Nhận diện và phản bác một số luận điệu sai trái, thù địch về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay

Thứ Sáu, 12/04/2024, 16:36 [GMT+7]
        Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta đã đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị thường xuyên sử dụng nhiều chiêu bài thâm độc hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta... Vì vậy, cần nhận diện các thủ đoạn, chiêu bài của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị để phản bác, đấu tranh hiệu quả.
 
Quang cảnh Kỳ họp thứ 39 Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Quang cảnh Kỳ họp thứ 39 Ủy ban Kiểm tra Trung ương

        Đảng ta luôn xác định tham nhũng, tiêu cực là nguy cơ, thách thức đe dọa trực tiếp đến uy tín, vị thế, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đến vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tham nhũng, tiêu cực “từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”(1). Tuy nhiên, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên các lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, tham nhũng, tiêu cực thật sự “đã đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”(2), “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”(3) và “là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và của chế độ”(4). Quy chụp, đánh đồng hiện tượng thành bản chất, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã đưa ra những luận điệu sai trái; thậm chí trơ trẽn đánh tráo khái niệm, tốt vẫn nói xấu, có khuyết điểm thì bới móc, thổi phồng, làm lệch lạc bản chất vấn đề hòng xuyên tạc công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.

        Chế độ “tập quyền”, “một đảng” không phải là nguyên nhân của tham nhũng, tiêu cực
 
        Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra rả “thuyết âm mưu”, coi đây là “át chủ bài” trong hoạt động chống phá: Tham nhũng bắt nguồn từ chế độ “tập quyền”, “một đảng” (!?). Chúng quy chụp đây là “quốc nạn, không có thuốc chữa”; “Đảng Cộng sản Việt Nam không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công vì Đảng cũng suy thoái, tham nhũng”. Đây là luận điệu bịa đặt, mang tính tuyệt đối hóa, cực đoan, hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn. Bởi vì:
 
        Tiếp cận từ góc độ đạo đức, lòng tham chính là “hạt giống”, tồn tại với tư cách là một thuộc tính cố hữu của con người, trong điều kiện thích hợp có thể “sinh sôi nảy nở”, phát triển thành các biểu hiện cụ thể của hành vi tham nhũng. Bởi lẽ, chính mâu thuẫn giữa “cái hiện có” với “cái muốn có” trong bản thân sự vật, hiện tượng chính là nguồn gốc để sự vật, hiện tượng vận động, phát triển. Hay nói cách khác, chính những mong muốn tạo ra của cải vật chất, tinh thần, nhằm thỏa mãn nhu cầu mỗi lúc một nhiều của con người chính là động lực để xã hội vận động, phát triển. Chính Mác Vê-bơ, nhà kinh tế chính trị và xã hội học nổi tiếng người Đức, trong tác phẩm Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản, đã chỉ rõ, ham muốn chiếm hữu, ham muốn chạy theo danh lợi, tiền bạc, càng nhiều càng tốt... đã từng tồn tại và đang tồn tại ở hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội(5). Như vậy, nếu đồng ý rằng tham nhũng bắt nguồn từ chính lòng tham của con người, thì đó là nguyên nhân sâu xa, cố hữu, thuộc về “tính người”, rất khó có thể, thậm chí là không thể bị loại bỏ.
 
        Bàn về tật xấu của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng khái niệm tham ô để nói về các hành vi, như “lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư”(6); “gian lận tham lam... không tôn trọng của công... không thương tiếc tiền gạo do mồ hôi nước mắt của đồng bào làm ra, do xương máu của chiến sĩ làm ra”(7)... Về nguyên nhân của các hành vi này, Người cho rằng, “vì thiếu đạo đức cách mạng, thiếu tinh thần trách nhiệm”(8), “họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần, họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại”(9). Đặc biệt, Người nhấn mạnh, nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực chính là chủ nghĩa cá nhân, bởi vì “cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”(10). Theo Người đây là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, “trong xã hội đế quốc, tư bản, phong kiến, người không ăn cắp, tham ô rất ít. Không nhiều thì ít đều có cả”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham nhũng là “giặc ở trong lòng”, nếu tự thân không tu dưỡng đạo đức cá nhân thật tốt thì bất kỳ ai cũng có thể phạm vào tham nhũng, tiêu cực.
 
        Tiếp cận dưới góc độ quyền lực, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tham nhũng gắn liền với sự tha hóa quyền lực của nhà nước. Lúc này, nhà nước trở thành công cụ để bóc lột nhân dân lao động, là phương tiện bảo vệ đặc quyền, đặc lợi của giai cấp thống trị; nhân dân mất dần khả năng kiểm soát quyền lực, trở thành nạn nhân của sự quan liêu, lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán. Có thể thấy, tham nhũng được xem là “bóng tối vươn theo quyền lực”, gây suy giảm quyền lực nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến uy thế, thanh danh của Đảng và nhà nước, biến bộ máy chính quyền và các tổ chức đảng trở thành bộ máy quan liêu, xa rời lợi ích của đảng, nhân dân. V.I. Lê-nin cho rằng, “tệ quan liêu, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, trở thành những kẻ chuyên quyền, độc đoán, thậm chí nó có thể phá hủy một chính đảng, làm tiêu vong một chế độ”(12). Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tham ô lãng phí một phần lớn là do bệnh quan liêu mà ra”(13); “Có những người... đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu”(14). Tham ô là sâu mọt từng ngày, từng giờ đục khoét, phá hoại sự nghiệp cách mạng của Đảng; làm lung lay, vơi dần niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người khẳng định: Tham ô, tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm vì “nó không mang gươm mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta”(15), nó làm “chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính”(16).
 
        Kế thừa và phát triển quan điểm của V.I. Lê-nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuốn sách Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”(17). Cũng theo Tổng Bí thư, “Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”(18). Như vậy, dù tiếp cận dưới góc độ khác nhau, song có thể thấy, chính sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc không có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chính là nguyên nhân căn cơ để tình trạng tham nhũng, tiêu cực phát sinh, phát triển. Trong đó, “Tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực”(19).
 
        Ở bất kỳ quốc gia nào, người đứng đầu và các chức vụ quan trọng của chính quyền nhà nước đều là người của đảng cầm quyền và đường lối, chủ trương của đảng cầm quyền tất nhiên sẽ chi phối đường lối, chính sách của quốc gia. Như vậy, chế độ một đảng hay đa đảng không tác động đến nguồn gốc làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, nghĩa là ở bất kỳ quốc gia nào dù lựa chọn chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền thì vấn nạn tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra. Theo Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2023, do Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố, có đến hơn 80% dân số thế giới sống ở các quốc gia có chỉ số cảm nhận tham nhũng dưới  mức trung bình toàn cầu là 43(20).
 
        Không có chuyện “miễn nhiệm”, “thôi chức” là bức bình phong cho “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái”
 
        Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị cố tình “đánh lận con đen” khi cho rằng “việc Đảng và Nhà nước nhiều lần phát động đấu tranh phòng, chống tham nhũng chỉ là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái” (?!). Nguy hại hơn, trước thềm đại hội, hay bất kỳ quyết định nhân sự quan trọng của Đảng, Nhà nước, chúng lại vẽ vời, “thêu dệt”, tung ra những nhận định không khách quan về công tác cán bộ hòng xuyên tạc, gây tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, như cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là quá trình thanh trừng, đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực chính trị, lợi ích kinh tế giữa các “phe phái”; “Thôi chức”, “miễn nhiệm” theo nguyện vọng cá nhân hay khả năng đảm nhiệm công việc được giao phó chỉ là “bình phong” của Đảng Cộng sản (?!)
 
      Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta”(21), chính sự “đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập tới nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này tới thắng lợi khác”(22).
 
       Đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng. Điều này bắt nguồn từ truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng thời đây là sự vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trên cơ sở điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta. Trong từng thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn nhất quán xây dựng và không ngừng củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, kiên định xem đây là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng. Đảng ta xác định: “Đó là sự thống nhất về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thống nhất ý chí và hành động dựa trên đường lối cách mạng đúng đắn và những nguyên tắc tổ chức của đảng vô sản”(23). Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định đoàn kết, thống nhất là một nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, là sinh mệnh của Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng. Tháng 11-1939, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I, Đảng ta đã khẳng định: “Phải thống nhất ý chí và hành động” và “sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt phục tùng”(24). Năm 1976, Đại hội IV đã khẳng định nguyên tắc mang tính quy luật trong hoạt động của Đảng đó là: “Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”(25). Đến Đại hội VIII (năm 1996), vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng được nhấn mạnh, với những vấn đề: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng”(26). Nhất quán quan điểm này, Đại hội IX (năm 2001), yêu cầu cụ thể: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo”(27). Đặc biệt, đến Đại hội XIII (năm 2021), khi tổng kết công tác xây dựng xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm, trong đó nhấn mạnh “phải đặc biệt coi trọng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, trước hết trong Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt và cấp ủy các cấp”(28).
 
         Ngay từ Đại hội IV, trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng ta đã khẳng định đảng viên cần “tích cực bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, của nhân dân, chống lãng phí, tham ô”(29). Đến Đại hội XIII, trong Nghị quyết, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là: “Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(30). Như vậy, từ Đại hội IV đến nay, trong hệ thống chính trị nước ta, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng. Nói cách khác, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không phải “một sớm, một chiều”, “ngày một, ngày hai” mà đây là công việc vô cùng phức tạp, lâu dài, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân cũng như bản thân cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy, việc bịa đặt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là “trò đánh trống khua chiêng nhằm che mắt thế gian”, thực chất là “đấu đá nội bộ” hay “thanh trừng phe phái” là sự dối trá, trơ trẽn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị hòng phủ nhận nguyên tắc đoàn kết, thống nhất trong Đảng ta.
 
         Ngay từ giai đoạn đầu đổi mới, Đảng ta đã rất chú ý đến vấn đề từ chức, cho thôi, miễn nhiệm của cán bộ. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh” quy định rõ: “Trong thời hạn đảm nhiệm chức vụ, người nào vì công việc, lý do sức khoẻ, hoàn cảnh cá nhân được từ chức, miễn chức; người nào không hoàn thành nhiệm vụ, có sai phạm, uy tín giảm sút thì tùy theo mức độ mà bị miễn chức, hoặc cách chức kịp thời”. Đến Đại hội X, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30-7-2007, “Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị”. Nghị quyết xác định cần khẩn trương “Xây dựng quy chế miễn nhiệm, từ chức để thay thế kịp thời, dễ dàng những cán bộ năng lực và phẩm chất yếu kém, vi phạm kỷ luật, không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín”.
 
        Thực tế, việc “cho thôi”, “miễn nhiệm” là một trong những dấu ấn nổi bật, có tính đột phá trong việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã chỉ rõ hiện nay chưa có cơ chế đánh giá phù hợp và thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đánh giá “Công tác quản lý cán bộ có nơi, có lúc bị buông lỏng; chưa có cơ chế sàng lọc, thay thế kịp thời những người yếu kém, uy tín thấp, không đủ sức khỏe”... Đặc biệt, Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã có những điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định về “miễn nhiệm” và “từ chức”. Quy định này đã góp phần thể chế hóa chủ trương của Đảng về vấn đề miễn nhiệm, từ chức thành các quy định cụ thể; đồng thời, đây chính là cơ sở để ứng xử văn minh trong miễn nhiệm, từ chức, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phù hợp với kỳ vọng của nhân dân. Có thể thấy, việc cho “thôi chức” đối với cán bộ cấp cao là bước tiến rất lớn, góp phần để phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong công tác cán bộ được triển khai sâu rộng, đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; để xu hướng đó trở thành một việc làm bình thường trong quá trình “xây” kết hợp với “chống”, vừa “xây”, vừa “chống” nhuần nhuyễn, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; đồng thời, khi đã có hạn chế, khuyết điểm hay khi thấy năng lực công tác của mình không còn phù hợp với vị trí công tác được đảm nhiệm... cán bộ mạnh dạn “từ chức” và “từ chức” trở thành văn hóa, thể hiện tính liêm sỉ và giá trị công bộc của cán bộ, đảng viên.
 
         Phải khẳng định rằng, những kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian qua đã góp phần làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Điều đó cũng làm cho các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Do đó, những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam thời gian qua thể hiện rõ dã tâm chính trị hòng hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng; chia rẽ mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư đã khẳng định: “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước. Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, không phải là cuộc đấu giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ”, như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu”(31).
 
        Xử lý tham nhũng, tiêu cực không phải là chiêu trò mị dân như các thế lực thù địch xuyên tạc
 
        Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc rằng: vì xã hội thiếu dân chủ nên công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không hiệu quả, thậm chí ngày càng gia tăng và những vụ tham nhũng, tiêu cực được xử lý gần đây chỉ là chiêu trò mị dân của Đảng Cộng sản (?!). Dân chủ là vấn đề lớn của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, tùy thuộc vào tình hình chính trị - xã hội, sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mà tình trạng thực hiện dân chủ xã hội khác nhau. Lợi dụng điều đó, chúng còn suy diễn rằng, “thiếu dân chủ thực chất là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội yếu kém của nước ta”, “kinh tế - xã hội càng kém phát triển thì tham nhũng, tiêu cực càng gia tăng” (?!). Chúng xảo biện rằng, “Tham nhũng ở khắp mọi nơi, trong mọi hoạt động của cuộc sống như căn bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể”, và rêu rao rằng những số liệu chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua chỉ để “mị dân, đánh bóng tính ưu việt của chế độ”, chứ không phản ánh đúng bản chất công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản (?!).
 
       Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần xây dựng một nhà nước Việt Nam kiểu mới, trong đó Người khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”(32). Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”(33). Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định: “Tất cả quyền lực... đều thuộc về nhân dân... Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”(34). Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, dân chủ vẫn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”(35).
 
        Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật hình thành, phát triển, là tôn chỉ, mục đích hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội và nhà nước để đi tới mục tiêu và thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, thì vấn đề xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân lao động trở thành một trong những vấn đề cơ bản, cốt yếu của chế độ.
 
        Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân là các chủ thể thống nhất với nhau về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(36). Thế nên, việc quy chụp nước ta thiếu dân chủ, thậm chí suy diễn do kinh tế kém phát triển dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong xã hội là vô căn cứ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(37). Đó chính là kết quả tất yếu từ hàng loạt chính sách của Đảng và Nhà nước trên cơ sở nền dân chủ “lấy con người làm trung tâm”, “thực sự vì con người”. Không những thế, cần đanh thép khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay không làm cản trở sự phát triển đất nước, mà còn tạo thêm nhiều xung lực mới cho đất nước phát triển. “Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại”(38).
 
       Hiện nay, nhờ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nhiều sai phạm của không ít cán bộ, đảng viên đã được xử lý, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực phức tạp được giải quyết, tháo gỡ những “điểm nghẽn” tồn đọng trong thời gian dài. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó, có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng(39). Không chỉ ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn tài sản lớn của Nhà nước, mà quan trọng hơn, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây thật sự đã trở thành phong trào, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội và đang là một động lực to lớn để Việt Nam thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Theo tapchicongsan.org.vn
--------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 76
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 173
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 196
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 93
(5) Xem: Max Weber: Nền Đạo đức Tin lành và Tinh thần Chủ nghĩa Tư bản, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 51
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 416
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 296 - 297
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 29
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 509
(10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 100, 5
(12) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, t. 8, tr. 424
(13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 433, 361, 357, 357 - 358
(17) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 405
(18), (19) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd  tr. 16
(20) Xem: “Corruption Perceptions Index 2023” (Tạm dịch: Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2023), https://images.transparencycdn.org/images/CPI-2023-Report.pdf, tháng 1-2024
(21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 622
(23) Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng (tại Đại hội IV), Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 31
(24) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 555 – 556
(25) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 47, tr. 585
(26) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 143 - 144
(27) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 144
(28) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, Sđd, t. II, tr. 226
(29) Xem: “Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 24-9-2015, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-iv/dieu-le-dang-cong-san-viet-nam-do-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-iv-thong-qua-1515
(30) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, Sđd, t. II, tr. 334
(31) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 14
(32) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 232
(33), (34)  Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ (Các bản hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 8, 27 - 28
(35) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần XIII, Sđd, t. I, tr. 174
(36) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Sđd, tr. 48
(37) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 25
(38), (39) Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Sđd, tr. 75, 117 - 118
 
.