Ban Nội chính Trung ương: Nâng cao hiệu quả thực hiện Quy chế phối hợp giữa các cơ quan tố tụng Trung ương

Thứ Ba, 12/07/2016, 16:34 [GMT+7]

    Sáng 11-7, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng  ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Hội nghị.

    Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và lãnh đạo một số vụ, đơn vị chức năng thuộc 4 cơ quan phối hợp nói trên.

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

    Theo đánh giá tại Hội nghị, 04 cơ quan đã chủ động trong việc phối hợp nghiên cứu, đề xuất, tham mưu về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; kịp thời phát hiện, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong qun lý nhà nước về kinh tế - xã hội. Nổi bật là, phối hợp phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trong đó phối hợp, tham mưu giúp Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý 243 vụ việc, vụ án thuộc 3 cấp độ trên phạm vi cả nước.

     Các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án các cấp tập trung thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm thuộc lĩnh vực của ngành; thực hiện những kết luận  Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo. Các ngành đã chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo, giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, tồn đọng kéo dài, dư luận xã hội quan tâm thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo, xử lý. Đồng thời, các cơ quan tập trung chỉ đạo thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát do tội phạm kinh tế, tham nhũng gây ra. Tỷ lệ thu hồi tài sản do tội phạm kinh tế, tham nhũng đã tăng so với các năm trước đây. Trung bình 3 năm (2013, 2014, 2015) tỷ lệ tài sản tham nhũng đã thu hồi là 29%, riêng năm 2015 là 44%.

    Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, từng bước thực hiện tốt vai trò điều phối, cùng với các cơ quan phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chủ động nắm bắt tình hình, tham mưu với Ban Chỉ đạo trong chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, phù hợp với tình hình, bảo đảm các yếu tố chính trị, pháp lý, đủ sức răn đe, giáo dục, được dư luận xã hội đồng tình và đánh giá cao

Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộtrưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị

    Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu đánh giá cao những kết quả phối hợp đã đạt được trong thời gian qua; thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác, như: Quan hệ phối hợp giữa cấp vụ, cấp chuyên viên chưa chủ động; việc trao đổi thông tin, cung cấp tài liệu để tham mưu xử lý một số vụ án, vụ việc có lúc còn chậm; việc tổ chức họp lãnh đạo liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong một số vụ việc, vụ án còn chậm; việc chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương trong xử lý án còn hạn chế…

    Tại Hội nghị, đồng chí Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khẳng định, việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác nội chính và PCTN thời gian qua đã góp phần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh phòng, chống tội phạm; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; bảo đảm an ninh, trật tự, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp, nổi bật là: (1) Các cơ quan chức năng đã chủ động, tích cực phối hợp nghiên cứu, tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề xuất Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ bổ sung, sửa đổi ban hành nhiều văn bản quy định về cơ chế, chính sách, pháp luật về nội chính và phòng, chống tham nhũng; xây dựng một số đề án, chỉ thị văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; (2) Lãnh đạo các ngành Công an, Viện Kiểm sát và Tòa án đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại các phiên họp; (3) Ban Nội chính Trung ương -  Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo từng bước thực hiện hiệu quả vai trò điều phối giúp các cơ quan chức năng phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ án; chủ động nắm tình hình, phối hợp tham mưu, đề xuất với Ban Chỉ đạo định hướng, chủ trương xử lý các vụ án, vụ việc kinh tế tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; đồng thời, chủ động phục vụ chu đáo, hiệu quả các phiên họp của Ban Chỉ đạo.

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng  Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị

    Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng  ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nhấn mạnh, mặc dù việc thực hiện Quy chế phối hợp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, song đã đạt được một số kết quả nổi bật, đó là: 

    Thứ nhất, các cơ quan chủ động, trách nhiệm, phối hợp có hiệu quả trong công tác tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng;

    Thứ hai, phối hợp triển khai có hiệu quả chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, nhất là phối hợp xây dựng Kế hoạch và triển khai 07 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong năm 2015 về kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 04 bộ và 10 địa phương; xây dựng Kế hoạch và thành lập 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng năm 2016.

    Thứ ba, nâng cao hiệu quả phối hợp trong tham mưu, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm thuộc 3 cấp độ, nhất là vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

    Ngoài việc phối hợp tổ chức họp án liên ngành, các cơ quan đã quan tâm việc trao đổi thông tin, tài liệu về nội dung, tiến độ, quan điểm, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc; phối hợp đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; phối hợp chặt chẽ trong tham mưu, đề xuất những vụ án, vụ việc đưa vào, đưa ra khỏi diện Ban Chỉ đạo theo dõi; trong tham mưu báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Ban Chỉ đạo về đường lối xử lý một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; nhất là phối hợp tham mưu, chỉ đạo quyết liệt để đưa 08 vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, dư luận quan tâm ra xét xử sơ thẩm trước Đại hội XII của Đảng, được dư luận đồng tình, đánh giá cao…

Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng  Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao

    Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lưu ý một số nội dung: (1) Phối hợp, hoàn thành xây dựng cơ chế chỉ đạo phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; Đề án “Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo”; (2) Phối hợp phát hiện, tham mưu đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập của chính sách pháp luật về nội chính và phòng, chống tham nhũng; (3) Phối hợp triển khai có hiệu quả 07 Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo Kế hoạch số 16-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo và Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW của Ban Chỉ đạo về thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 12/CT-TTgcủa Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; (4) Rà soát, chỉ đạo thực hiện nội dung các kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo, cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo từ khi thành lập đến nay có liên quan đến các cơ quan phối hợp; (5) Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp có hiệu quả hơn trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; (6) Tăng cường phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nội chính địa phương nói chung và các cơ quan tiến hành tố tụng nói riêng xử lý tình hình nổi lên về an ninh - trật tự và những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, vụ việc về nội chính và phòng, chống tham nhũng; (7) Quan tâm phối hợp, chỉ đạo khắc phục vướng mắc trong quan hệ phối hợp giữa cấp chuyên viên, cấp vụ, cục…

Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao
Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương trao Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho lãnh đạo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao

    Cũng tại Hội nghị, Ban Nội chính Trung ương đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Nội chính Đảng cho lãnh đạo Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có nhiều đóng góp trong công tác nội chính Đảng.

Đặng Phước

;
.