Hội thảo "Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam"

Thứ Tư, 17/10/2018, 17:11 [GMT+7]

Ngày 17-10-2018, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo“Bảo đảm tính thống nhất giữa Luật phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam”. Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương và Bà Caitlin Wiesen-Antin, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo.

Tham dự có đại diện Đại sứ quán Anh tại Việt Nam; các chuyên gia của UNDP, các đại biểu là nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm thực tiễn của một số cơ quan của Quốc hội, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,… và cán bộ, chuyên viên các vụ, đơn vị của Ban Nội chính Trung ương.

Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Bà Caitlin Wiesen-Antin, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Bà Caitlin Wiesen-Antin, Giám đốc Chương trình phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam chủ trì Hội thảo

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) lần này là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có tác động sâu sắc đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Vì thế ý kiến đóng góp, phân tích, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo này góp phần cung cấp thông tin, dữ liệu để các đại biểu Quốc hội xem xét, cân nhắc trước khi biểu quyết thông qua. Theo dự kiến Luật PTCN sửa đổi sẽ được thảo luận và biểu quyết vào kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XIV tới đây.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN 2015 được thực hiện trong bối cảnh trải qua hơn 10 năm thực hiện, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định xong “công tác PCTN, lãng phí chưa đạt được yêu cầu đề ra. Quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với những biểu hiện tinh vi phức tạp, chưa được ngăn chặn đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”. Quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PCTN nói riêng và hoàn thiện pháp luật PCTN nói chung cần khắc phục một trong nhũng nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thực thi pháp luật kém hiệu quả trên thực tế, đó là tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật chưa được bảo đảm. Do vậy, việc nghiên cứu, đánh giá tính thống nhất của Luật PCTN trong hệ thống pháp luật là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các ý kiến, trao đổi đóng góp của các đại biểu tập trung vào những nội dung sau: Phòng ngừa xung đột lợi ích; kiểm soát tài sản, thu nhập; chế tài, quy định về xử lý tham nhũng; xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước (khu vực tư).

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao sự tham gia góp ý thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước, qua đó đã cung cấp nhiều thông tin, luận chứng, phản biện quan trọng để các cơ quan chức năng nghiên cứu, thảo luận, xem xét quyết định các nội dung còn có ý kiến khác nhau để làm cơ sở cho quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng và cả hệ thống pháp luật của Việt Nam nói chung.

Tạ Anh Hưng

.