Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng
(BNCTW) - Sáng 24-9, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng". Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương; các cơ quan thuộc khối Nội chính Trung ương; các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia, tổ chức quốc tế; đại diện lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Toàn cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Việt Nam thời gian qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn nhiều khó khăn, thách thức chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Theo kế hoạch, dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) đang được các cơ quan chức năng nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII nhằm góp phần hoàn thiện các cơ chế, quy định pháp luật về phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng. Do vậy, việc UNDP phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo "Hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng" với mục đích chia sẻ thông tin, trao đổi những vấn đề xung quanh Bộ luật tố tụng hình sự cũng như đề xuất hoàn thiện Bộ luật này có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Các đại biểu đã nghe các Báo cáo và thảo luận về các vấn đề: Đánh giá thực trạng của Bộ luật tố tụng hình sự có liên quan đến việc giải quyết các vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế có yếu tố tham nhũng; những vướng mắc, khó khăn trong tố tụng hình sự liên quan đến phát hiện xử lý vụ án tham nhũng, vụ án kinh tế có yếu tố tham nhũng; các kiến nghị hoàn thiện Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện, xử lý hiệu quả tội phạm tham nhũng; một số kinh nghiệm quốc tế về tố tụng hình sự trong giải quyết vụ án tham nhũng và kiến nghị cho Việt Nam; xử lý tội phạm tham nhũng thông qua hệ thống tư pháp trong sạch vững mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn cho rằng: Công tác đấu tranh PCTN, trong đó có việc phát hiện, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp có rất nhiều lực cản. Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự đối với các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, Bộ luật tố tụng hình sự vẫn còn những bất cập, hạn chế làm giảm hiệu quả phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng như: quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tin báo về tội phạm nhưng không có chế tài xử lý vi phạm; chưa có biện pháp hiệu lực bảo vệ người tố giác tội phạm; quy trình, trách nhiệm giải quyết tin báo tội phạm còn thiếu chặt chẽ; thẩm quyền điều tra các vụ án tham nhũng chưa được phân định một cách cụ thể, rõ ràng giữa các cơ quan điều tra; chưa có đầy đủ các biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng trong việc quản lý, kê biên, nắm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản; đối tượng chứng minh thiếu cụ thể; vấn đề luật hóa các biện pháp ngoài tố tụng; cơ chế phối hợp, chế ước trong tố tụng hình sự chưa rõ ràng, chưa phù hợp với bản chất tố tụng tư pháp…
Ý kiến tại Hội thảo đã đưa ra những kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm nâng cao hiệu quả điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng như: nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện tin báo về tội phạm tham nhũng cho cơ quan có thẩm quyền; bổ sung Điều 103 Bộ luật tố tụng hình sự quy định cho phép Cơ quan điều tra có quyền áp dụng các biện pháp điều tra theo quy định của Bộ luật để xác minh tin báo, tố giác tội phạm, đảm bảo cho các biện pháp xác minh có căn cứ pháp lý, hợp pháp và hiệu quả, tôn trọng quyền con người; bổ sung thêm Điều 63 Bộ luật tố tụng hình sự một đối tượng chứng minh; bổ sung các biện pháp điều tra đặc biệt để áp dụng trong phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng, xâm phạm an ninh quốc gia và một số tội phạm khác; cần tăng cường nghiên cứu, đàm phán để ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp song phương với các nước khác, tạo cơ sở về dẫn độ cũng như chuyển giao tài sản tham nhũng theo nguyên tắc có đi có lại…
Cũng tại Hội thảo, TS Sarah Dix, Cố vấn chính sách UNDP đã giới thiệu nội dung hạn chế rủi ro tham nhũng trong chuỗi hệ thống tư pháp hình sự, đồng thời nhấn mạnh, khi xử lý tội phạm tham nhũng cần có cơ chế để người dân tham gia gồm: cơ chế để người dân tố giác tội phạm tham nhũng; cơ chế bảo vệ người tố giác tội phạm tham nhũng; cơ chế tiếp nhận ý kiến phản hồi của người dân; cơ chế để công chúng tiếp cận thông tin về quá trình tố tụng; cơ chế để công chúng theo dõi quá trình tố tụng và theo dõi các vụ việc đang được xử lý…
Đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận |
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Doãn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao các Báo cáo, tham luận được trình bày tại Hội thảo; các ý kiến phát biểu, thảo luận đã tập trung đi sâu phân tích những kết quả đạt được và đặc biệt là những tồn tại, hạn chế trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng; chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế cùng với các đề xuất, kiến nghị cụ thể, khả thi cho Việt Nam.
Để công tác đấu tranh PCTN thực sự có chuyển biến tích cực, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương lưu ý một số vấn đề như: (1) Cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa mục tiêu, quan điểm, giải pháp được nêu trong các nghị quyết, kết luận của Đảng liên quan đến công tác PCTN, trong đó cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng. (2) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định tố tụng hình sự nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tin báo tố giác tội phạm tham nhũng, nghiên cứu và ban hành một luật chuyên biệt để bảo vệ người làm chứng và người tố giác tội phạm tham nhũng. (3) Coi trọng đổi mới cơ chế để tăng cường thẩm quyền, năng lực bảo đảm tính độc lập và tính khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng trong giải quyết các vụ án tham nhũng, phân định thẩm quyền điều tra các vụ án tham nhũng một cách cụ thể, rõ ràng giữa các cơ quan điều tra. (4) Hoàn thiện cơ chế phối hợp, chế ước trong tố tụng hình sự giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý các vụ án tham nhũng để tạo điều kiện giải quyết các vụ việc khách quan, kịp thời cũng như có sự giám sát chặt chẽ. (5) Sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật để đảm bảo hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, quy định cụ thể, chi tiết thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn trong việc quản lý, kê biên, nắm giữ, tịch thu tài sản, phong tỏa tài khoản. (6) Công tác hợp tác quốc tế về PCTN nói chung và phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng nói riêng cần được tiếp tục mở rộng, đặc biệt là hợp tác tư pháp hình sự trong việc phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm tham nhũng, chế định dẫn độ tội phạm và chuyển giao tài sản tham nhũng.
Hồng Hải - Đăng Linh