Ban Nội chính Trung ương: Hội nghị giao ban Cụm với chuyên đề "Tham nhũng vặt - Nhận diện và giải pháp phòng, chống"
Thứ Tư, 31/07/2019, 17:43 [GMT+7]
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp 16 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về “tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt”, ngày 31-7, tại tỉnh Yên Bái, Ban Nội chính Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị giao ban Cụm khu vực miền núi phía Bắc (Cụm thi đua số 1) nhằm: (1) Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ban nội chính tỉnh ủy các tỉnh khu vực phía Bắc; (2) Thảo luận chuyên đề “Tham nhũng vặt - Nhận diện và giải pháp phòng, chống”. Các đồng chí: Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Dương Văn Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đồng chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Tham dự Hội nghị có gần 100 đại biểu, gồm các đồng chí: Lãnh đạo, chuyên viên của 14 ban nội chính tỉnh ủy thuộc Cụm thi đua số 1 (Bắc Giang; Bắc Kạn; Cao Bằng; Điện Biên; Hà Giang; Hòa Bình; Lai Châu; Lạng Sơn; Lào Cai; Phú Thọ; Sơn La; Thái Nguyên; Tuyên Quang và Yên Bái); đại biểu cụm trưởng Cụm Thi đua số 2 (Ban Nội chính tỉnh ủy Ninh Bình); đại diện các cơ quan khối Nội chính thuộc Tỉnh ủy Yên Bái; đại diện Lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương.
Theo báo cáo tại Hội nghị cho thấy:
(1) Về kết quả 6 tháng đầu năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm 2019, các ban nội chính tỉnh ủy Cụm thi đua số 1 đã triển khai và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chương trình công tác đã đề ra, đảm bảo công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp. Tiêu biểu là các nội dung: Chủ động, tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng, ban hành 159 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trên địa bàn. Nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lựa chọn 24 vụ, việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy theo dõi, chỉ đạo; tiếp tục theo dõi 123 vụ, việc; tham mưu xử lý 1.808 đơn thư.
Thực hiện 45 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Thẩm định và tham gia ý kiến đối với 114 văn bản trước khi trình thường trực tỉnh ủy, ban thường vụ tỉnh ủy; chủ trì xây dựng Đề án “Hệ thống cơ sở dữ liệu về tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn”.
Đồng chí Dương Văn Thống, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái phát biểu |
(2) Về thực hiện Kế hoạch thi đua chuyên đề. Thực hiện Kế hoạch số 142-KH/BNCTW ngày 26-2-2019 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn”, ngay từ đầu năm, các ban nội chính tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch, phát động cán bộ, công chức đẩy mạnh triển khai thực hiện. Đến nay đã phát hiện, đề nghị xử lý 02 vụ án, 02 hành vi “tham nhũng vặt” và 03 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị chuyển cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.
Tại Hội nghị, đã có 11 ý kiến phát biểu nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2019 (làm rõ kết quả, hạn chế, những khó khăn vướng mắc và đề xuất, kiến nghị); tập trung thảo luận, đi sâu vào làm rõ khái niệm “tham nhũng vặt”; các phương thức nhận diện, nội hàm, động cơ, mục đích cũng như những biểu hiện “tham nhũng vặt” trong đời sống xã hội; nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện phòng, chống hiện tượng “tham nhũng vặt” đối với thực tế từng địa phương. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” trong thời gian tới….
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của các ban nội chính tỉnh ủy Cụm thi đua số 1 trong thực hiện nhiệm vụ công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2019 cũng như tích cực triển khai Kế hoạch số 142-KH/BNCTW ngày 26-2-2019 của Ban Nội chính Trung ương về thi đua chuyên đề giai đoạn 2019-2020 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện và tham mưu xử lý các vụ án tham nhũng, các hành vi “tham nhũng vặt” xảy ra trên địa bàn”.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị |
Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị các ban nội chính tỉnh ủy khu vực miền núi phía Bắc bám sát vào Kế hoạch công tác năm, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Phiên họp 16 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình an ninh trật tự, tình hình Biển Đông, biên giới, tình hình dân tộc, tôn giáo… để tham mưu cho tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ trong tình hình hiện nay.
Đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng phòng, chống “tham nhũng vặt” được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong 9 nhóm nhiệm vụ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. “Tham nhũng vặt” giá trị nhỏ nhưng tác hại rất lớn, xảy ra ở các cấp, các ngành, chủ yếu xảy ra ở các cơ quan công quyền, cơ quan Nhà nước, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ công chức, vào bộ máy nhà nước.
Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt”, cần tập trung phối hợp, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và tham nhũng vặt; loại khỏi bộ máy nhà nước cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; xác định rõ và xử lý nghiêm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, địa phương, đơn vị mình phụ trách, quản lý; rà soát quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước liên quan đến cơ chế, chính sách để đề xuất sửa đổi, khắc phục sở hở, bất cập. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tinh thần đấu tranh chống “tham nhũng vặt”, nói không với “tham nhũng vặt” trở thành yêu cầu bức thiết hiện nay, tạo sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền và nhân dân trong ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” nói riêng và đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng nói chung thời gian tới.
Thu Huyền