BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG: Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2016 ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên (Cụm số 3)

Thứ Hai, 18/07/2016, 15:00 [GMT+7]
    Ngày 15-7-2016, tại thành phố Quy Nhơn tỉnh Bình Định, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng đầu năm 2016 ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung, Tây Nguyên (Cụm số 3), gồm 15 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu khai mạc và kết luận Hội nghị. 
 
    Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định tới dự Hội nghị.
 
Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị
    Theo báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2016, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy Cụm 3 đã triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả như sau: 
 
    (1) Công tác tham mưu, đề xuất: 6 tháng qua, ban nội chính các tỉnh, thành ủy trong cụm đã tham mưu cho ban thường vụ, thường trực các tỉnh ủy, thành ủy ban hành 181 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính và PCTN; cụ thể hóa các văn bản của Trung ương để triển khai thực hiện ở địa phương; tham mưu xây dựng Chương trình hành động của tỉnh, thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố về công tác nội chính và PCTN; ban hành mới 18 quy chế phối hợp với các ngành liên quan trong lĩnh vực nội chính và PCTN; ban hành nhiều công văn chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành chức năng triển khai một số công tác, xử lý các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 
 
    Triển khai thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã tham mưu cho thường trực tỉnh, thành ủy quán triệt, triển khai và ban hành kế hoạch, chương trình thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. 
 
    Qua việc theo dõi, nắm tình hình, ban nội chính các tỉnh, thành ủy đã chủ động tham mưu, đề xuất đưa 79 vụ việc, vụ án vào diện ban thường vụ tỉnh, thành ủy theo dõi, chỉ đạo, trong đó nhiều nhất là Đà Nẵng với 17 vụ án, vụ việc; Gia Lai với 13 vụ việc, vụ án. 
 
    Trong Cụm số 3, có 31 vụ việc, vụ án được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN giao, đến nay đã đề nghị đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo, đôn đốc là 17/31 vụ. Số vụ việc, vụ án tỉnh, thành ủy giao ban nội chính theo dõi, đôn đốc là 91 vụ, đã giải quyết dứt điểm 15/91 vụ việc. 
 
    Ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy đã chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng, kịp thời xác minh, làm rõ nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo, rải tờ rơi nói xấu cán bộ (chủ yếu là thư nặc danh) đối với một số trường hợp ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, ổn định dư luận, đảm bảo an ninh trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa IV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; thường xuyên theo dõi, tiếp nhận thông tin, hoạt động của các tôn giáo, dân tộc trên địa bàn, kịp thời tham mưu với cấp ủy các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động gây rối, phá hoại của các thế lực thù địch, không để xảy ra tình trạng bất ngờ về an ninh quốc gia, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn. Ban nội chính các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã nắm bắt tình hình, mức độ ảnh hưởng ô nhiễm môi trường làm hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, đồng thời tham mưu các giải pháp khắc phục hậu quả, nhanh chóng ổn định tình hình; ban nội chính các tỉnh Tây Nguyên tham mưu cho cấp ủy địa phương chỉ đạo các ngành chức năng chủ động, phối hợp nắm tình hình, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tổ chức Fulro, “Tin lành Đề ga”… Bên cạnh đó, ban nội chính một số địa phương đã tham mưu cho ban thường vụ các tỉnh, thành ủy thành lập bộ phận giúp việc cấp ủy về nội chính và PCTN tại các quận, huyện và tương đương; tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo hoạt động, kiện toàn tổ chức các cơ quan khối Nội chính nhằm nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; tổ chức các cuộc giao ban hàng quý, 6 tháng về công tác nội chính và PCTN ở địa phương để chỉ đạo cấp ủy các cấp, các ngành phối hợp giải quyết các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
 
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu kết luận Hội nghị
    (2) Công tác hướng dẫn, kiểm tra: Thực hiện Chương trình công tác năm 2016, hầu hết ban nội chính các tỉnh, thành ủy đã tham mưu cho thường trực tỉnh, thành ủy ban hành Kế hoạch rà soát các cuộc thanh tra kinh tế, xã hội năm 2015 ở địa phương; phối hợp với Ủy ban Kiểm tra cùng cấp tham mưu đưa nội dung kiểm tra, giám sát công tác nội chính và PCTN vào chương trình kiểm tra, giám sát năm 2016 và nhiệm kỳ 2015-2020 của Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy; tham mưu cho thường trực tỉnh, thành ủy ban hành 179 văn bản hướng dẫn, đôn đốc công tác nội chính và PCTN ở địa phương (hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo; kê khai tài sản, thu nhập; xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; đôn đốc mộ số vụ việc, vụ án…); tổ chức 06 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ với 1.501 học viên tham gia (trong đó Ban Nội chính tỉnh ủy Kon Tum kết hợp phát hành 100 băng đĩa CD tuyên truyền). 
 
    6 tháng đầu năm, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trong cụm đã tiến hành 55 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác PCTN, trong đó Ban Nội chính tỉnh Phú Yên thực hiện được 10 cuộc, Ban Nội chính tỉnh Lâm Đồng thực hiện được 08 cuộc, Ban Nội chính tỉnh Quảng Trị thực hiện được 07 cuộc. 
 
    (3) Công tác thẩm định: Trong 06 tháng, các ban nội chính trong cụm đã thẩm định 41 dự thảo đề án, chương trình, kế hoạch, chỉ thị, nghị quyết (trong đó, Ban Nội chính thành ủy Đà Nẵng thẩm định 18 văn bản; Ban Nội chính tỉnh Đắk Nông và Thừa Thiên Huế thẩm định 05 văn bản).
 
    (4) Tham gia công tác cán bộ: Ban nội chính tỉnh, thành ủy đã tham gia ý kiến đối với 402 trường hợp bổ nhiệm, điều động, quy hoạch, khen thưởng... cán bộ (trong đó, Ban Nội chính tỉnh Quảng Ngãi tham gia ý kiến đối với 111 trường hợp, Ban Nội chính tỉnh Phú Yên tham gia ý kiến với 103 trường hợp, Ban Nội chính tỉnh Bình Định tham gia ý kiến với 46 trường hợp). Ngoài ra, một số ban nội chính đã tham gia vào quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 của cấp ủy địa phương.
 
    (5) Thực hiện một số nhiệm vụ khác: 06 tháng qua, ban nội chính các tỉnh, thành ủy trong cụm đã tham gia 164 buổi tiếp công dân; tiếp nhận 1.044 đơn thư khiếu nại, tố cáo (ít hơn 200 đơn, thư so với cùng kỳ năm trước), đã xác minh, tham mưu xử lý 74 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền 489 đơn, lưu 388 đơn (do vụ việc đã có cơ quan giải quyết theo quy định). Các ban nội chính trong cụm đã tham mưu để thường trực tỉnh ủy, thành ủy ban hành 191 báo cáo về công tác nội chính và PCTN; 58 báo cáo chuyên đề, 50 báo cáo các vụ việc phức tạp phát sinh.  
 
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội nghị
    Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu lên một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, đó là: Vì chưa có quy định trong việc tiếp cận hồ sơ, nên rất khó khăn trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy về các vụ việc, vụ án phức tạp, nghiêm trọng mà ban nội chính được giao (chủ yếu dựa trên cơ sở báo cáo của các ngành chức năng). Kinh nghiệm, năng lực thực tiễn của một số cán bộ trong ban nội chính chưa đáp ứng yêu cầu, do đó, công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy các chủ trương, định hướng, xử lý một số vụ việc, vụ án theo quy định còn lúng túng. Thẩm quyền, chức năng, quy trình kiểm tra, giám sát chưa được hướng dẫn; nội dung kiểm tra, giám sát chưa đi vào chiều sâu. Chất lượng tham gia ý kiến về công tác cán bộ chưa cao...
 
    Tại Hội nghị, đa số các ý kiến thống nhất với nội dung đã nêu trong báo cáo. Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất một số kiến nghị, đó là: Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư sửa đổi Quy định 183-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Ban Nội chính Trung ương có văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục mua tin; tổ chức tập huấn, ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình kiểm tra, giám sát; ban hành bộ tiêu chí hoặc hướng dẫn các tiêu chí để ban nội chính tỉnh, thành ủy xác định loại vụ việc, vụ án nào thì đưa vào (hoặc đưa ra) diện theo dõi, đôn đốc (theo 03 cấp độ); hướng dẫn việc chỉ đạo đối với các vụ việc, vụ án phức tạp, dư luận xã hội quan tâm mà các cơ quan tố tụng còn có ý kiến khác nhau...
 
    Thay mặt lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những kết quả đạt được của Cụm 3 trong sáu tháng đầu năm 2016 cũng như những ý kiến đóng góp tích cực, những kinh nghiệm hay mà các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy Cụm số 3 đã mang đến Hội nghị. 
 
    Về nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2016, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương thống nhất với phương hướng, nhiệm vụ đã được nêu trong báo cáo tại Hội nghị; đồng thời nhấn mạnh: (1) Cần làm tốt công tác tham mưu, đề xuất những chủ trương, chính sách về công tác nội chính và PCTN; chủ động nắm tình hình, tham mưu cho cấp ủy giải quyết kịp thời các vấn đề về trật tự, an toàn xã hội, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, dân tộc và các vấn đề phức tạp khác. Đặc biệt, tham mưu cho cấp ủy tổ chức các hội nghị giao ban về lĩnh vực an ninh nội chính; đề xuất cấp ủy kết luận chỉ đạo về lĩnh vực này. (2) Ngoài việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy cần kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán trên địa bàn tỉnh, đồng thời đôn đốc thực hiện nghiêm các kết luận đã ban hành. (3) Tham mưu cho cấp ủy tỉnh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí. (4) Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính ở địa phương; tiếp tục triển khai chương trình kiểm tra, giám sát của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy đối với các cơ quan trong khối Nội chính về công tác nội chính và PCTN theo kế hoạch đề ra từ đầu năm 2016. (5) Tham mưu cho cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. (6) Tham mưu, giúp ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chuẩn bị chu đáo nội dung làm việc với các đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị (nếu có); phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội năm 2015. (7) Tăng cường tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo; đôn đốc các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng kéo dài; tăng cường tham mưu xử lý các thông tin về tiêu cực, tham nhũng. (8) Tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong thực hiện các nhiệm vụ được giao một cách quyết tâm, quyết liệt, kiên trì, sáng tạo và có hiệu quả. (9) Đề nghị các ban nội chính tham gia viết bài cộng tác với Tạp chí Nội chính của Ban Nội chính Trung ương nhằm trao đổi kinh nghiệm trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác nội chính và PCTN; đồng thời, các ban nội chính cần tham mưu với cấp ủy tạo điều kiện đăng ký mua Tạp chí Nội chính cung cấp đến các cấp ủy trong tỉnh làm tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ cho các cấp ủy về công tác này. 
 
    Đối với kiến nghị của một số ban nội chính tỉnh, thành ủy, giao Vụ Địa phương tiếp thu, tổng hợp những đề xuất kiến nghị. Trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị đó, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương sẽ nghiên cứu, trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN có kế hoạch sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đăng Linh
;
.