Quan chức địa phương Ấn Độ ăn chặn của người nghèo

Thứ Tư, 04/09/2013, 12:25 [GMT+7]

Quốc hội Ấn Độ vừa thông qua một kế hoạch ngân sách khổng lồ nhằm cứu trợ lương thực cho người dân nghèo Ấn Độ, với tổng giá trị lên tới 230 tỷ rupee (khoảng 3,4 tỷ USD). Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khoản cứu trợ khổng lồ này rất có thể sẽ chảy vào túi quan chức địa phương, có tiếng tăm tham nhũng từ lâu.

Người dân Ấn Độ khó thoát khỏi đói nghèo do bị quan chức địa phương ăn chặn lương thực được trợ cấp
Người dân Ấn Độ khó thoát khỏi đói nghèo do bị quan chức địa phương ăn chặn lương thực được trợ cấp

Theo dự tính, số tiền cứu trợ sẽ được dùng để mua gạo và lúa mỳ cung cấp cho khoảng 70% dân số Ấn Độ (khoảng 810 triệu người). Khoản cứu trợ này sẽ cho phép mỗi người dân Ấn Độ được mua đủ 5kg ngũ cốc mỗi tháng chỉ với giá 1 rupee/kg. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết người dân nghèo Ấn Độ chỉ mua được khoảng 3kg ngũ cốc mỗi tháng với giá ưu đãi, còn lại, họ vẫn phải mua ngoài "chợ đen" với giá cao gấp 5 - 10 lần so với giá ưu đãi.

Theo một chủ cửa hàng "bán đúng giá" (trong số 500 nghìn cửa hàng trên khắp Ấn Độ được Chính phủ trợ giá bán lương thực phục vụ người nghèo), số lượng lương thực mà cửa hàng này nhận được mỗi tháng gần như không bao giờ đủ cung cấp cho nhu cầu của người dân. Lý giải về sự thiếu hụt này, người chủ cửa hàng tiết lộ, các quan chức địa phương đã bớt xén số lượng lương thực do Chính phủ cung cấp, sau đó bán ra "chợ đen" nhằm kiếm tiền chênh lệch. Bởi vậy, dù kế hoạch của Chính phủ rất lớn cũng không thể giúp người dân thoát khỏi đói nghèo do bị "ăn chặn" nguồn lương thực lẽ ra họ được hưởng.

                                                                                                     P.V

;
.