Bài 1: Vì sao phải ban hành quy định này?

Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án

Thứ Ba, 02/01/2024, 02:50 [GMT+7]
    Ngày 27/10/2023, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai ký ban hành Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đây là lần đầu tiên Đảng ban hành một quy định chuyên biệt để kiểm soát quyền lực (KSQL) trong hoạt động tố tụng và thi hành án. Quy định này đã thể chế hóa rất kịp thời chủ trương, quan điểm của Đảng về việc KSQL trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án - những lĩnh vực mà thời gian qua tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra, dù đây được coi là “pháo đài” vững chắc để PCTNTC. Việc ban hành Quy định này một lần nữa khẳng định quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”. Nhân dân trao cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền lực của mình nhưng đồng thời quyền lực này phải được kiểm soát để bảo đảm quyền lực luôn thuộc về Nhân dân, được sử dụng đúng mục đích, không bị lợi dụng, lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực.

    1. Quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa”, phải kiểm soát quyền lực để không lạm dụng, lợi dụng quyền lực để trục lợi

     Trong khoa học pháp lý, quyền lực là một phạm trù có tính phổ biến, là sự ảnh hưởng/tác động của một người hoặc một nhóm người đến hành vi và suy nghĩ của cá nhân hoặc nhóm người khác. tuy nhiên, quyền lực luôn có xu hướng bị “tha hóa” nếu không được kiểm soát; “tha hóa quyền lực” làm biến tướng bản chất, mục đích của quyền lực, khi đó quyền lực không được thực hiện vì mục đích, lợi ích chung mà bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Do đó, trao quyền lực, thực thi quyền lực cũng đồng thời với việc phải kiểm soát quyền lực.

    Kiểm soát quyền lực được hiểu là toàn bộ hoạt động nhằm phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi sai trái trong hoạt động thực thi quyền lực, bảo đảm cho quyền lực được thực thi đúng mục đích và hiệu quả, không bị lạm dụng, lợi dụng để trục lợi. Như vậy, kiểm soát quyền lực trở thành yêu cầu tự thân, tất yếu khách quan của việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững của mỗi quốc gia. kiểm soát quyền lực để PCTNTC là việc tất yếu để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh Tọa đàm khoa học
Quang cảnh Tọa đàm khoa học "Người đứng đầu với công tác phòng, chống tham nhũng"

    Ở Việt Nam, thực chất tham nhũng, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là biểu hiện của sự tha hóa quyền lực. Nếu không có tha hóa quyền lực thì không có tham nhũng, tiêu cực. Đồng chí tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, thực tiễn tha hóa quyền lực ở Việt Nam thời gian qua diễn ra theo hai hướng:

    Một là, tình trạng lạm quyền và lộng quyền. Đó là những hành vi lợi dụng quyền lực được giao, làm và quyết định những việc vượt quá thẩm quyền. Biểu hiện cụ thể như việc vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều làm ít, hứa hão mà không làm, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; cố tình lợi dụng những sơ hở của pháp luật để cố ý làm trái, trục lợi gây hậu quả nghiêm trọng. Rõ nhất là sự vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong quản lý, điều hành.

    Hai là, tình trạng không “đúng vai, thuộc bài” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. tình trạng này do nguyên nhân nhận thức, không chịu nghiên cứu, học hỏi, bảo thủ, trì trệ, ý thức kỷ luật hành chính kém hoặc nhận thức được vai trò, chức trách nhưng bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng nên sa vào “mũ ni che tai”, đồng lõa với sai phạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. Vì vậy, để PCTNTC phải kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, “phải thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn, “phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”(1).

    2. Phải kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì đây là những hoạt động thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước

Các cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng, thi hành án được trao nhiều quyền lực, quá trình thực thi quyền lực có tính độc lập cao nên nếu không kiểm soát chặt chẽ việc thực thi quyền lực thì nguy cơ lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này là rất lớn. Điều này có nghĩa là, các cơ quan và người có thẩm quyền trong hoạt động này luôn có nguy cơ vì vụ lợi hoặc động cơ khác, làm trái hoặc làm vượt quá nhiệm vụ, quyền hạn được giao, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do vậy, nếu không tăng cường KSQL đối với hoạt động này bằng một cơ chế phù hợp thì nguy cơ lộng quyền, lạm quyền(2), tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động này là rất lớn.

    Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp đến nền tư pháp trong sạch của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào công lý, với Đảng, Nhà nước và chế độ, thậm chí có thể “đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Do vậy, việc ban hành quy định để KSQL trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án là việc rất thiết thực và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. 

    3. Xuất phát từ thực trạng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án 

    Thực tiễn thực thi quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án thời gian qua cho thấy, tình trạng lộng quyền, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn xảy ra, biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Điển hình là việc can thiệp, cản trở, tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án. Ủy ban kiểm tra trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật, đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án(3). Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra 162/186 bị can về tội tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp, trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm(4).

    Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã xử lý kỷ luật hơn 590 cán bộ trong các cơ quan chức năng PCTNTC, trong đó có hơn 200 trường hợp bị xử lý hình sự. trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý trên 120 trường hợp cán bộ, đảng viên trong các cơ quan này có sai phạm do tham nhũng, tiêu cực, trong đó xử lý hình sự hơn 60 trường hợp, thực hiện nghiêm chủ trương xử lý không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ. 

    Điển hình của hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là vụ án “Chuyến bay giải cứu” làm dậy sóng dư luận trong thời gian qua, tòa án đã tuyên bị cáo Hoàng Văn Hưng, Điều tra viên cao cấp, cựu trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an, là cán bộ điều tra thụ lý vụ án “chuyến bay giải cứu” đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng. Theo bản án, bị cáo Hưng phạm tội rất nghiêm trọng khi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, phạm tội 2 lần trở lên, bị tuyên phạt tù chung thân. Ngoài bị cáo Hưng, trong vụ án này, còn có bị cáo Nguyễn Anh tuấn, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội bị tuyên phạt 5 năm tù tội “Môi giới hối lộ”. Hay mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố kết luận điều tra vụ án xảy ra tại tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và một số đơn vị khác. Nhiều người choáng váng vì số tiền chiếm đoạt lớn tới mức tương đương tổng tài sản của 5 người giàu nhất Việt Nam cộng lại, khoảng 13,2 tỷ USD, xô đổ mọi kỷ lục về tham ô, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Việt Nam từ trước đến nay.

    Đáng chú ý là 41 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 nguyên cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 nguyên cán bộ thanh tra Chính phủ; một nguyên cán bộ kiểm toán Nhà nước. Trong đó, phải kể đến Đỗ Thị Nhàn, nguyên Cục trưởng Cục thanh tra, Giám sát ngân hàng II-Ngân hàng Nhà nước, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD (khoảng 118 tỷ đồng) để bao che, bưng bít cho những sai phạm của “Tập đoàn tội phạm” Vạn Thịnh Phát và bà Trương Mỹ Lan trong quá trình thanh tra, kiểm tra Ngân hàng SCB(5).

    Thời gian qua, cơ quan thực hiện chức năng PCTN(6) đã “có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; kiến nghị, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước. Nhất là tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm”(7). Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực tại những cơ quan này, vốn được coi là cần phải trong sạch và liêm chính nhất. Thực tế cho thấy, các hành vi như: Dọa dẫm, nhận hối lộ để bỏ qua vi phạm; bao che, cố tình đưa ra những kết luận sai lệch, nhận quà để làm giảm mức độ sai phạm; cố tình làm trái các quy định pháp luật, bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ vụ án,… đã được phát hiện và xử lý. Do đó, PCtNtC trong các cơ quan thực hiện chức năng PCTNTC đã, đang và sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước ta.

    4. Đảng ta xác định: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và kiểm soát quyền lực là nhiệm vụ then chốt trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 

    Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã đề ra định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân: “Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền làm chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội;…”.(8) Văn kiện các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng trong thời kỳ đổi mới(9) và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về đấu tranh PCTNTC, về tổ chức và hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; về cải cách tư pháp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp tăng cường KSQL để PCTNTC nói chung, trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nói riêng(10). Nhất là, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã yêu cầu: “Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước… về kiểm tra, giám sát và PCTN, lãng phí, nhất là các quy định về KSQL,…”(11); Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xác định nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế KSQL trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, như: … điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”; kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC yêu cầu: “khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế KSQL trong các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực”;... Ngày 01/12/2021, Bộ Chính trị đã ban hành kế hoạch số 03-KH/TW thực hiện kết luận số 21-KL/TW đề ra nhiệm vụ: “Quy định về KSQL, PCTNTC trong hoạt động tố tụng, thi hành án”. Tiếp đó, kế hoạch số 13-KH/BCĐTW, ngày 10/01/2022 của Ban Chỉ đạo giao: “Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về KSQL, PCTNTC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. 

    Tại các hội nghị toàn quốc về công tác PCTNTC và các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, thường trực Ban Chỉ đạo, đồng chí tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đã kết luận chỉ đạo về vấn đề này. Đặc biệt, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCtNtC giai đoạn 2012-2022 (tháng 6/2022), đồng chí tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh “khẩn trương hoàn thiện các quy định về KSQL, trách nhiệm giải trình, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”; “Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; quyền lực đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn, lợi dụng quyền lực để trục lợi đều phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm”. 

    Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó yêu cầu hoàn thiện cơ chế kSQL nhà nước, đẩy mạnh PCTNTC: “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân trực tiếp KSQL nhà nước; Nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về KSQL, PCTNTC; ban hành các quy định về KSQL để PCTNTC trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong công tác xây dựng pháp luật và quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”.

    5. Chúng ta đã có nhiều quy định về kiểm soát quyền lực trong các văn bản của đảng và nhà nước, nhưng chưa từng có một Quy định nào của đảng quy định chuyên biệt về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Do vậy, việc ban hành Quy định này thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn về việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án

    Việc ban hành Quy định 132-QĐ/TW là một bước tiến mới về KSQL Nhà nước, PCTNTC, thể hiện tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan này trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN. Quy định đã siết chặt thể chế để “không thể tham nhũng”, “không dám tham nhũng”, xây dựng hệ thống các cơ quan và đội ngũ cán bộ các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thật sự trong sạch, vững mạnh, liêm chính, trở thành “thanh bảo kiếm”, những “lá chắn” sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Quy định không chỉ giúp các tổ chức và cá nhân trong công tác tại các cơ quan tố tụng, thi hành án tự soi, tự sửa và tránh mắc khuyết điểm, vi phạm, thực hiện tốt hơn các quy định của Đảng về nêu gương, về những điều đảng viên không được làm mà còn nhằm cảnh báo, cảnh tỉnh cho những người có chức vụ, quyền hạn trong hoạt động tố tụng, thi hành án và tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong Đảng để xử lý nghiêm đối với những hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tố tụng, thi hành án. Quy định còn tạo cơ sở, điều kiện để cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, ban, ngành chức năng và cán bộ, đảng viên, người dân tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

        (1) Phát biểu kết luận của Đồng chí tổng Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020.
    (2) theo từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học: “Lợi dụng là dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để làm việc gì; để mưu lợi riêng không chính đáng”; “Lạm quyền là những việc vượt quá quyền hạn của mình”. Theo từ điển Luật học của Nxb. tư pháp “Lạm quyền là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân, đã cố ý vượt quá giới hạn quyền lực cho phép, vượt quá quyền hạn mà pháp luật giao cho khi thi hành công vụ, gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”. “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi thành công vụ là hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao của người có chức vụ, quyền hạn. Hành vi làm trái với nhiệm vụ được giao có thể là làm không đúng, không đầy đủ, không kịp thời, trái với quy định của Nhà nước hoặc điều lệ công tác”. theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ: Là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân mà vượt quá quyền hạn của mình, làm trái công vụ, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: Là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
  (3) Điển hình như: Ủy ban kiểm tra trung ương quyết định kỷ luật Cảnh cáo Chánh án tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự thành phố Cần thơ;… Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với 01 thiếu tướng, nguyên Giám đốc Công an tP. Hải Phòng do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực; khai trừ ra khỏi Đảng đối với 01 trung tướng, nguyên tổng cục trưởng tổng cục Cảnh sát, 01 thiếu tướng nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (C50),… trong Vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại Phú thọ và một số tỉnh, thành phố;…
    (4) Báo cáo của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kèm theo Công văn số 212-CV/BCSĐ, ngày 04/7/2022.
    (5) Quá trình thanh tra phát hiện nhiều chỉ tiêu phản ánh thực trạng SCB rất xấu: Hệ số an toàn, nợ xấu, tỷ lệ cho vay bất  động sản đều cao hơn rất nhiều so với kế hoạch tái cơ cấu. Đặc biệt, trong quá trình thanh tra phát hiện hàng loạt khách hàng cùng địa chỉ có tổng dư nợ tại SCB hơn 122.800 tỷ đồng. tuy nhiên, quá trình thanh tra, Đoàn thanh tra đã bị “mua chuộc” nên đã báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước nên cơ quan này không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm.  
    (6) Luật PCTN năm 2018 đã cụ thể hóa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong PCTN; trong đó, cơ quan thanh tra, kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, tòa án nhân dân là những cơ quan được giao thực hiện chức năng phát hiện, xử lý tham nhũng.
    (7) Phát biểu của đồng chí tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020.
    (8) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CtQG, H.2011, tr.86.
    (9) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII.
    (10) Như: Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quy định số 205-QĐ/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; kết luận số 12-KL/TW, ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTNTC; Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các kết luận của Bộ Chính trị liên quan đến tổ chức thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW (kết luận số 79-KL/TW, ngày 28/7/2010; kết luận số 92-KL/TW, ngày 12/3/2014; kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020); Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…
    (11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGSt, H.2021, t.1, tr.194-195.

ThS. Bùi Thị Thu Huyền; Võ Kim Long
(Ban Nội chính Trung ương)

.