Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc tại Việt Nam
Thứ Ba, 28/05/2024, 13:54 [GMT+7]
Sáng 28/5/2024, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan phòng, chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và kinh nghiệm đối với Việt Nam”.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; ông Ryan McKean, Giám đốc INL tại Hà Nội; ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu thực tiễn thuộc lĩnh vực pháp luật, tư pháp, đại diện các cơ quan Trung ương, một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy và đại diện các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương…
Quang cảnh Hội thảo |
Hội thảo là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Hỗ trợ và nâng cao năng lực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam do UNDP tại Việt Nam và INL hỗ trợ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; việc thu hồi tài sản tham nhũng và việc hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác PCTNTC... Tuy nhiên, trong PCTNTC, việc thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng luôn là vấn đề gặp nhiều khó khăn, phức tạp; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan có việc còn lúng túng; thời gian thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài cho Việt Nam còn kéo dài, nhiều trường hợp kết quả tương trợ chưa được như mong muốn;...
Chủ trì Hội thảo |
Theo ông Ryan McKean, Giám đốc INL tại Hà Nội và ông Patrick Haverman, Phó đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, họ rất vui khi được làm việc với nhiều cơ quan khác nhau của Việt Nam, như: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao… trong những hoạt động để nâng cao năng lực về PCTN. Theo đó, Hội thảo là cơ hội để mở rộng hiểu biết, tăng cường hợp tác, chia sẻ bài học kinh nghiệm và thành công của những quốc gia trên thế giới cho Việt Nam…
Báo cáo tại Hội thảo, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, trong những năm qua, kết quả hợp tác quốc tế trong PCTN đã đạt được những thành tựu bước đầu. Việt Nam đã thu được nhiều kinh nghiệm, thực tiễn tốt của các quốc gia trên thế giới về PCTN, từ đó, nghiên cứu, áp dụng phù hợp vào bối cảnh thực tiễn của Việt Nam; những nỗ lực của Việt Nam trong PCTN cũng đã được lan tỏa, góp phần tăng cường hình ảnh, vai trò của đất nước trong cộng đồng quốc tế đối với lĩnh vực PCTN. Việc tham gia vào các thỏa thuận, điều ước quốc tế, cam kết quốc tế đa phương, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) - một văn kiện pháp lý mang tính nền tảng, có tính ràng buộc với các quốc gia thành viên ở phạm vi toàn cầu về PCTN, đã giúp Việt Nam nắm bắt được những vấn đề, giải pháp cơ bản, cốt lõi và tiên tiến trong PCTN, nắm bắt được xu hướng hợp tác của khu vực và thế giới về PCTN…
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Việc nội luật hóa và thực hiện có hiệu quả các cam kết, các điều khoản của các thỏa thuận, điều ước quốc tế này đã góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN ở Việt Nam, đồng thời, cũng thể hiện tính chủ động và quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong PCTN. Hợp tác quốc tế về PCTN với các quốc gia, các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã giúp Việt Nam tranh thủ được các nguồn lực nước ngoài, về kinh tế, kỹ thuật, chuyên gia, nhằm triển khai các chương trình đào tạo, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN, tăng cường nhận thức và khả năng tham gia vào công tác PCTN của các thành phần khác như khu vực doanh nghiệp, báo chí, các tổ chức xã hội, chính trị - xã hội.
Báo cáo hướng tới mục tiêu rà soát một cách tổng thể, toàn diện khung khổ pháp lý của Việt Nam liên quan đến thu hồi tài sản tham nhũng, qua đó, đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định hiện hành với các quy định về thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tại Chương V của UNCAC. Báo cáo cũng phân tích thực tiễn kết quả hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng, nhằm đánh giá mức độ phù hợp của quy định pháp luật hiện nay so với những đòi hỏi thực tế của công tác thu hồi tài sản.
TS. Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại Hội thảo |
Một số điển hình tốt về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng của các quốc gia cũng được đề cập đến, nhằm cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật tại Việt Nam; báo cáo đề xuất một số chính sách, giải pháp mà các nhà lập pháp và hoạch định chính sách trong lĩnh vực PCTN có thể cân nhắc, xem xét trong giai đoạn tới nhằm mục đích nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến phát biểu thảo luận, trao đổi, trong đó, tập trung đi sâu phân tích khung khổ pháp lý của Việt Nam về hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; kết quả hoạt động hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam thời gian qua… đồng thời, đưa ra một số khuyến nghị, đề xuất chính sách cho Việt Nam trong thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng cần bổ sung thêm trong Báo cáo của Nhóm nghiên cứu; nhằm làm cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật tại Việt Nam.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao chất lượng Báo cáo, các ý kiến phát biểu tham luận tại Hội thảo, đã gợi mở nhiều giải pháp quan trọng để hoàn thiện chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng tại Việt Nam. Ban Tổ chức Hội thảo và Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để làm cơ sở phục vụ cho công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam trong thời gian tới. Qua đó, để đánh giá mức độ tương thích giữa các quy định cụ thể của Việt Nam, quy định về thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản đã nêu tại Công ước, nhằm đánh giá mức độ phù hợp của các quy định pháp luật hiện nay so với đòi hỏi thực tế của công tác thu hồi tài sản tham nhũng, nhằm phục vụ tốt hơn quá trình hoàn thiện thể chế, pháp luật của Việt Nam trong việc thu hồi tài sản tham nhũng và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này…
Đặng Phước - Anh Hưng