Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ Sáu, 29/10/2021, 22:06 [GMT+7]
Chiều 29/10/2021, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc 63 tỉnh, thành trên cả nước bằng hình thức trực tuyến.
Quang cảnh Hội nghị |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức sau khi Hội nghị toàn quốc MTTQ Việt Nam và Hội nghị toàn quốc các cơ quan khối Nội chính triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo rất quan trọng, đó là những căn cứ có tính nền tảng để hai cơ quan triển khai thực hiện nhiệm vụ, trong đó có những nội dung đã đề cập trong quy chế phối hợp giữa hai cơ quan.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đỗ Văn Chiến cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: Kiên quyết, kiên trì, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ triệt để hơn, hiệu quả hơn; Đại hội cũng xác định: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, đảm bảo quyền làm chủ của Nhân dân. Mới đây nhất, Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ "Phát huy vai trò của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội".
Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khai mạc Hội nghị |
Trình bày Báo cáo sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp, mỗi cơ quan có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình. Nổi bật là, việc hai bên đã phối hợp tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về nội chính, phòng, chống tham nhũng và phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, góp phần tích cực, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước; phối hợp giám sát công tác phòng, chống tham nhũng ở một số địa phương, lĩnh vực, phát hiện nhiều sai phạm, kiến nghị xử lý và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ban Nội chính Trung ương triển khai nhiều chương trình giám sát liên quan trực tiếp tới những vấn đề mà dư luận và nhân dân quan tâm, những vụ việc, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp, như việc triển khai chương trình giám sát việc công khai kết luận thanh tra tại 5 bộ, ngành (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải; Bộ Y tế, Bộ Xây dựng; Thanh tra Chính phủ) và 5 tỉnh (Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An); giám sát việc triển khai và tổ chức thực hiện các quy định về giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ tại tỉnh Hà Giang và thành phố Đà Nẵng… Qua giám sát đã phát hiện nhiều tồn tại hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Thanh tra, trong công tác tổ chức, cán bộ, những quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn, từ đó, kiến nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng sửa đổi các quy định pháp luật và kiến nghị xử lý kịp thời các sai phạm.
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội và Ban Nội chính Trung ương tổ chức các Đoàn giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức giám sát theo hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản báo cáo đối với 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Qua đó, góp phần bảo đảm các cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, bảo đảm cơ cấu, thành phần, lựa chọn được những đại biểu ưu tú đại diện cho Nhân dân.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương kết luận Hội nghị |
Hai bên cũng đã phối hợp tập hợp, phân tích, đánh giá ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, qua đó đề xuất với Đảng và Nhà nước nhiều nội dung quan trọng liên quan đến an ninh, quốc phòng, tôn giáo, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan thuộc khối đoàn thể chính trị - xã hội và các ban nội chính địa phương xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp và đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng, nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận để làm rõ hơn những kết quả đạt được; đề xuất những nội dung cụ thể nhằm nâng cao chất lượng phối hợp giữa hai cơ quan.
Thời gian tới, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, Ban Nội chính Trung ương phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước; chủ trì giám sát chuyên đề việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc công khai các kết luận thanh tra; giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong triển khai, thực hiện các dự án lớn về kinh tế - xã hội; giám sát các hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương trình bày Báo cáo tại Hội nghị |
Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiến hành kiểm tra, giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân theo Quy định số 11-QĐ/TW của Bộ Chính trị; kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị; theo dõi và kiểm tra, giám sát trách nhiệm giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, tác động tiêu cực tới ổn định chính trị - xã hội...
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa MTTQ Việt Nam và Ban Nội chính Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Trên cơ sở những nhiệm vụ, giải pháp phối hợp trong thời gian tới, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, cần tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp, phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhân dân trong giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân. Đồng chí lưu ý, giám sát việc nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; giám sát việc công khai minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giám sát trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; giám sát về giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, nhất là những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, bức xúc của nhân dân; về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; về công khai các kết luận thanh tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; về xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng.
Hai bên tiếp tục phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh tế - xã hội, về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; cử cán bộ tham gia các Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng các Đề án được giao cho mỗi cơ quan theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Trong đó, cần phối hợp tham mưu xây dựng Đề án về chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Tăng cường phối hợp, theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình dư luận nhân dân về các vấn đề nổi lên liên quan an ninh, trật tự; các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, các vụ án có bị can, bị cáo là người có uy tín, ảnh hưởng lớn trong dân tộc thiểu số, tôn giáo, là nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sĩ có danh tiếng lớn; các vụ việc khác được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm để tham mưu, đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo xử lý. Thời gian tới phối hợp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng văn hóa liêm chính; phát huy tốt hơn vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Nhắc tới vai trò của báo chí trong đấu tranh với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, báo chí không chỉ giúp phát hiện những sơ hở ở cơ chế chính sách để khắc phục, phòng, chống tham nhũng mà trên thực tế, báo chí còn có vai trò rất quan trọng và hiệu quả trong phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng. Chính sự vào cuộc kịp thời của cơ quan báo chí mà các cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thời gian qua. Thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương tin tưởng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo hai cơ quan, công tác phối hợp sẽ có những bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Nội chính Đảng” cho 8 cá nhân thuộc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong công tác Nội chính của Đảng; đồng chí Đỗ Văn Chiến trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” cho 7 cá nhân thuộc Ban Nội chính Trung ương đã có cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc.
Đặng Phước - Anh Hưng