Hàng tỉ đô la từ các vụ hối lộ nước ngoài không được trả lại
Ngân hàng Thế giới đã cáo buộc nhiều nước phương Tây không trả lại mà giữ lại cho nước mình hàng tỉ đôla tiền phạt liên quan đến các vụ hối lộ ở các nước đang phát triển. Bản báo cáo được Ngân hàng Thế giới công bố tại Panama, nơi 1.500 đại biểu của các nước thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng đang nhóm họp.
Điều tra 400 vụ việc xảy ra trong vòng 13 năm cho thấy khoảng 6 tỉ USD đã được trả lại bởi các công ty có liên quan, phần lớn trong các vụ dàn xếp bên ngoài tòa án, nhưng chỉ 3,3% trong số đó được trả lại cho các quốc gia nơi mà các quan chức nhận hối lộ.
![]() |
Hội nghị thành viên công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Panama 2013 |
Trong bản báo cáo Left Out of the Bargain (tạm dịch: loại trừ sự mặc cả) vào hôm 27-11-2013, Ngân hàng Thế Giới đã chỉ ra rằng đa số các dự án hối lộ về xây dựng đường xá, cầu, đập tại nước đang phát triển. Phần lớn số này liên quan đến các hợp đồng nhà nước với số tiền từ hàng chục triệu cho đến hàng trăm triệu đôla.
Trong một thập kỉ qua, đang tồn tại một xu hướng ngày càng tăng khi sử dụng dàn xếp để giải quyết các vụ hối lộ có liên quan đến nước ngoài thay vì giải quyết tại tòa. Ngân hàng Thế Giới kết luận: “Trong đa số các vụ dàn xếp, các quốc gia nơi có các quan chức nhận hối lộ không can dự vào vụ dàn xếp và do đó không có cách nào để thu hồi lại các khoản đền bù”.
Các quan chức Ngân hàng Thế Giới cho biết lí do rất ít tiền được thu hồi, vì chính phủ các nước đang phát triển thường không mặn mà với việc tra xét tới cùng các quan chức tham nhũng. Vì vậy, đã để cho các nước như Anh, Đức, Thụy Sĩ và Mỹ tịch thu số tiền phạt với việc xét xử hoặc dàn xếp ở các nước này, cũng nhằm đảm bảo một sân chơi công bằng hơn cho chính các công ty của họ.
9 công ty của Anh bị nêu trong bản báo cáo, gồm cả 3 công ty xuất khẩu danh tiếng. Điển hình có hãng xây dựng Mabey & Johnson bị phát hiện hối lộ các quan chức I-rắc trong một dự án xây dựng cầu lớn, cũng như hối lộ các quan chức Ghana và Jamaica. Năm 2009, Hãng này đồng ý dàn xếp với Văn phòng chống gian lận và được lệnh trả lại 658.000 bảng Anh cho Ghana, 139.000 bảng cho Jamaica và 618.000 bảng cho I-rắc. Tiền đã được chuyển đến I-rắc và Jamaica nhưng chưa có khoản nào đến Ghana.
Hoài Sơn