Một số vấn đề đặt ra trong xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành nội chính Đảng

Thứ Bảy, 15/06/2024, 05:18 [GMT+7]

    1. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực và phầm chất đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Ngành Nội chính Đảng(1) (Ban Nội chính Trung ương, các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung  ương) có chức năng, nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Đảng về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) và cải cách tư pháp; đồng thời, là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng; Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo về PCTNTC và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp ở trung ương và cấp tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức ngành Nội chính Đảng nói chung, nhất là các chức danh chuyên môn, nghiệp vụ nói riêng, có nhiệm vụ tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuộc lĩnh vực nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp.

    Thời gian qua, căn cứ các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, ngành Nội chính Đảng đã quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức. Tuy nhiên, đây mới là những tiêu chuẩn cho đội ngũ công chức trong hệ thống chính trị nói chung, chưa phản ánh được đặc thù về chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Nội chính Đảng. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn mang tính đặc thù, cụ thể đối với chức danh chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng; góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ công chức của Ngành, từ đó nâng cao hiệu quả tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nội chính, PCTNTC và cải cách tư pháp.

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Quyết định cho các công chức được tuyển dụng
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Quyết định cho các công chức được tuyển dụng về công tác tại Ban Nội chính Trung ương từ nguồn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ (ảnh Đặng Phước)

    Tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng được hiểu là tập hợp các yêu cầu về trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng và các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc về công tác nội chính của Đảng tại các cơ quan trong ngành Nội chính Đảng. Xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng gắn với vị trí việc làm là công cụ quan trọng trong quản lý công chức, giúp tuyển chọn được nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của công việc, là cơ sở để sắp xếp, bố trí, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá công chức một cách chính xác, khách quan, công bằng; là cơ sở để trả lương, thưởng phù hợp với nhiệm vụ được giao; đồng thời, góp phần đánh giá mức độ quan trọng của từng nhiệm vụ được phân công, bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.

    Việc tuân thủ, áp dụng các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng đã bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp. Công chức ngành Nội chính Đảng cũng là một bộ phận không thể tách rời của công chức hành chính Việt Nam. Hiện nay, ngành Nội chính Đảng chưa có quy định riêng về tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức nên việc tuân thủ, áp dụng một cách linh hoạt, hài hòa các quy định chung về tuyển dụng, quản lý và sử dụng công chức theo quy định của pháp luật là điều tất yếu. Các quy định hiện hành là cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng.

    Trên cơ sở Luật Cán bộ, công chức, các nghị định và thông tư hướng dẫn xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của công chức gắn với vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ngành Nội chính Đảng triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được một số kết quả tích cực. Nổi bật là, căn cứ Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026; Quy định số 70-QĐ/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị, Ban tổ chức trung ương đã ban hành Quyết định số 2753/QĐ-BTCTW, ngày 29/3/2024 về Danh mục vị trí việc làm công chức ngành Nội chính Đảng với 45 vị trí việc làm.

    Theo đó, có 04 nhóm, gồm: Nhóm 1 - Lãnh đạo, quản lý và trợ lý, thư ký có 16 vị trí việc làm (ở trung ương có 08 vị trí, ở cấp tỉnh có 06 vị trí; trợ lý, thư ký có 02 vị trí); Nhóm 2 - Nghiệp vụ chuyên ngành có 12 vị trí việc làm (chuyên gia, chuyên viên về công tác nội chính, PCTNtC, cải cách tư pháp,...); Nhóm 3 - Nghiệp vụ chuyên môn dùng chung có 14 vị trí việc làm (chuyên viên về nghiên cứu quản lý, phát triển nguồn nhân lực; về hợp tác quốc tế; công nghệ thông tin; quản trị...); Nhóm 4 - Hỗ trợ phục vụ có 03 vị trí việc làm (thủ quỹ; lễ tân, phục vụ; lái xe). Qua thống kê cho thấy tỷ lệ nhóm vị trí việc làm theo Quyết định số 2753/QĐ-BTCTW phù hợp với đặc thù và chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính trung ương và ngành Nội chính Đảng. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng cho việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của công chức gắn với vị trí việc làm của ngành Nội chính Đảng.

    Việc tuân thủ, áp dụng một cách linh hoạt, hài hòa các quy định của Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, ngày 01/6/2020 về vị trí việc làm và biên chế công chức đã điều chỉnh một số vấn đề cơ bản của vị trí việc làm để áp dụng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của công chức gắn với vị trí việc làm của ngành Nội chính Đảng.

    Theo đó, quan niệm về tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của công chức gắn với vị trí việc làm được ngành Nội chính Đảng nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn; tiêu chuẩn  chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng gắn với vị trí việc làm gồm 02 hình thức phân loại theo khối lượng công việc và phân loại theo tính chất, nội dung của công việc.

    2. Việc xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ ngành Nội chính Đảng trong thời gian qua còn khó khăn, vướng mắc, đó là: 

    Chưa có tiêu chuẩn đặc thù  của Ngành; tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ công chức ngành Nội chính Đảng được xây dựng chủ yếu dựa vào Luật Cán bộ, công chức và Quy định tiêu chuẩn chung một số chức danh cán bộ, công chức cơ quan Đảng, đoàn thể của Ban tổ chức Trung ương. 

    Quy định pháp luật về tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức gắn với vị trí việc làm còn thiếu tính đồng bộ, thống nhất. Nội dung quan trọng của việc xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức gắn với vị trí việc làm là làm rõ được các nhiệm vụ, trách nhiệm mỗi vị trí phải thực thi; dựa trên nội dung công việc cụ thể để xác định vị trí việc làm. tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào yếu tố chức danh chuyên môn nghiệp vụ, chức vụ, coi mỗi chức danh chuyên môn nghiệp vụ, chức vụ là một vị trí việc làm đương nhiên mà chưa chú trọng về nội dung nhiệm vụ cụ thể như đặc điểm, tính chất chuyên môn nghiệp vụ, cũng như số lượng và chất lượng nhiệm vụ của mỗi vị trí việc làm. Việc đồng nhất giữa vị trí việc làm và “chức danh”, “chức vụ” là chưa hợp lý. Để xác định vị trí việc làm, cần phải căn cứ vào “nội dung nhiệm vụ cụ thể” của các chức danh này để xác định. Có thể nói, đây là tiêu chí quan trọng nhất để phân tích công việc và xác định vị trí việc làm. 

    Hơn nữa, các quy định tuyển dụng công chức hiện nay chủ yếu về trình độ đào tạo và phẩm chất mà chưa coi trọng về năng lực. Các ưu tiên tuyển dụng cũng nhấn mạnh về bằng cấp (tiến sĩ, thạc sĩ, bằng cử nhân loại giỏi, xuất sắc) là điều kiện cần song chưa phải là điều kiện đủ để bảo đảm cán bộ, công chức thực thi tốt công vụ. Việc thi tuyển hiện nay chủ yếu thông qua các bài thi kiến thức chung, kiến thức chuyên ngành, ngoại ngữ, tin học song chưa thực sự bảo đảm lựa chọn được người đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm.

    Các văn bản quy phạm pháp luật chưa nêu cách thức đo lường, tính toán để lượng hóa công việc cơ quan phải thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao trong khoảng thời gian nhất định; chưa phân định căn cứ xác định vị trí việc làm cụ thể với căn cứ xác định vị trí việc làm tổng thể của cơ quan, tổ chức. Do chưa thống nhất về phương pháp, cách thức hướng dẫn, xác định vị trí việc làm, số lượng biên chế công chức nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, chưa đồng bộ. 

    Nghị định số 62/2020/NĐ-CP nêu căn cứ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức; về mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động và về phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhưng chưa quy định về phương pháp xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm.

    Các quy định của pháp luật còn chưa thống nhất, đôi khi mâu thuẫn và chồng chéo nên khó thực thi hoặc thực hiện một cách đối phó. Sự chưa thống nhất nằm ở những quy định pháp luật liên quan tới “biên chế”, ngạch công chức, trả lương công chức, quy định về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm,... Nếu quản lý công chức theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm sẽ không có quy định cứng về biên chế, quy định trả lương theo ngạch/bậc như hiện nay. Các quy định về tuyển dụng, điều động, luân chuyển,... cũng phải thay đổi. Đặc biệt, phải làm rõ mối quan hệ giữa quản lý công chức theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm kết hợp theo biên chế. Quản lý công chức theo vị trí việc làm nhưng vẫn quản lý và trả lương theo ngạch, bậc công chức. Quy định của pháp luật giải quyết được bài toán này thì việc quản lý công chức theo vị trí việc làm sẽ hiệu quả và khả thi hơn. 

    Mặt khác, việc xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm nhưng phải bảo đảm phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế theo Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Hội nghị trung ương 7 (khóa XI) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Kết luận số 40-KL/TW, ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Khi giao cho các đơn vị tự xác định tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm thì sẽ có tăng, có giảm người làm việc theo khối lượng công việc trên thực tế nhưng theo nội dung của Kết luận số 64-KL/TW và Nghị  quyết 39-NQ/TW và Kết luận số 40-KL/TW bắt buộc giai đoạn 2021-2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và mỗi cơ quan, đơn vị chỉ được tuyển mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.

    Mặc dù đã có những quy định về tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật công chức theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm nhưng về cơ bản còn lúng túng. Các quy định của tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá,... không có nhiều khác biệt so với trước khi gắn thêm “vị trí việc làm”. Bởi lẽ, các quy định về tiền lương vẫn theo chế độ công vụ chức nghiệp mà chưa quy định chế độ công vụ theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm. Chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp đối với công chức còn bất hợp lý; tiền lương gắn với chế độ ngạch, bậc (theo mô hình chức nghiệp) và chưa tương xứng theo mô hình việc làm mà công chức đang đảm nhận. Vì vậy, chưa tạo được động lực để khuyến khích đội ngũ công chức yên tâm công tác, cống hiến tận tâm cho công việc. Việc trả lương nghiêng về chủ nghĩa bình quân “sống lâu lên lão làng”, không phản ánh đúng năng lực của mỗi công chức, đặc biệt là đối với các chuyên gia.

    3. Để xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ công chức ngành Nội chính Đảng bảo đảm khách quan, toàn diện, phù hợp với đặc thù và yêu cầu của công tác nội chính, cần quan tâm làm rõ một số nội dung sau:

    Thứ nhất, cần có phương pháp tính toán chính xác số lượng biên chế cần thiết để thực hiện một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ trong ngành Nội chính Đảng dựa trên độ khó của công việc, khối lượng công việc và thời gian hoàn thành công việc.

    Thứ hai, cân nhắc, xem xét các yếu tố về dân cư, diện tích, trình độ dân trí,... trong các đơn vị hành chính để tính toán định biên cho từng chức danh chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.

    Thứ ba, nghiên cứu thang đo phù hợp và khả thi về mức độ hoàn thành công việc của từng chức danh chuyên môn, nghiệp vụ để phân định giữa các ngạch chuyên viên (chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp); căn cứ định lượng cho công tác định biên, xác định số lượng nhiệm vụ cho từng chức danh chuyên môn, nghiệp vụ.

    Thứ tư, chú trọng áp dụng chuyển đổi số trong công tác nội chính Đảng và ứng dụng các phương tiện khoa học - công nghệ để tăng hiệu suất làm việc ở từng chức danh chuyên môn, nghiệp vụ.

    Thứ năm, cần nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ biệt lập với tiêu chuẩn ngạch. Hiện nay, ngành Nội chính Đảng đã có văn bản quy định tiêu chuẩn, nghiệp vụ các ngạch công chức song yêu cầu của chức danh chuyên môn, nghiệp vụ không dừng lại ở việc yêu cầu các kiến thức chuyên môn mà còn cần cả kỹ năng, thái độ phù hợp với từng vị trí và yêu cầu cấp độ năng lực, các minh chứng biểu hiện việc có năng lực đối với từng vị trí. Không có tiêu chuẩn chức danh chuyên môn, nghiệp vụ hoặc ban hành có tính chất hình thức sẽ dẫn tới việc tuyển dụng nhưng phải tiếp tục đào tạo để công chức phù hợp với vị trí đã tuyển.

    Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác cải cách nền hành chính và công vụ của năm 2024 và những năm tiếp theo là hoàn thành cơ bản mô hình chế độ công vụ theo tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ gắn với vị trí việc làm tại tất cả các địa phương, cơ quan, đơn vị. Do đó, ngành Nội chính Đảng cần quan tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và xây dựng, hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn chức danh chuyên môn nghiệp vụ công chức của Ngành. Trước mắt, cần đổi mới phương thức, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ; hoàn thiện mô hình chế độ công vụ theo vị trí việc làm; hoàn thiện tiêu chuẩn, chức danh công chức và tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý của ngành Nội chính Đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành Nội chính Đảng; triển khai các quy định về chế độ, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực, phẩm chất, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách liên thông đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn ngành Nội chính Đảng.
 
    (1) Quy định số 216-QĐ/TW, ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính trung ương; Quy định số 137-QĐ/tW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.

Trần Văn Lâm
(Ban Nội chính Trung ương)

.