Giao ban công tác nội chính các tỉnh, thành phía Nam quý I-2019
Sáng ngày 05-4, tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, kết quả công tác nội chính quý I năm 2019. Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang chủ trì Hội nghị.
Tham dự giao ban có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương tại phía Nam, 22 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam và cán bộ, công chức Vụ Công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương.
Quang cảnh Hội nghị |
Theo báo cáo tại Hội nghị, trong quý I-2019, tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh phía Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt triển khai các chỉ thị, nghị quyết, quy định pháp luật mới của Trung ương liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 an toàn, lành mạnh, không để có sự cố, vấn đề nghiêm trọng nào xảy ra.
Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục phát huy cao độ vai trò tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy trong công tác nội chính; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác nắm tình hình, không để bị động, bất ngờ. Các tỉnh có biên giới biển và biên giới trên bộ luôn chủ động phối hợp, triển khai các phương án để ứng phó kịp thời, có hiệu quả những tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tới an ninh biên giới, an ninh tôn giáo, dân tộc.
Các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện kịp thời, hiệu quả các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước liên quan đến công tác tôn giáo, dân tộc; công tác phát triển đảng, bồi dưỡng cán bộ, người có đạo, người dân tộc thiểu số đều được quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo, bố trí, sử dụng. Người dân tộc thiểu số được kết nạp đảng tăng dần qua các năm ở tất cả các tỉnh, thành phía Nam. Đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng tôn giáo và dân tộc thiểu số được củng cố và phát triển, đã phát huy tốt vai trò của mình; công tác tuyên truyền, phổ biến, đấu tranh phòng, chống các biểu hiện, luận điệu xuyên tạc, sai sự thật, các hành vi lôi kéo, chống phá liên quan tôn giáo, dân tộc được cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng phối hợp triển khai kịp thời và hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung, đi sâu thảo luận, phân tích tình hình, vấn đề bức xúc, nhạy cảm tác động tới an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương gắn liền với các vấn đề tôn giáo, dân tộc. Theo đề xuất của các đại biểu, để giữ ổn định tình hình tôn giáo, dân tộc thì cần đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; có hướng dẫn chi tiết về thực hiện pháp luật về tôn giáo; quy định cụ thể trong quản lý các hệ phái, dòng, họ đạo, không để tình trạng “biến gia thành tự”; quy định, quy hoạch chi tiết, cụ thể đất đai dành cho tôn giáo, các cơ sở thờ tự; tăng cường công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, không để các đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây rối an ninh, trật tự; tạo điều kiện để đảng viên là người có đạo phát huy tốt vai trò cầu nối giữa quần chúng với đảng viên, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc…
Đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị |
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phạm Gia Túc, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao kết quả công tác tham mưu của các cơ quan Trung ương và 22 ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Nam thời gian qua. Đồng chí lưu ý, đây là địa bàn có vị trí trọng yếu, nếu an ninh, trật tự không ổn định sẽ ảnh hưởng tới toàn quốc; vấn đề tôn giáo, dân tộc luôn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp, là lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị luôn tìm cơ hội để chống phá. Các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy cần phối hợp chặt với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện các sai phạm, đồng thời giải quyết dứt điểm, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật; nghiên cứu, tham khảo, triển khai các cách làm hay, hiệu quả nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.
Các ý kiến của các đại biểu sẽ được tổng hợp, báo cáo với Trung ương, với các cơ quan chức năng để kịp thời có biện pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo, dân tộc trong thời gian tới.
Cù Tất Dũng