Hội thảo sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
(BNCTW) - Ngày 08-12-2015, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo). Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chủ trì Hội thảo.
Thực hiện chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước triển khai xây dựng dự thảo Báo cáo sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Quang cảnh Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến sát thực, tâm huyết để Tổ Biên tập đưa vào báo cáo trình Ban Chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong nhiệm kỳ tới. Từ đó có những sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm thực hiện tốt công tác phối hợp, tăng cường sức mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Theo dự thảo Báo cáo sơ kết, qua 03 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo đã có nhiều cố gắng và đổi mới trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Thành viên Ban Chỉ đạo ý thức cao và làm việc có trách nhiệm, nghiêm túc, đạt được những kết quả quan trọng. Thành phần của Ban Chỉ đạo được mở rộng nên sự chỉ đạo bao quát, toàn diện hơn, có trọng tâm, trọng điểm, chọn những khâu, việc khó khăn, vướng mắc nhất trong công tác phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo tháo gỡ. Phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo liên tục được cải tiến và ngày càng hoàn thiện. Ban Chỉ đạo luôn coi trọng và đảm bảo nguyên tắc không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng không bao biện làm thay hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng; xử lý tốt mối quan hệ giữa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với việc bảo đảm tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng chủ động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo đúng quy định của pháp luật.
Do có Cơ quan Thường trực chuyên trách giúp việc nên hiệu quả công việc của Ban Chỉ đạo được nâng lên. Hầu hết những nội dung quan trọng trong Chương trình công tác trọng tâm hàng năm của Ban Chỉ đạo đều đã được thực hiện nghiêm túc và hoàn thành theo kế hoạch.
Đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc, điều phối hoạt động của Ban Chỉ đạo, hoạt động của các Thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo tích cực chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công.
Kết quả trên khẳng định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban và tái lập Ban Nội chính Trung ương là đúng đắn. Mô hình, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo về cơ bản phù hợp với hệ thống chính trị và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam; đảm bảo tính độc lập tương đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; bước đầu đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Ban Chỉ đạo còn một số hạn chế trong công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư chủ trương, định hướng, giải pháp lớn về phòng, chống tham nhũng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; xử lý khiếu nại, tố cáo về hành vi tham nhũng; chỉ đạo phối hợp kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra trong phòng, chống tham nhũng…
Các ý kiến tham luận tập trung vào vấn đề kiện toàn lại tổ chức của Ban Chỉ đạo; Ban Chỉ đạo không nằm trong hệ thống chính trị, hệ thống các ban Đảng nên rất khó quy định chức năng, nhiệm vụ; Ban Chỉ đạo không giải quyết các vụ việc cụ thể mà chủ yếu chỉ yêu cầu, kiến nghị mà không có một chế tài nào bảo đảm các yêu cầu, kiến nghị xử lý đó có được thực hiện hay không; Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo phải có một bộ phận chuyên trách về công tác phòng, chống tham nhũng; những hạn chế trong vấn đề hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Về lâu dài cần nghiên cứu mô hình Ban Chỉ đạo tổng hợp tham mưu cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch Nước về công tác phòng, chống tham nhũng …
Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá ý kiến phát biểu được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, rất tâm huyết và có nhiều ý kiến giá trị. Qua Hội thảo đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ. Các đại biểu cùng thống nhất lĩnh vực phòng, chống tham nhũng rất phức tạp; khẳng định sự cần thiết của Ban Chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng; sau khi sơ kết Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) thì việc thành lập Ban Chỉ đạo là đúng đắn; cần có đánh giá khách quan về những việc đã làm được và chưa làm được để tìm ra nguyên nhân, giải pháp, từ đó tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng...
Ban tổ chức ghi nhận và tiếp thu những ý kiến, đề xuất của các đại biểu, bổ sung, hoàn thiện Báo cáo sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo để bước sang nhiệm kỳ mới Bộ Chính trị, Ban Bí thư có những điều chỉnh bổ sung để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Cù Tất Dũng