa liêm chính: “thanh sạch, liêm khiết ấy chính là Liêm vậy. Người liêm khiết thì bất luận gặp hoàn cảnh nào cũng không động lòng tham, cũng chẳng muốn ham hố vật chất. Hơn nữa, chính là tinh thần chí công vô tư, “dĩ công vi thượng” và biết quên mình mà làm chuyện ích lợi chung…
 
    Một công bộc quốc gia liêm chính phải: Có đức, có tài, biết kính trọng nghề nghiệp, vui vẻ với mọi người, công chính vô tư; biết lễ, phép, biết hay, dở, phải, trái… Liêm cũng lại là thấy của người, của quốc gia mà lòng không ham chiếm đoạt một cách phi pháp… Nếu không Liêm thì của gì cũng cả gan lấy; không Sỉ thì việc gì cũng bất chấp làm”(10). Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết “trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”(11).
 
    2. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm phát huy tinh thần gương mẫu, tiên phong của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, xây dựng lòng tin trong nhân dân: “từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 Hội nghị toàn quốc về công tác nội chính, PCTNTC; ban hành hơn 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và PCTNTC (tăng 2 lần so nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ, thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định; các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực”(12). Trên cơ sở đó, “Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội;… Đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục về PCTNTC,  xây dựng văn hóa liêm chính”(13). Cùng với đó, nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng và ban hành nhiều quy chế, đề án; tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở, văn hóa công vụ; văn hóa giao tiếp, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó, thực hành và lan tỏa những nét đẹp văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả.
 
    Văn hóa liêm chính đã từng bước thấm sâu vào từng cán bộ, đảng viên, trở thành liều “kháng sinh” đẩy lùi “căn bệnh” tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa được coi trọng và chưa thực sự trở thành thói quen, nhu cầu nội tại, nhất là trong PCTNTC. Thậm chí, nhiều cán bộ, đảng viên vì chạy theo danh vị, tiền tài, vật chất, nể nang, né tránh, tham vọng cá nhân,... đã bất chấp danh dự, sẵn sàng chà đạp lên giá trị liêm chính. Đặc biệt, nhiều cán bộ, đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm pháp luật: “từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII).
 
    Ngành thanh tra, Kiểm toán đã kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 340.000 tỷ đồng (tăng hơn 2 lần so nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII), hơn 1.700 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với hơn 6.600 tập thể và gần 18.000 cá nhân. Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so cả nhiệm kỳ Đại hội XII)”(14). Những vụ việc, hiện tượng đó đã làm tổn hại đến niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đi ngược lại truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, là một nguy cơ lớn đe dọa đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. 
 
    PCTNTC, đẩy lùi “giặc nội xâm” là “cuộc chiến” lâu dài, với “quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”(15). Điều đó đã trở thành phong trào, cuộc vận động lớn, với mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, phát triển đất nước. Để xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính góp phần PCTNTC ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây: 
 
    Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về văn hóa liêm chính trong Đảng và trong xã hội Chú trọng thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về “tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày  15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện các Nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tăng cường công tác giáo dục, giúp cho đảng viên và quần chúng hiểu biết sâu, rõ, toàn diện về nguồn gốc, bản chất, sự phát sinh, phát triển, biểu hiện và những tác hại của tham nhũng, tiêu cực. Giáo dục cho mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao lòng tự trọng, trong sạch, ngay thẳng trước mọi cám dỗ, luôn gìn giữ phẩm chất đạo đức cao đẹp, thường xuyên tu dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, phòng ngừa những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy dân chủ, xây dựng khối đoàn kết trong từng chi bộ, làm hạt nhân cho khối đoàn kết của tập thể. Tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống các phương tiện truyền thông, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu sắc trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về văn hóa liêm chính, từ đó, góp phần để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực.

    Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ chủ chốt, lựa chọn người đứng đầu thực sự là “công bộc” của dân, có ý thức tận tụy phục vụ nhân dân, làm việc đúng nguyên tắc, kỷ cương, kỷ luật, có lý, có tình; luôn đặt lợi ích tập thể và lợi ích của tổ quốc, của Đảng lên trên hết. Kiên quyết, nghiêm khắc trong chỉnh đốn, xây dựng nền đạo đức chính trị liêm chính, công minh. Đưa các buổi sinh hoạt chuyên đề, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả; tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, đảng viên rèn luyện và nâng cao trình độ mọi mặt từ chính thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. Tạo môi trường lành mạnh, thu hút cán bộ, đảng viên và quần chúng phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn, triệt tiêu các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. 

    Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện: …Sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ khi được phân công. Tâm huyết, tận tụy với công việc. Tích cực giải quyết dứt  điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất, bất ngờ trong địa phương, lĩnh vực mình phụ trách… Giữ vững nguyên tắc, dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc…
Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương.

    Hai là, đề cao trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu gắn với thường xuyên đẩy mạnh tự phê bình và phê bình “thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cán bộ có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Nêu gương phải thực sự trở thành một nội dung quan trọng trong phương thức lãnh đạo của Đảng”(16). Xây dựng và thực hiện tốt các quy định để phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối làm việc và văn hóa liêm chính của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn chuẩn mực từ lời nói đến việc làm, cử chỉ, thái độ, hành vi ứng xử góp phần xây dựng hình ảnh, uy tín. tăng cường tuyên truyền những tấm gương “người tốt, việc tốt”, những “công bộc” hết lòng đối với dân, vì nhân dân phục vụ.

    Cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chú trọng giữ vững các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, phát huy dân chủ trong Đảng, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình. Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nhất là những mặt còn yếu kém, không nể nang, né tránh; đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa thiết thực, khả thi; kết hợp “xây và chống”, nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ, những khâu yếu, mặt yếu, với phương châm “phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế”(17).

    Quá trình tiến hành tự phê bình và phê bình phải bảo đảm thật sự dân chủ, nghiêm túc, thẳng thắn với tinh thần xây dựng, đúng yêu cầu, nội dung, phương pháp. Cấp trên phải làm gương tự phê bình trước, cấp dưới làm sau; tập thể làm trước, cá nhân làm sau; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện bất liêm, bất chính. Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp; quy định lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp, các ngành. 
 
    Ba là, phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hành văn hóa liêm chính Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết”(18). Mỗi cán bộ, đảng viên nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ với tinh thần cầu tiến bộ, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm; tự giác tu dưỡng, rèn luyện văn hóa liêm chính, “thật sự tâm huyết vì nước, vì dân... Xây dựng kế hoạch, tiến hành có hiệu quả công tác giáo dục, nâng cao năng lực và tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, thông qua thực tiễn để đánh giá năng lực công tác và trách nhiệm của cán bộ. tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn; không ngừng nâng cao trình độ năng lực chuyên môn, tạo uy tín cao trong tập thể.
 
    Cổ vũ, biểu dương các gương sáng đạo đức, tạo ảnh hưởng sâu rộng trong Đảng và ngoài xã hội. “Xây dựng và thực hiện phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, trọng dân, gần dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, chịu khó học hỏi, nói đi đôi với làm”(19). Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường rèn luyện phương pháp, phong cách làm việc quần chúng, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến góp ý của tập thể, cấp dưới và của nhân dân. Tích cực hoạt động thực tiễn, chủ động nghiên cứu thực tế, rèn luyện khả năng đánh giá, định hướng trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động thực tiễn. Lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
 
    Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương Các cấp ủy, tổ chức đảng chủ động xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống gắn với xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính.
 
    Thực hiện nghiêm nguyên tắc cấp ủy cấp trên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới, kiểm tra chéo, kiểm tra định kỳ và không định kỳ. Quá trình kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm mọi cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống theo Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng”, góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. “Coi trọng công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, kết hợp với phát huy vai trò giám sát của báo chí và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên”(20).

    Chú trọng bổ sung, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thực thi Luật thi đua, Khen thưởng. Đề cao sự thanh liêm, trong sáng, khách quan của các cơ quan chức năng trong xem xét, đánh giá, quyết định khen thưởng đúng những thành tích của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, tăng tính nghiêm minh và kiên quyết trong công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của Đảng, của Nhà nước; trong đó, hết sức chú ý vai trò các bộ phận chuyên trách làm công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của tổ chức đảng và chính quyền các cấp. “Thực hiện có hiệu quả việc giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu và cán bộ chủ chốt”(21). Đẩy mạnh công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình: “tăng cường công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát quyền lực; xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm để “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực”(22). Ứng dụng hiệu quả thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công vụ. Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, tôn vinh, vun đắp văn hóa liêm chính trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa chính trị và văn hóa xã hội.

    (1) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQGST, H.2023, tr.21.
    (2) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr.16.
    (3) Hồ Chí MinhToàn tập,Nxb.CTQGSTt,H.2011,t.6,tr.126.
    (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.
    (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr.129.
    (6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr.117.
    (7) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr.128.
    (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.194.
    (9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Tài liệu đã dẫn, t.1, tr.284.
    (10) Nguyễn Phú trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb. CTQGST, H.2022, tr.328.
    (11) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQGST, H.2023, tr.34.
    (12) Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương: Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202308/phien-hop-thu-24-cua-ban-chidao-trung-uong-ve-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-312876/, ngày 16/8/2023.
    (13) Nguyễn Phú Trọng: Tài liệu đã dẫn, tr.34.
    (14) Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương: Đã dẫn.
    (15) Nguyễn Phú Trọng: Tài liệu đã dẫn, tr.26.
    (17) Nguyễn Phú Trọng: Sđd, tr.39.
    (18) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.187.
    (19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.199.
    (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.238.
(21) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.1, tr.238.
    (22) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. CTQGST, H.2023, tr.31.

ThS. Nguyễn Quang Bình
(Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)

.