Đây là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX03-04/21-25

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay

Thứ Hai, 03/06/2024, 16:34 [GMT+7]

    Trải qua gần 40 năm đổi mới đất nước, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị luôn là vấn đề hệ trọng, được quan tâm, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn. Trong đó, phương thức lãnh đạo của Đảng là nội dung đặc biệt quan trọng, qua các kỳ Đại hội của Đảng đã từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện mới, phát triển nền kinh tế thị trường đướng hướng XHCN, hội nhập quốc tế và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đổi mới, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng có ý nghĩa then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

    1. Vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng 

    Từ khi đất nước thống nhất năm 1975 cho đến năm 1986, vấn đề Đảng lãnh đạo, phương thức lãnh đạo của Đảng mới được đề cập ở mức độ nhất định, về cơ bản được thực hiện theo mô hình cũ, trong nhiều trường hợp, Đảng làm thay Nhà nước. 

    Đại hội VI của Đảng (12/1986) mở ra thời kỳ Đổi mới đất nước, trong công tác xây dựng Đảng đã tập trung cụ thể hóa nội dung lãnh đạo của Đảng, đồng thời, rất quan tâm tới phương thức lãnh đạo của Đảng. Tăng cường công tác kiểm tra là một chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng(1). Tại Đại hội VII của Đảng (6/1991), lần đầu tiên thuật ngữ phương thức lãnh đạo của Đảng được đưa vào Văn kiện Đại hội trong cả Báo cáo chính trị, Báo cáo xây dựng Đảng và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (Cương lĩnh 1991). Cương lĩnh khẳng định: Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy. Đảng liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật(2)Trong đó, một số nội dung được cụ thể hóa trong Hiến pháp 1993 về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu đề cao pháp luật trong đời sống xã hội.

    Văn kiện Đại hội VIII (6/1996) chỉ rõ, việc cải tiến phương thức lãnh đạo, đề ra nhiều chủ trương tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ. Đảng lãnh đạo qua tổ chức Đảng chứ không chỉ thông qua các cá nhân đảng viên. Đảng lãnh đạo bằng quyết định của tập thể và bằng cách theo dõi, cho ý kiến chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện(3). Rõ ràng  rằng, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ không chỉ là đòi hỏi của việc xây dựng bộ máy của Đảng, Nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, mà còn hướng tới xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, là cơ sở để Nhà nước ban hành Pháp lệnh Chống tham nhũng năm 1998, Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 1998,…

    Văn kiện Đại hội IX của Đảng khẳng định lại những chủ trương đúng đắn đã nêu trong Văn kiện các Đại hội Đảng trước, Đại hội đề ra nhiều chủ trương mới, như: Kiện toàn tổ chức Đảng gắn với đổi mới tổ chức các cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội. Sắp xếp tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của các ban, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy; phát huy trách nhiệm vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng, đảng viên trong các cơ quan nhà nước(4),… Trên cơ sở chủ trương trên, lần đầu tiên vấn đề PCTN được quy định trong một văn bản luật do Quốc hội ban hành năm 2002, có hiệu lực từ ngày 01/6/2006; cùng với đó là hàng loạt các luật khác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, Luật Cán bộ, Công chức năm 2008.

    Đại hội X (4/2006) của Đảng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải đồng bộ với đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới kinh tế. Cụ thể hóa và thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Xây dựng và hoàn thiện chế độ bầu cử, cơ chế bổ nhiệm và miễn nhiệm cán bộ, mở rộng quyền đề cử và tự ứng cử, giới thiệu nhiều phương án nhân sự để lựa chọn. Có cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng người có đức, có tài; thay thế kịp thời người kém năng lực và kém phẩm chất, có khuyết điểm nghiêm trọng. Đổi mới phong cách và lề lối làm việc thật sự dân chủ, thiết thực, nói đi đôi với làm.

    Đại hội XI của Đảng (01/2011), sau 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, đồng thời, ban hành Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), có một số đánh giá về kết quả tích cực đạt được trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong nhiệm kỳ khóa X và nhấn mạnh: Tập trung bổ sung, điều chỉnh, ban hành mới, xây dựng từng hệ thống quy chế, quy định, quy trình công tác; đổi mới phong cách, lồi lối làm việc của các cơ quan lãnh đạo Đảng từ Trung ương đến địa phương, cơ sở(5).

    Để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, Văn kiện của Đại hội tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chống quan liêu, tham nhũng không chỉ trong bộ máy nhà nước mà trước hết là ở các tổ chức đảng các cấp. Nhà nước ban hành các Luật Khiếu nại, tố cáo; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012; Luật Thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Bộ luật Hình sự năm 2015;… Năm 2013, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Quyết định số 162-QĐ/TW, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo. 

    Đại hội XII của Đảng, sau 30 năm đổi mới đất nước đã chỉ rõ: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung và PCTN nói riêng, tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng còn chậm. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước có những nội dung còn lúng túng. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, chạy tiền vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm chưa cao, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm(6). Từ đó, nhấn mạnh các biện pháp cụ thể tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới. Trong thời gian này, Quốc hội ban hành Luật PCTN năm 2018.

    Đến Đại hội XIII, trong chủ đề của Đại hội, lần đầu tiên nhấn mạnh yêu cầu gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đánh giá về phương thức lãnh đạo, Đảng ta chỉ rõ: Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng thành pháp luật của nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn xảy ra ở một số nơi,… Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, hiệu quả chưa đồng đều; còn nhiều tổ chức Đảng, đảng viên có vi phạm nhưng chưa được phát hiện kịp thời(7);…

    Từ đó, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo: Đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết của Đảng. Tập trung lãnh đạo việc cụ thể hoá, thể chế hóa, tổ chức thực hiện nghị quyết, đây vẫn là khâu yếu; lãnh đạo việc xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết(8). Trong hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng đã ban hành khá nhiều văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, về xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền; đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu; cơ chế kiểm soát quyền lực; bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN thành Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC; triển khai thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC ở 63 tỉnh, thành phố;…

    Từ thực tiễn quá trình Đảng lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị ở Việt Nam, nổi lên một số đặc điểm chính, định hình phương thức lãnh đạo của Đảng như sau: (1) Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự hình thành, phát triển và giữ vững bản chất XHCN của Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. (2) Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo đất nước và xã hội được nhân dân thừa nhận. (3) Đảng lãnh đạo xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền, nhưng trong hoạt động của mình luôn đòi hỏi hoạt động của Đảng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. (4) Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng, đồng thời, chịu trách nhiệm trước nhân dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. (5) Đảng lãnh đạo nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân được thực thi trên thực tế(9).

    Từ những đặc điểm trên cho thấy, yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh, PCTN là hết sức quan trọng. Theo đó, Đảng lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thượng tôn pháp luật, cán bộ công quyền không thể, không dám và không muốn tham nhũng. Đồng thời, phải chỉnh đốn Đảng nghiêm minh, trước hết, chống tham nhũng từ ngay trong nội bộ của Đảng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Bởi vì, mục đích cầm quyền của Đảng là đưa đất nước Việt Nam đi tới phồn vinh, hạnh phúc, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu phát triển của đất nước đòi hỏi Đảng cầm quyền phải vì dân, quản lý trong Đảng phải nghiêm minh, mọi hoạt động của Đảng phải vì dân, kiên quyết chống cục bộ, lợi ích nhóm, quan liêu, tham nhũng, xa dân. Cầm quyền dân chủ, theo đó, thể chế chính trị, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng phải lấy con người làm trung tâm. Cầm quyền khoa học, đòi hỏi phải nắm vững quy luật, những tri thức, tinh hoa của nhân loại, thành tựu khoa học trong lãnh đạo, quản lý, để thực sự là Đảng của trí tuệ, văn minh và Cầm quyền theo pháp luật, quyền lực phải được giám sát, Đảng lãnh đạo Nhà nước, nhân dân xây dựng Hiến pháp, pháp luật, hoạt động của Đảng cũng phải tuân thủ, thượng tôn pháp luật. Khi có chính quyền, phương thức cầm quyền của Đảng là bằng Nhà nước và thông qua Nhà nước, điều này thể hiện, Nhà nước vừa là công cụ để Đảng cầm quyền, vừa là đối tượng để Đảng thực hiện vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, ở đó quyền lực chính trị thống nhất với quyền lực công của Nhà nước. Có nhiều công cụ để Đảng thực hiện vai trò cầm quyền, quan trọng nhất là sử dụng Nhà nước; các phương thức lãnh đạo đã được luật định, nhất là đường lối và tổ chức và cán bộ; nguyên tắc tập trung dân chủ; luật pháp và các công cụ khác;... Cơ chế vận hành trong phương thức cầm quyền là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân làm chủ.

    2. Phương thức lãnh đạo của đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực   

Trong công tác đấu tranh PCTN, phương thức lãnh đạo của Đảng vừa có điểm chung với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng đề ra chủ trương, đường lối để Nhà nước thể chế thành chính sách, pháp luật để cả nước, mỗi người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền thực hiện; Đảng lãnh đạo thông qua việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục; Đảng lãnh đạo thông qua công tác kiểm tra, giám sát và Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức cơ sở đảng, sự nêu gương của đảng viên. Bên cạnh đó, tính đặc thù trong phương thức lãnh đạo của Đảng là đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ của Đảng.

    Đảng viên, tổ chức đảng vừa phải tuân thủ pháp luật, vừa chịu sự quản lý nghiêm minh ngay trong nội bộ của Đảng bằng Điều lệ, các văn bản quy định khác. Trong 50 năm qua, đặc biệt là trong 10 năm trở lại đây, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh PCTNTC đã có nhiều thay đổi, tiếp tục được hoàn thiện đồng bộ, toàn diện. Coi trọng cả ban hành văn bản, quy định lẫn tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục đi đôi với kiểm tra, giám sát. Gắn kết chặt chẽ giữa xây và chống. Đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu, coi công tác cán bộ là then chốt của then chốt(10). Đây là phương thức lãnh đạo bảo đảm quản lý cán bộ, đảng viên nghiêm minh khi được thực hiện tốt.

    - Đề ra quan điểm, chủ trương mới về quy hoạch, luân chuyển, bố trí cán bộ, như: Coi luân chuyển cán bộ là khâu đột phá để phá vỡ tình trạng trì trệ, khép kín trong công tác cán bộ; bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không quá 2 nhiệm kỳ; bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương;... Về tuyển chọn cán bộ với chủ trương đổi mới các hình thức tuyển chọn cán bộ, như: Thi tuyển, bầu cử, bổ nhiệm, đề cử,… Bổ sung vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ từ Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 12/6/1993 của Bộ Chính trị khóa VII về “Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới” mới chỉ nêu các phương châm trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhưng đến Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị khóa XII “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” đã đề ra 6 nguyên tắc chỉ đạo công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đổi mới phương thức lãnh đạo về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng từ nhận thức lý luận của Đảng về kiểm tra, giám sát; quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc, phương châm công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng đã liên tục được phát triển, hoàn thiện, thu được kết quả tích cực. Từ Đại hội IX (2001), Đảng đã chuyển trọng tâm công tác kiểm tra sang kiểm tra đảng viên, tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra. Đại hội X (2006) đã bổ sung thêm công tác giám sát gắn liền công tác kiểm tra. Đảng đã đề ra chủ trương công khai kết quả kiểm tra, giám sát, kỷ luật; tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra của Đảng; đổi mới quan điểm, chủ trương về công tác kỷ luật Đảng phù hợp với yêu cầu xây dựng Đảng và yêu cầu của công tác đấu tranh PCTNTC trong điều kiện mới.

    - Gắn kết phương thức lãnh đạo trong chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đấu tranh PCTNTC. Khi trở thành đảng cầm quyền, Đảng là lực lượng lãnh đạo xã hội thông qua việc đề ra đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng. Nhà nước tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thông qua chức năng quản lý Nhà nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội vận động thành viên, hội viên, đoàn viên thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình. Tất cả hợp thành một hệ thống, một chỉnh thể thống nhất, không thể có Đảng trong sạch, vững mạnh khi các tổ chức khác trong hệ thống chính trị không trong sạch, vững mạnh. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống, thực chất cũng là góp vào xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của Đảng. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương phải gắn liền xây dựng Đảng với hệ thống chính trị, nói cách khác, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là một chỉnh thể đi liền với nhau.

    - Từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo trong kiểm soát quyền lực và PCTNTC. Tại Ðại hội XI, lần đầu tiên thuật ngữ kiểm soát quyền lực chính thức được ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN  Việt Nam: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”(11). Ðặc biệt, đến Ðại hội XII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Văn kiện Ðại hội chỉ rõ: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(12). Trong công tác PCTNTC, Đảng đã có điều chỉnh trong phương thức lãnh đạo. Công tác PCTN, lãng phí trở thành một nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Công tác PCTN, lãng phí được coi là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn chống tham nhũng với tiêu cực được nhấn mạnh, nhất là từ Đại hội XIII. Xây dựng Đảng về đạo đức đã trở thành một nội dung, nhiệm vụ cơ bản của công tác xây dựng Đảng. Cùng với việc đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa việc học tập đi vào chiều sâu, “trong trước, ngoài sau, trên trước, dưới sau” gắn với chủ đề hằng năm. Việc nhận diện sâu sắc, đầy đủ hơn các biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; kết hợp hài hòa giữa “xây” “chống” là những phương thức để tăng sức đề kháng cho cán bộ, đảng viên trước tác động của mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, thường xuyên “tự soi”“tự sửa” và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người cán bộ, đảng viên.

    - Phương thức chống tham nhũng, tiêu cực phải đồng bộ với nhiều nội dung khác của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong đó có xây dựng Đảng về tổ chức đã được chú trọng, với ba Nghị quyết Hội nghị Trung ương về vấn đề tổ chức: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VIII (1999): Một số vấn đề về tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 khóa X (2007): Về đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan đảng, định hướng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII năm 2017: Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, nhà nước các cấp được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; giảm đầu mối, giảm cấp trung gian, giảm số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xây dựng chính quyền điện tử,... nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, tiến tới tháng 7/2024 thực hiện chế độ lương mới; bảo đảm cán bộ, đảng viên có cuộc sống ổn định bằng lương cũng là hình thức ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

    Bộ Chính trị khóa XIII ban hành nhiều văn bản về vấn đề này, trong đó có quy định về kiểm soát quyền lực, PCTNTC trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán, chỉ rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực bao gồm: Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm,...; nghiêm cấm thiết lập quan hệ để hối lộ, mua chuộc, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, quản lý sử dụng đất đai, đấu giá tài sản, mua sắm công tập trung.

    - Công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo  của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Khi Đại hội IV năm 1976, Đảng có 1,5 triệu đảng viên thì đến năm 2022, đội ngũ của Đảng đã phát triển lên hơn 5,3 triệu đảng viên(13). Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tự phê bình và phê bình, tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với nhân dân. Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả được nâng cao, đã góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Đảng(14).

    Trong 10 năm gần đây, một số văn bản quan trọng như: Quy định số 47-QĐ/TW khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sau Đại hội XIII của Đảng, hàng loạt những văn bản mới về vấn đề này được ban hành, như: Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị;… 

    Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.091 tổ chức đảng và 1.124.146 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 15.920 tổ chức đảng và 47.701 đảng viên (trong đó có 23.432 cấp ủy viên). Qua kiểm tra, cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và 69.600 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 17.610 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 10 tổ chức đảng và 60 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 169 đảng viên (trong đó có 53 đồng chí là cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý). Trong giai đoạn 2012-2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 04 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 7.390 đảng viên do tham nhũng. Từ năm 2012 đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm toán, đã xử lý, thu hồi được hơn 975 nghìn tỷ đồng, gần 76 nghìn ha đất; xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân; chuyển cho Cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu phạm tội. 

    Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (cao hơn gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 08 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương, 20 sĩ quan cấp tướng. Các cấp ủy đã giám sát 193.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên; ủy ban kiểm tra các cấp đã giám sát 124.469 tổ chức đảng và 185.731 đảng viên. Từ năm 2021 đến tháng 6/2023 có 109 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 80 người, chuyển hơn 1.000 vụ, 870 đối tượng sang Cơ quan điều tra. Toàn ngành Thanh tra đã triển khai gần 16.500 cuộc thanh tra chính và 355 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, ban hành hơn 365 nghìn kết luận thanh tra. Từ đó, phát hiện vi phạm kinh tế hơn 337,3 nghìn tỷ đồng, hơn 18,4 nghìn ha đất; trong đó, kiến nghị thu hồi trên 197,5 nghìn tỷ đồng và gần 1,4 nghìn ha đất;... từ đó, kiến nghị chuyển đổi vị trí công tác 111.430 cán bộ, công chức, viên chức.

    Công tác đấu tranh PCTNTC đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng Đảng; được lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, ngày càng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận. Tham nhũng, tiêu cực từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Có được kết quả trên trước hết là những chủ trương, đúng đắn của Đảng, phương thức lãnh đạo của cấp ủy các cấp được đổi mới; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nêu gương của lãnh đạo các cấp, nhất là những người đứng đầu. 

    3. Bối cảnh mới, một số giải pháp nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

    Bối cảnh mới đặt ra nhiều thời cơ, thách thức trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh PCTNTC. Đó là, những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực. Tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sự chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch. Tác động của những thành tựu khoa học, công nghệ trong lãnh đạo, quản lý, quản trị quốc gia hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, những xu hướng mới về dân chủ hóa đời sống xã hội; sử dụng mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo, chuyển từ quản lý trực tiếp sang quản trị xã hội, đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tự quản của người dân, tổ chức đại diện người dân,… đòi hỏi phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực. Đặc biệt, khi Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 100 năm thành lập, cơ đồ, vị thế, tiềm năng, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao. 

    Do vậy, để nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh PCTNTC, cần tập trung một số giải pháp chính như sau: 

    Một là, nghiên cứu, sắp xếp, đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy của Đảng, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chủ trương, định hướng chính sách của Đảng; đổi mới quy trình xây dựng và ban hành nghị quyết theo hướng ngắn gọn, rõ điều kiện thực hiện, có số lượng phù  hợp, tập trung vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phân định rõ phạm vi, đối tượng chịu sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong đấu tranh PCTNTC; vấn đề có tính chiến lược, cơ bản, những vấn đề trọng đại của đất nước, những định hướng lớn trong từng thời kỳ về đấu tranh PCTNTC là cơ sở để Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách. 

    Hai là, hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu quả phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Đảng lãnh đạo tổ chức và cán bộ, bảo đảm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nguyên tắc hoạt động của cơ quan nhà nước; trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu. Tiếp tục nghiên cứu nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Quy định phạm vi, thẩm quyền của đảng viên, tổ chức đảng trong các cơ quan của hệ thống chính trị. Tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đổi mới quy trình đánh giá cán bộ, đặc biệt quy trình Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú, có đủ năng lực và phẩm chất tham gia các cơ quan nhà nước, phù hợp với các quy định pháp luật về bầu cử. Tăng cường phân cấp, sử dụng bộ máy nhà nước trong tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách phát triển đất nước. 

    Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, về chống tham nhũng, tiêu cực trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam; về Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong chế độ một đảng, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho cán bộ đảng viên. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phát huy các cơ chế, hình thức phù hợp bảo đảm việc quán triệt nghị quyết, kết luận của Đảng đến được tất cả đảng viên, theo hướng có văn bản, quy định mới thì mọi đảng viên phải được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm minh, hiệu quả cùng với việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Bốn là, đổi mới, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của Đảng đối với hoạt động của bộ máy nhà nước, hoàn thiện tổ chức của các cơ quan kiểm tra của Đảng, các cơ quan thanh tra, giám sát trong bộ máy nhà nước. Chú trọng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực và tăng cường PCTNTC trong các cơ quan PCTNTC. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Ban Chỉ đạo PCTNTC các tỉnh, thành phố. Tăng cường sự phối hợp, phát huy tốt vai trò của Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng trong PCTNTC. Coi trọng cả phòng và chống, bảo đảm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Xử lý nghiêm những sai phạm theo đúng phương châm, có sai phạm, vi phạm là phải bị xử lý, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

    Năm là, phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Đổi mới mạnh mẽ tổ chức, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội. Nghiên cứu xây dựng, ban hành Chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc. Xây dựng cơ chế thích hợp để nhân dân tham gia hiệu quả việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, những vấn đề lớn của đất nước; nghiên cứu và hoàn thiện cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền đô thị, nông thôn. Có cơ chế thích hợp để các cơ quan báo chí, người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin, tham gia xây dựng nhà nước, phát hiện và tố giác tham nhũng, các hành vi tiêu cực. 

    Sáu là, ứng dụng, phát huy tốt thành tựu khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đấu tranh PCTNTC. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý đảng viên, đồng bộ hóa với quản lý dữ liệu dân cư. Xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về dân cư, kinh tế, xã hội. Bảo đảm minh bạch trong kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, nhất là những khu vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường các hình thức bảo mật thông tin. Quản lý và tổ chức thực hiện tốt sinh hoạt hai chiều của cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú, nhất là những cán bộ lãnh đạo, quản lý; đấu tranh có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực cơ hội, thù địch, nhất là trên mạng xã hội.

    (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2006, t.47, tr.360-361.
    (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2007, t.51, tr.147.
    (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2015, t.55, tr.423, 424.
    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H.2016, t.60, tr.226-227.
    (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H.2011, tr.264-265.
    (6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG-ST, H.2016, tr.197.
    (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. CTQGST, H.2021, t.1, tr.93.
    (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Sđd, t.1, tr.197-199.
    (9) Cương lĩnh, các văn kiện quan trọng của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 12-CT/TW của Ban Bí thư khóa VII về quyền con người; Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới.
    (10) Năm 1997, lần đầu tiên, Đảng đã ban hành Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ công tác cán bộ, đánh dấu bước phát triển lý luận về công tác cán bộ và xây dựng Đảng về cán bộ. Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, đề ra chủ trương xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, từ chủ yếu cấp ủy đánh giá sang kết hợp nhiều kênh đánh giá; từ tiêu chuẩn sang tiêu chí đánh giá theo hướng: Xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
    (11) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.CTQG-ST, H.2011, tr.247.
    (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQGST, H.2016, tr.203.
    (13) Tính đến ngày 05/12/2022, cả nước có 51.827 tổ chức cơ sở đảng, tăng 46 tổ chức so với năm 2021; kết nạp 120.307 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên cả nước lên hơn 5,3 triệu đảng viên (theo Ban Tổ chức Trung ương).
    (14) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022.

    Đây là kết quả nghiên cứu của Đề tài KX03-04/21-25

PGS. TS. Phạm Văn Linh

(Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

.