Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với vấn đề nội trị và xây dựng người cán bộ thật sự vì nước, vì dân

Thứ Hai, 02/09/2024, 04:16 [GMT+7]

    Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo thắng lợi vẻ vang dẫn tới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam). Đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc điển hình được soi sáng bởi lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của một Đảng Cộng sản chân chính cách mạng, đã xóa bỏ chế độ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, xây dựng nền độc lập dân tộc, mở đường đi lên CNXH. Đó còn là cuộc cách mạng dân chủ triệt để, đánh đổ chế độ quân chủ, phong kiến, xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa, người dân được làm chủ đất nước, xã hội và được sống vì khát vọng Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc.

    Cách mạng thành công, việc trước hết là tuyên bố trước quốc dân và thế giới về nền độc lập của nước Việt Nam với bản Tuyên ngôn độc lập do Hồ Chí Minh soạn thảo và ra mắt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Người làm Chủ tịch. Lễ Độc lập đã được tổ chức chiều ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên được công bố công khai trên báo chí ở Hà Nội ngày 28/8/1945 dựa trên thành viên của Ủy ban giải phóng dân tộc được Đại hội quốc dân họp ở tân trào (tuyên Quang) bầu ngày 16 và 17/8/1945. Có một điều đáng ghi nhớ và cũng còn nhiều người chưa biết, đó là khi lập Chính phủ lâm thời ngày 28/8, một số đồng chí lãnh đạo của Đảng như tổng Bí thư trường Chinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Nguyễn Chí thanh đã chủ động xin không tham gia Chính phủ để dành ghế mời các nhân sĩ, trí thức tham gia Chính phủ. Về sự kiện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Khi tổ chức Chính phủ lâm thời, có những đồng chí trong Ủy ban Trung ương do Quốc dân đại hội bầu ra, đáng lẽ tham dự Chính phủ, song các đồng chí ấy đã tự động xin lui, để nhường chỗ cho những nhân sĩ yêu nước nhưng còn ở ngoài Việt Minh. Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân. Đó là một cử chỉ đáng khen, đáng kính mà chúng ta phải học”(1).

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu)

    Với quan điểm và chủ trương đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ máy nhà nước cách mạng ở Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương trong cả nước đã tiêu biểu cho tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc - Nhà nước của nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng trực tiếp lãnh đạo, điều hành Nhà nước như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tôn Đức thắng,... Đồng thời, trong  bộ máy nhà nước còn có những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu tham gia như: Huỳnh thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế toại, các Bộ trưởng: Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đăng Khoa, Nghiêm Xuân Yêm, Hoàng Minh Giám,... Các vị đó, tuy không là đảng viên cộng sản nhưng đã có cống hiến lớn lao cho sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, suốt đời đi theo Đảng và Cụ Hồ, thật sự vì nước, vì dân. Đây là nét độc đáo của cách mạng Việt Nam, sự gắn kết giữa Đảng và dân tộc làm nên sức mạnh.

    Những năm tháng đầu tiên Đảng cầm quyền, cách mạng Việt Nam phải vượt qua những thách thức nặng nề, tình thế như “ngàn cân treo sợi tóc”. Thực dân Pháp quay lại xâm lược với việc đánh chiếm Nam Bộ (ngày 23/9/1945). Ở ngoài Bắc, 20 vạn quân của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Hoa dân quốc) kéo vào với danh nghĩa quân Đồng minh tước vũ khí quân Nhật, nhưng lại có âm mưu và hành động lật đổ Nhà nước cách mạng Việt Nam để dựng lên chính quyền tay sai. Các thế lực phản động trong nước (Việt Quốc, Việt Cách) câu kết với nước ngoài chống phá cách mạng. Hậu quả nặng nề của nạn đói do Pháp, Nhật gây ra từ đầu năm 1945. Nền kinh tế chế độ cũ để lại kiệt quệ, Nhà nước không có tiền, cũng không có lương thực dự trữ, 95% dân số không biết chữ, trình độ cán bộ trong bộ máy chính quyền còn hạn chế, chưa quen với quản lý hành chính nhà nước. Đất nước ở trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và phản động, chưa có nước nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, Đảng phải rút vào hoạt động bí mật (ngày 11/11/1945), nhưng Đảng vẫn lãnh đạo Nhà nước về mọi mặt.

    Trong hoàn cảnh ngặt nghèo đó, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương động viên và dựa vào sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân để tăng cường thực lực cách mạng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về nội trị - nội chính và ngoại giao. Phát động kháng chiến toàn dân, huy động sức mạnh của cả nước (phong trào Nam tiến) để chống Pháp xâm lược ở Nam Bộ, cảnh giác, làm thất bại âm mưu lật đổ của quân tàu tưởng. thực hiện chính sách ngoại giao độc lập, tự chủ “thêm bạn, bớt thù”, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn: Hoa Kỳ, Anh Quốc, Liên Xô, Trung Hoa dân quốc. “Bất biến” là kiên quyết giữ vững nền độc lập, bảo vệ thành quả cách mạng và chính quyền nhân dân, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. “Ứng vạn biến” là cần có sách lược khôn khéo, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể. Lúc thì tạm hòa hoãn, nhân nhượng với quân tưởng ở miền Bắc để tập trung kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Lúc thì hòa hoãn, nhân nhượng với quân Pháp, ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức nước Pháp để thúc đẩy quân tưởng về nước. Đó là sự nhân nhượng cần thiết, có nguyên tắc để lại bài học quý giá và định hình lý luận ngoại giao Việt Nam, Hồ Chí Minh.

    Ngoại giao Việt Nam dựa trên sự thành thật, tôn trọng lẫn nhau, không gây thù oán vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi, đồng thời, phải tăng cường thực lực cách mạng. Hồ Chí Minh nêu rõ: “thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(2).

    Để tăng cường thực lực, tạo thế và lực mới cho cách mạng, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phải giải quyết những công việc bức thiết về nội trị - nội chính, không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, của chính quyền các cấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ phát động toàn dân tăng gia sản xuất phát triển nông nghiệp để chống nạn đói; toàn dân học tập xóa nạn mù chữ chống nạn dốt, vì “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Xây dựng đời sống mới, chống văn hóa cổ hủ, lạc hậu, phản động, xây dựng nền văn hóa mới tiến bộ, văn minh theo quan điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Ban bố quyền tự do dân chủ, kể cả tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các dân tộc thiểu số, đa số đều bình đẳng, thực hiện bình đẳng nam nữ. Chăm lo quyền của người dân về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(3). Trung ương Đảng đã có chỉ thị trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ trong nước, những vấn đề nội chính, nội trị: “Nhiệm vụ riêng trong nước là phải củng cố chính quyền chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống cho nhân dân”(4). Trung ương Đảng cũng nêu rõ từ nhu cầu của tình thế “ban hành những sắc lệnh để mang lại ngay những tự do và hạnh phúc thực tế cho nhân dân, trong phạm vi điều kiện cụ thể của hoàn cảnh cho phép... trừng trị bọn phản quốc đã nhân những khó khăn về nội trị và ngoại giao và dựa vào thế lực người mà ngóc đầu dậy, trừng trị bọn chia rẽ, bọn thất bại (defaitisme), bọn đầu cơ tích trữ và bọn lạm quyền nhiễu dân”(5).

    Một chủ trương lớn của Đảng là tổ chức cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội, ban hành Hiến pháp, củng cố chính quyền, khẳng định cơ sở thực tế và pháp lý của Nhà nước cách mạng Việt Nam trong nội trị và ngoại giao. trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến  pháp dân chủ. tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng Tuyển Cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v…”(6)

    Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, ban hành Hiến pháp thật sự là cuộc cách mạng về thể chế chính trị, xác lập vững chắc nền cộng hòa dân chủ ở Việt Nam. Trong lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc bầu cử sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng, thay mặt cho mình để gánh vác việc nước. Phát biểu trong lễ ra mắt ứng cử viên tổ chức tại Việt Nam học xá, Hà Nội, ngày 05/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”(7).

    Cuộc bầu cử ngày 06/01/1946 đã thành công, cử tri cả nước bầu 333 đại biểu của Quốc hội khóa đầu tiên. Ngày 02/3/1946, tại Hà Nội, Quốc hội họp kỳ thứ nhất, thành lập Chính phủ chính thức do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Đó là Chính phủ hợp pháp, là đại diện duy nhất của lợi ích quốc gia, dân tộc. Quốc hội là tiêu biểu cho ý chí và quyền lực của nhân dân. Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thông qua và ban hành Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam (09/11/1946). Hiến pháp gồm 7 chương, 70 điều. Về chính thể, điều thứ nhất nêu rõ: Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Điều thứ 2: Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất trung Nam Bắc không thể phân chia. Hiến pháp đề cao nghĩa vụ và quyền lợi công dân (Chương II). Cơ cấu tổ chức Nhà nước có: Nghị viện nhân dân (Quốc hội), Chính phủ, Cơ quan tư pháp. Đó thật sự là mô hình Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Đó là Nhà nước văn minh, tiến bộ, hiện đại và vì dân, sánh với các Nhà nước dân chủ, tiến bộ trên thế giới.

    Một vấn đề rất quan trọng về nội trị - nội chính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chú trọng là giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền thật sự vì dân, là công bộc của dân, tránh xa những cám dỗ, tiêu cực dẫn đến lỗi lầm. Ngày 12/10/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết Sao cho được lòng dân? Người chỉ rõ ở một vài ủy ban nhân dân các địa phương, người dân “phàn nàn, oán thán nhiều hơn tiếng người khen”. Cần phải lắng nghe dân để sửa mình, “dân ghét các ông chủ tịch, các ông ủy viên về cái tật ngông nghênh, cậy thế, cậy quyền”. “Từ chỗ ngông nghênh xa phí đó rất dễ đi đến chỗ ỷ thế cậy quyền, làm nhiều điều quá tệ”. Những ủy ban và cán bộ như thế bị dân khinh, dân ghét. Người nhấn mạnh: “Muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”(8).

    Từ thực trạng của chính quyền ở một số địa phương, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ sự cần thiết phải uốn nắn, giáo dục kịp thời. Ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Người nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(9).

    Trong thư, Người chỉ rõ những lầm lỗi rất nặng nề của cán bộ. Đó là: Trái phép, Cậy thế, Hủ hóa, Tư túng, Chia rẽ, Kiêu ngạo. Cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”. Những lầm lỗi ấy làm cho dân oán thán, làm mất lòng tin cậy của dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”(10).

    Đã 70 năm, thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ chính quyền các cấp đến nay vẫn nguyên giá trị trong nhận thức, hành động của cuộc đấu tranh PCTNTC. Đó là thái độ thẳng thắn, chân thành nhưng kiên quyết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đồng thời, mở ra định hướng để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi xét, tự sửa chữa để từ bỏ, tránh xa những điều xấu, hư hỏng để hướng tới những gì là tốt đẹp, tiến bộ. Đó cũng là bài học lớn về công tác cán bộ, về phê bình thẳng thắn, chân thành và tự phê bình thành thực, quyết tâm sửa chữa, mà hiện nay Đảng nhấn mạnh vấn đề tự soi, tự sửa. Cách mạng thành công, Đảng cầm quyền và lãnh đạo Nhà nước, cán bộ, đảng viên từ đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, trở thành người nắm chính quyền, quản lý nhà nước, một công việc hoàn toàn mới mẻ, khó khăn lại chưa được đào tạo. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói với các thành viên Chính phủ: “Các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính”, “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm”(11). Đó là quan niệm hết sức khoa học, cầu thị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước để vận hành, quản lý nhà nước, đưa cách mạng vượt qua khó khăn, thử thách và cán bộ, công chức ngày thêm trưởng thành và những khuyết điểm cũng dần được khắc phục. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng tìm người tài, đức để tham gia công việc chung của đất nước. Nhân tài có trong Đảng và trong các tầng lớp nhân dân.

    Ngày 14/11/1945, trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài Nhân tài và kiến quốc, khẳng định “Kiến thiết cần có nhân tài”. Cũng trên báo Cứu quốc, ngày 20/11/1946, Người có bài Tìm người tài đức. Người khẳng định: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức”. Ngày 31/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm chính thức nước Pháp dài ngày và ngày 21/10/1946, Người mới về đến Hà Nội. Khi về nước, Người đã mời một số trí thức người Việt đang ở Pháp như Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước về nước để tham gia công việc của đất nước. Hiện nay, thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về xây dựng đội ngũ trí thức, Đảng nhấn mạnh chủ trương trọng dụng nhân tài trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Đảng cũng coi trọng và bảo vệ những cán bộ ưu tú của Đảng dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám vượt qua khó khăn, thách thức, dám hành động vì lợi ích chung. Làm sao cho đông đảo cán bộ của Đảng và cả hệ thống chính trị là những người như thế.

    V.I.Lênin nêu rõ: Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi biết tự bảo vệ. Cách mạng Việt Nam sau tháng 8/1945 hoàn toàn phải tự bảo vệ. Nhà nước cách mạng và nền độc lập non trẻ phải chiến đấu và tồn tại trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và phản động. Đồng chí và bạn bè quốc tế chưa thể giúp đỡ trực tiếp cho Việt Nam. Cũng chưa có nước nào công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hoàn cảnh đó phải nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tăng cường thực lực cách mạng để tồn tại và phát triển. Phải dựa vào sức mạnh của nhân dân, động viên toàn dân chống giặc ngoại xâm, khắc phục nạn đói và xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí. Dựa vào giác ngộ chính trị của nhân dân với tinh thần yêu nước để xây dựng, củng cố chính quyền, bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Kêu gọi toàn dân đóng góp vật chất cho Chính phủ lo việc công.

    Nhân dân đã ủng hộ Chính phủ 375 kg vàng trong Tuần lễ vàng (từ ngày 17 - 24/9/1945), góp 20 triệu đồng cho quỹ độc lập, 45 triệu đồng cho quỹ đảm phụ quốc phòng. Dựa vào nhân dân, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc cùng với đường lối, chính sách và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bảo đảm cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh mà lướt tới. Một điểm rất quan trọng về nội trị là luôn luôn cảnh giác, chủ động đối phó làm thất bại các âm mưu, kế hoạch phá hoại lật đổ của kẻ địch. Có một sự kiện lớn, cần ghi nhớ trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử Công an nhân dân Việt Nam. Khi Chủ tịch còn đang thăm nước Pháp, lợi dụng sự vắng mặt của Người ở trong nước, thực dân Pháp chỉ đạo lực lượng phản động Quốc dân đảng thực hiện âm mưu, kế hoạch đảo chính, lật đổ Nhà nước cách mạng Việt Nam vào ngày 14/7/1946 (ngày Quốc khánh nước Pháp). Kế hoạch đó đã bị Nhà nước Việt Nam phát hiện. Rạng sáng ngày 12/7/1946, lực lượng an ninh Việt Nam đã đồng loạt tiến công những địa điểm địch tập trung lực lượng, bắt giữ và bóc gỡ, làm thất bại kế hoạch đảo chính của địch 2 ngày trước khi nó nổ ra. Đó là chiến công rất vẻ vang và có ý nghĩa đặc biệt. Có được thắng lợi đó là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Ban thường vụ trung ương Đảng và Tổng Bí thư trường Chinh; sự chỉ đạo chặt chẽ của Chính phủ với vai trò của Quyền Chủ tịch Huỳnh Thúc Kháng và đồng chí Võ Nguyên Giáp; sự chỉ huy và hành động quyết liệt, mưu trí, khôn khéo của lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ ngành Công an, trực tiếp là lực lượng an ninh; sự giúp đỡ của nhân dân nhất là cơ sở tin cậy của quần chúng. Ngày 12/7 trở thành ngày truyền thống của lực lượng an ninh, Công an nhân dân Việt Nam.

    Những thành công về nội trị, nội chính ngay sau Cách mạng Tháng Tám đã để lại cho các thời kỳ sau, nhất là công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay, những kinh nghiệm, bài học quý giá, như đại đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tăng cường thực lực cách mạng, nâng cao ý chí, bản lĩnh, quyết tâm tự bảo vệ, kết hợp nội trị và ngoại giao, xây dựng đội ngũ cán bộ vì nước vì dân, chống tha hóa, tiêu cực và giữ gìn nội bộ Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.    

    (1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, t.7, tr.26.
    (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.147.
    (3) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.64.
    (4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.8, tr.26-27.
    (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, t.8, tr.30-31.     
    (6) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.7.
    (7) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.168.
    (8) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.52.
    (9) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.64-65.
    (10) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.66.
    (11) Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, t.4, tr.6.

PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc
(Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

.