Tăng cường liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị

Chủ Nhật, 13/10/2024, 05:13 [GMT+7]

    1. Liêm chính - giá trị cốt lõi của nền đạo đức công vụ 

    Trong mối quan hệ với đạo đức nói chung, đạo đức công vụ nói riêng, liêm chính luôn được nhìn nhận là một bộ phận cấu thành tất yếu, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/Đất có bốn phương: Đông, tây, Nam, Bắc/Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/thiếu một mùa, thì không thành trời/thiếu một phương, thì không thành đất/thiếu một đức, thì không thành người”.

    Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm chính có các thuộc tính: “Liêm là trong sạch, không tham lam”(1), “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ”(2). Năm 1949, trong tác phẩm “Cần kiệm liêm chính” với bút danh Lê Quyết Thắng đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Liêm” của ngày xưa để chỉ “những người làm quan không đục khoét dân”, còn “Liêm” ngày nay có nghĩa rộng hơn và “mọi người đều phải Liêm”, “… Ngày nay, nước ta là Dân chủ Cộng hòa, chữ Liêm có nghĩa rộng hơn, là mọi người đều phải Liêm”(3). Đồng thời, Người cũng cho rằng, “Liêm” cần đi đôi với “Kiệm” bởi vì “có Kiệm mới Liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất Liêm”(4)

    Trong Di chúc, Người đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(5).

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, thành viên Tiểu ban Điều lệ Đảng, Trưởng Đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV của Đảng phát biểu tại buổi làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 26/6/2024.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Tiểu ban Văn kiện, thành viên Tiểu ban Điều lệ Đảng, Trưởng Đoàn khảo sát Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Điều lệ Đảng Đại hội XIV của Đảng phát biểu tại buổi làm việc với Thường vụ Quân ủy Trung ương, ngày 26/6/2024.

    Ngày 20/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 76/SL, ban hành Quy chế công chức Việt Nam, tại Điều 2 quy định: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

    Như vậy, ngay từ những thập niên đầu của thể kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã chỉ rõ: Liêm chính là một trong các giá trị cốt lõi của nền đạo đức công vụ. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), tại nguyên tắc thứ tư, quy định: Bảo đảm các tiêu chuẩn cao về liêm chính đối với các cơ quan chức năng và những người được tuyển dụng tại cơ quan và tổ chức công có trách nhiệm ngăn chặn và đấu tranh chống tham nhũng.

    Nguyên tắc Bangalore về đạo đức tư pháp cũng đề cập liêm chính là một trong sáu nội dung căn bản của đạo đức tư pháp, bao gồm: (1) Độc lập tư pháp, (2) khách quan, (3) liêm chính, (4) sự chuẩn mực, (5) bình đẳng, (6) năng lực và sự chuyên cần. Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới” đã xác định một trong các Mục tiêu tổng quát đó là: “Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”. 

    Gần đây nhất, trong Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới, xác định: Đạo đức cán bộ, đảng viên bao gồm: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư (Điều 3).

    Thể chế hóa các quy định của Đảng, hệ thống pháp luật Việt Nam về cơ bản đã có sự nhất quán, xuyên suốt (từ Hiến pháp cho đến các luật tổ chức bộ máy nhà nước, Luật Cán bộ, công chức,…) về việc quy định nguyên tắc, nội dung và tổ chức xây dựng nền đạo đức công vụ, trong đó các giá trị liêm chính cũng dần được hoàn thiện và bước đầu được thể hiện khá rõ trong các lĩnh vực, các khâu của quản trị quốc gia.

    Có thể khái quát về liêm chính công vụ như sau: 

    (1) Liêm chính là một trong các trụ cột của nền đạo đức công vụ, là các hành vi ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) dựa trên các chuẩn mực đạo đức công vụ và tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ, bảo đảm sự trung thực, ngay thẳng và không vụ lợi. Cùng với sự hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, liêm chính không chỉ giới hạn bởi sự cấu thành của “Liêm” và “Chính” mà từng bước được nhìn nhận và tiếp cận với giác độ chế độ liêm chính, là một trong các nguyên tắc hoạt động của một nền hành chính công vụ. 

    (2) Từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam cũng như tiếp cận nghiên cứu quốc tế đều cho thấy sự nhất quán khẳng định và ghi nhận nội dung Liêm chính là giá trị cốt lõi, là một yếu tố cấu thành trong thiết chế đạo đức công vụ.

    (3) Trong nền đạo đức công vụ, liêm chính được cấu thành và bảo đảm trong thực tiễn bởi các thành tố căn bản là: (i) tri thức liêm chính, (ii) thái độ liêm chính, (iii) thực hành liêm chính.

    (4) Nội dung về liêm chính công vụ, tuy chưa được xác lập bởi một hệ thống chuẩn mực thống nhất, xuyên suốt song cho thấy đã được phân chia thành nhiều cấp độ, trong đó có 3 cấp độ chủ yếu, gồm: Xác lập các nguyên tắc chung (ví dụ: Hiến pháp, các luật tổ chức cơ quan trong bộ máy nhà nước,…), xác lập các chuẩn mực chung (Luật Cán bộ, công chức,…) và xác lập các chuẩn mực cụ thể, đặc thù (hướng tới đặc điểm từng nhóm CBCC trong các cơ quan, tổ chức, đơn cử như: Chuẩn mực liêm chính ngành Nội chính Đảng, ngành Kiểm sát,…). 

    Các chuẩn mực liêm chính công vụ có các nội dung cơ bản sau:

    (1) Tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; có ý chí, quyết tâm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. 

    (2) Quản lý, sử dụng tài sản công đúng mục đích, đúng quy định; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. 

    (3) trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm trong nội bộ cơ quan, đơn vị.

    (4) Đề cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ bởi tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng. Thực hiện văn hoá từ chức khi không đủ khả năng, uy tín. 

    (5) Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn thử thách. 

    (6) Kiên quyết bảo vệ lẽ phải, không bao che những hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức.

    2. Tăng cường liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị   

    - Cơ sở chính trị - pháp lý và cơ sở thực tiễn

    Về cơ sở chính trị. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định công tác cán bộ là nhân tố quyết định, là nội dung then chốt trong mọi chủ trương, chính sách về xây dựng Đảng và chính quyền. Trong đó, đạo đức luôn được coi là phẩm chất tiên quyết của người đảng viên, của đội ngũ CBCC, viên chức nhà nước. Qua nghiên cứu các quy định của Đảng về xây dựng đạo đức công vụ nói chung, xác lập và bảo đảm yêu cầu liêm chính trong hoạt động công vụ gắn với trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, có thể rút ra một số nội dung cơ bản sau: 

    Thứ nhất, xây đựng và bảo đảm tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất chuẩn mực đạo đức công vụ nói chung, liêm chính của đội ngũ CBCC, đảng viên là nhiệm vụ then chốt, xuyên suốt trong chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng Đảng, hệ thống cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị.

    Thứ hai, các quy định của Đảng về liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ đã từng bước xác định rõ các nguyên tắc, quan điểm, yêu cầu cũng như nội hàm cốt lõi của liêm chính trong cấu trúc và mối quan hệ nội tại của nền đạo đức công vụ nói chung, làm cơ sở cho việc thể chế hóa thành các quy định pháp luật cũng như thể chế liêm chính trong các cơ quan, tổ chức của toàn hệ thống chính trị (đơn cử Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới).

    Thứ ba, các quy định của Đảng về liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ đã thể hiện rõ các nguyên tắc lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đảm bảo sự đồng bộ, xuyên suốt, cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quán triệt, tổ chức thực hiện đảm bảo liêm chính công vụ, từ xây dựng thể chế, tổ chức bộ máy, công tác cán bộ, giáo dục liêm chính, thông tin, tuyên truyền, cơ chế thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quy định liêm chính. 

    Thứ tư, đối với trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị (trong đó trách nhiệm của người đứng đầu) trong xây dựng và bảo đảm thực hiện liêm chính công vụ dần được hoàn thiện theo hướng cụ thể hóa; đồng thời, từng bước bảo đảm tính đồng bộ, nhất là đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước, đồng bộ giữa trách nhiệm tuân thủ liêm chính của đảng viên với đội ngũ CBCC nhà nước, giữa cấp ủy với lãnh đạo chính quyền, cơ quan, đơn vị, đồng bộ giữa trách nhiệm tuân thủ chuẩn mực liêm chính với trách nhiệm đạo đức công vụ, đạo đức công dân, đồng bộ giữa yêu cầu tăng cường liêm chính công vụ với chủ trương xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

    Về cơ sở pháp lý. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, trong thời gian qua, các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đã từng bước ban hành các văn bản pháp luật, chính sách quan trọng. Các quy định pháp luật về xây dựng đạo đức công vụ nói chung, liêm chính trong hoạt động công vụ nói riêng, mặc dù chưa có quy định chuyên biệt, song bước đầu đã tạo được cơ sở pháp lý quan trọng.

    Pháp luật về liêm chính công vụ cơ bản đã thể chế hóa các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng đạo đức công vụ nói chung, liêm chính công vụ nói riêng; bước đầu có sự hài hòa với các chuẩn mực liêm chính phổ quát trong nền công vụ của các nước trên thế giới. Các quy định pháp luật về liêm chính công vụ đã xác lập các nguyên tắc cơ bản về xây dựng liêm chính công vụ của CBCC trong các cơ quan, tổ chức, đồng thời từng bước đã có sự đồng bộ với cơ chế đảm bảo thực hiện; thể hiện được tính thống nhất trong quy định về cơ chế điều chỉnh (từ hoạt động từ xây dựng thể chế cho đến tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm liêm chính công vụ); từng bước hình thành nên một thể thống nhất, từ Hiến pháp, các luật tổ chức và hoạt động cơ quan trong bộ máy nhà nước, pháp luật CBCC cho đến bộ Quy tắc liêm chính ở từng ngành, địa phương.

    Về cơ sở thực tiễn. Qua đánh giá thực trạng thực hiện liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ trong cơ quan, tổ chức ở nước ta thời gian qua cho thấy, còn nhiều tồn tại, bất cập, trong đó có việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”.

    Báo cáo tổng kết 10 năm hoạt động công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (2012-2022) nhận định: “Công tác tuyên truyền, giáo dục có mặt còn hạn chế, nhất là giáo dục liêm chính”, “tình trạng vi phạm quy tắc ứng xử trên bình diện cả nước còn khá phổ biến; nhiều CBCC, viên chức thậm chí là người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến việc tổ chức thực hiện; cơ chế giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm nhiều nơi còn thiếu chặt chẽ, không nghiêm, chưa tạo được ý thức tuân thủ rộng rãi các quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong hành xử của CBCC, viên chức”.

    Nguyên nhân của thực trạng nêu trên là: 

    Thứ nhất, do sự sa sút về ý thức chính trị, sự trau dồi, rèn luyện, giữ gìn đạo đức nói chung, liêm chính công vụ nói riêng của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. 

    Thứ hai, trách nhiệm nêu gương, tiên phong gương mẫu của người đứng đầu trong không ít cơ quan, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, thậm chí, có nơi còn mang tính hình thức, nói không đi đôi với làm. 

    Thứ ba, còn sự thiếu đồng bộ, chặt chẽ về thể chế xây dựng và đảm bảo liêm chính công vụ, cụ thể như: Đang còn có sự thiếu đồng bộ giữa các quy định của Đảng với pháp luật nhà nước, giữa pháp luật chung với các quy định chuyên ngành, giữa các quy định pháp luật với các quy tắc liêm chính của các ngành, các cấp, các địa phương và các cơ quan, đơn vị trong việc xác định nội dung liêm chính; nhận diện, đánh giá hành vi ứng xử; sự nhất quán về quy trình đảm bảo thực hiện; tính đồng bộ, nghiêm khắc trong các hình thức, biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm;… 

    Thứ tư, cơ chế giám sát công vụ, bao gồm giám sát trong và giám sát ngoài, đang còn thiếu hiệu quả thực chất. Quy chế dân chủ cơ sở còn hình thức.

    Thứ năm, công tác giáo dục, truyền thông về liêm chính hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng và phù hợp với đặc thù của lĩnh vực xây dựng và thực hiện đạo đức công vụ nói chung, liêm chính công vụ nói riêng.

    - Yêu cầu bảo đảm tổ chức thực hiện và tăng cường liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. 

    (1) Xây dựng và bảo đảm thực hiện liêm chính phải gắn liền với quá trình xây dựng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết của Đảng, quy định pháp luật có liên quan.

    (2) Phải cụ thể hóa các quan điểm của Đảng, pháp luật của nhà nước về xây dựng đạo đức, liêm chính công vụ; đồng thời, phải bảo đảm sự kế thừa các giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức của dân tộc, sự tương thích, hài hoà với các chuẩn mực ứng xử quốc tế và phù hợp với chức năng nhiệm vụ, hoạt động của cơ quan, đơn vị. 

    (3) Xây dựng và bảo đảm thực hiện liêm chính phải bảo đảm phản ánh được mục đích, yêu cầu, nội dung của chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động công vụ của CBCC trong các cơ quan, tổ chức và trong các ngành, lĩnh vực nhất định. 

    (4) Bảo đảm sự thống nhất giữa nhận thức và hành động, giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế với việc bảo đảm thực hiện một cách thống nhất, thực chất trong thực tiễn.

    (5) Phải tạo được sự đồng thuận xã hội, sự tham gia của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân vào các nỗ lực chung cũng như sự kết hợp đồng bộ của nhiều giải pháp (truyền thông, giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý,…) trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chuẩn mực liêm chính.

    (6) Xây dựng và tăng cường liêm chính không thể tách rời với tăng cường đạo đức công vụ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng Đảng, “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. 

    (7) Xây dựng và tăng cường liêm chính là trách nhiệm công vụ, là sứ mệnh và trách nhiệm đạo đức, tính gương mẫu của đội ngũ lãnh đạo, trước hết và đặc biệt quan trọng là của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. 

    (8) Xây dựng và tăng cường liêm chính không chỉ bảo đảm cho đội ngũ CBCC có nhận thức đúng, thực hiện đúng các chuẩn mực ứng xử liêm chính mà phải hướng tới mục tiêu to lớn và bền vững hơn đó là kiến tạo được một nền văn hóa liêm chính. 

    3. Giải pháp tăng cường liêm chính trong xây dựng đạo đức công vụ và trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị

    Về thể chế 

    Thứ nhất, rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế về đạo đức công vụ nói chung, liêm chính nói riêng. thông qua công tác rà soát thể chế góp phần phát hiện các quy định không còn phù hợp, mâu thuẫn, chồng chéo. Cần chú ý bảo đảm yêu cầu tương thích, sự hài hòa của các chuẩn mực liêm chính giữa các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Sớm hiện thực hóa chủ trương ban hành Luật Đạo đức công vụ và các quy định pháp luật có liên quan (như Luật Kiểm soát xung đột lợi ích), để từng bước đồng bộ hóa về thể chế, chính sách về liêm chính nói chung. 

    Thứ hai, sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ, chính sách cho CBCC, viên chức bảo đảm sự công bằng và phù hợp với sự biến động mức sống chung; từng bước nâng dần mức lương dành cho CBCC, viên chức, bảo đảm cho CBCC có thể sống được bằng lương. trong đó, cần chú ý hoàn thiện, đồng bộ hóa các quy định về chế độ dưỡng liêm cho CBCC, nhất là đối với một số ngành, khâu hoạt động đặc thù, chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp bởi các rủi ro liêm chính. 

    Thứ ba, nghiên cứu, nội luật hóa các chuẩn mực về liêm chính trong các Điều ước mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời, tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về xây dựng, đảm bảo thực hiện các chuẩn mực liêm chính công vụ góp phần hoàn thiển thể chế về liêm chính công vụ ở Việt Nam. 

    Thứ tư, cần thiết phải xây dựng bộ quy tắc liêm chính cho ngành, các cơ quan, đơn vị. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng bởi, bên cạnh các chuẩn mực đạo đức công vụ, liêm chính mang tính nguyên tắc, phổ quát chung cho hệ thống chính trị, thì một đòi hỏi khách quan và thực tế phải ban hành Bộ quy tắc liêm chính của từng cơ quan đơn vị, được chính đội ngũ CBCC, viên chức của đơn vị đó cùng nhau đóng góp ý kiến, thống nhất xây dựng, từ đó bảo đảm sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm nghề nghiệp của các nhóm CBCC trong từng cơ quan, đơn vị nhất định, góp phần phát huy tinh thần tự giác, tôn trọng và tuân thủ của mỗi thành viên.

    Các Bộ quy tắc liêm chính phải thể hiện được các yêu cầu cơ bản là: (1) Thể hiện được, quan điểm chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước về các chuẩn mực của đạo đức công vụ và gắn liền với chức năng, nhiệm vụ hoạt động của từng ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị (ví dụ: Các chuẩn mực liêm chính công vụ của cán bộ, đảng viên ngành Nội chính Đảng; các chuẩn mực liêm chính công vụ của CBCC ngành tư pháp;…). (2) Có sự phân định cụ thể đổi với các chủ thể thực thi công vụ trong cơ quan, đơn vị; trong đó, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như các chức danh lãnh đạo, điều hành cơ quan, đơn vị. (3) Bảo đảm tính chuẩn mực, cụ thể, rõ ràng trong việc chế định các hành vi xử sự trong các lĩnh vực công tác, mối quan hệ công vụ, hoạt động công vụ cụ thể. (4) Kết hợp thống nhất, hài hòa, nhất quán giữa các quy tắc đạo đức công vụ với quy định về chức trách, nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí việc làm của các nhóm đối tượng CBCC trong cơ quan, đơn vị. (5) Xác lập được cơ chế giám sát liêm chính công vụ nhằm bảo đảm sự hoạt động này được triển khai một cách dân chủ, minh bạch, thực chất. 

    Về tổ chức thực hiện 

    Thứ nhất, đẩy mạnh giáo dục liêm chính trong cơ quan, đơn vị: Liêm chính trong hoạt động công vụ trước hết là vấn đề đạo đức (đạo đức công vụ) song cũng hàm chứa trong đó các yếu tố chuyên môn, nghề nghiệp, do đó, giáo dục liêm chính có vai trò vô cùng to lớn, không chỉ là việc truyền cảm hứng, thúc đẩy sự tôn trọng, tự giác tuân thủ các giá trị đạo đức tốt đẹp, chân chính mà cần thiết phải chuyển tải, hướng dẫn cách hiểu đúng và vận dụng đúng các kiến thức, kỹ năng thực hành liêm chính trong hoạt động công vụ. Cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống gắn với giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng. Cần thiết phải đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng về liêm chính vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho CBCC hằng năm. Nghiên cứu đưa chuyên đề giáo dục liêm chính vào chương trình giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Tham khảo kinh nghiệm giáo dục liêm chính của một số quốc gia và tổ chức quốc tế (điển hình như kinh nghiệm giáo dục liêm chính cho công chức của Nhật Bản, Hàn Quốc). 

    Thứ hai, đẩy mạnh công tác truyền thông về liêm chính trong hoạt động công vụ. Cần chú trọng đa dạng hóa các hình thức, phương thức truyền thông. Đồng thời, các cơ quan có trách nhiệm cũng cần đánh giá các tồn tại, bất cập trong hoạt động truyền thông trên nguyên tắc: Phải bảo đảm tính liêm chính ngay trong chính hoạt động truyền thông về liêm chính để có các biện pháp quản lý đồng bộ, chặt chẽ.

    Thứ ba, tập trung rà soát, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, phương thức đào tạo, bồi dưỡng, thi tuyển, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, các chức danh trong hệ thống công vụ theo hướng nâng cao và cụ thể hóa tiêu chuẩn về chính trị,
phẩm chất, đạo đức công vụ, liêm chính, chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, chú trọng yêu cầu công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, từ quy hoạch, tuyển dụng, bộ nhiệm, luân chuyển, điều động, khen thưởng, xử lý vi phạm; trong đó, cần tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế và cơ chế hoạt động trong các lĩnh vực thực thi công vụ, các khâu trong thực hiện chức trách, quy trình công vụ của CBCC có trực tiếp gắn liền với quản lý tài sản công, các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tình huống xung đột lợi ích,…

    Quan tâm xây dựng cơ chế giám sát trách nhiệm công vụ và đạo đức công vụ của người đứng đầu; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần phải được minh bạch hóa trong quy định cũng như nội dung hoạt động dân chủ cơ sở của cơ quan, đơn vị; trách nhiệm nêu gương phải được thực hiện một cách thực chất, công khai và toàn diện (trên các mặt: tư tưởng chính trị; đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình, phê bình; quan hệ với nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật; đoàn kết nội bộ); tăng cường cơ chế giám sát quyền lực và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị, bảo đảm sự giải trình một cách đúng đắn, trung thực và đầy đủ về các nội dung thuộc trách nhiệm giải trình trước cấp trên, đối với cấp dưới và đối với xã hội; xác định sự tuân thủ liêm chính như là một tiêu chí để đánh giá, bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ, đưa hình thức cam kết tuân thủ liêm chính của CBCC ngay từ khi được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.

    Thứ tư, kiến tạo môi trường công vụ minh bạch, công bằng và bảo đảm trách nhiệm tuân thủ của tất cả các ngành, các cấp. Trong đó, trọng tâm là phải tăng cường xây dựng nền văn hóa công vụ, tạo môi trường thuận lợi nhất để phát huy những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp; khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ của đội ngũ CBCC, coi đó là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển của nền hành chính Việt Nam trong thời gian tới. 

    Thứ năm, đẩy mạnh yêu cầu chuyển đổi số trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Chuyển đổi số không chỉ góp phần tăng cường hiệu suất và tiện ích của các dịch vụ công, đồng thời, bảo đảm tính minh bạch, công khai trong các quy trình, thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho sự kiểm tra và giám sát chặt chẽ việc thực thi công vụ nói chung, giám sát trách nhiệm tuân thủ liêm chính công vụ nói riêng.

    Thứ sáu, bảo đảm thực chất vai trò của giám sát liêm chính trong hoạt động công vụ. Cần bảo đảm tính đồng bộ giữa: (1) Cơ chế giám sát của cơ quan dân cử, (2) Cơ chế giám sát trong nội bộ cơ quan nhà nước, (3) Cơ chế giám sát xã hội. Trong đó, cần coi trọng vai trò tham gia của xã hội, các tổ chức quần chúng, truyền thông, báo chí trong công tác giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội đối với việc thực thi trách nhiệm công vụ nói chung, tuân thủ liêm chính công vụ nói riêng.

    Thứ bảy, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước; hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý CBCC trong công tác và sinh hoạt, thường xuyên quan tâm, nhắc nhở và yêu cầu CBCC thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, thực hiện tốt quy định về những điều đảng viên không được làm, quy tắc ứng xử đạo đức của CBCC trong cơ quan, đơn vị.

    (1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG-St, H.2011, t.5, tr.640.
    (2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292.
    (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.6, tr.126.
    (4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.5, tr.262.
    (5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611-612.

    TS. Trương Hồng Hải
(Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Ngân hàng Hà Nội)

.