Mỹ: Phát hiện, bắt giữ nhiều vụ tham nhũng, hối lộ ở khu vực công
Thời gian gần đây, việc phát hiện, bắt giữ nhiều quan chức tham nhũng, hối lộ tại Charlotte, New York, San Francisco và các thành phố khác tại Mỹ cho thấy những biện pháp mạnh mẽ của Bộ Tư pháp Mỹ đã phát huy hiệu quả.
Thứ tư tuần trước, Cơ quan điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ Thị trưởng thành phố Charlotte, Patrick Cannon (đảng Dân chủ) và một thành viên của Thượng viện tiểu bang California, khám xét văn phòng của một nghị sỹ New York đang bị điều tra.
Trước đó, nhiều nhân vật cấp cao trong bộ máy hành pháp, tư pháp đã bị truy tố, như cựu Thống đốc bang Virginia, Bob McDonnell (thuộc Đảng Cộng hòa) vì tội nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ quyền hạn.
Từ lâu FBI đã chú trọng điều tra tham nhũng trong khu vực công. Nhưng những cuộc điều tra trong vài năm gần đây có sử dụng các biện pháp như nghe lén, gài bẫy từng bị hạn chế sau những vụ gây tranh cãi hồi cuối những năm 1970 và 1980.
![]() |
Các nhân viên điều tra của FBI khám xét văn phòng của ông Gordon Fox, cựu lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện bang Rhode Island |
Brian Nadeau, người đứng đầu đơn vị điều tra tham nhũng khu vực công của FBI nói: “FBI coi trọng điều tra tham nhũng ở khu vực công vì công chức là những người được tin tưởng trao cho quyền lực”.
Daniel Stein, từng là trưởng bộ phận chống tham nhũng khu vực công của Viện kiểm sát quận Nam New York cho biết: “Rất cần sự vào cuộc của Cơ quan điều tra liên bang vì việc cơ quan công tố cấp bang thụ lý điều tra quan chức bang gặp nhiều khó khăn. Các công tố viên liên bang có sự độc lập cao hơn nên điều tra những vụ việc này hiệu quả hơn”.
Các quan chức và cựu quan chức hành pháp liên bang khẳng định, họ không ngại điều tra các nghị sỹ. Một số nguồn tin tiết lộ, FBI đang điều tra Hạ nghị sỹ Michael Grimm (đảng Cộng hòa, bang New York) và Thượng nghị sỹ Robert Menendez (đảng Dân chủ, bang New Jersey). Cả hai nghị sỹ đều lên tiếng khẳng định không vi phạm pháp luật.
Các nhà lập pháp cấp bang và địa phương là mục tiêu điều tra dễ dàng hơn do vẫn tồn tại một số rào cản về pháp luật trong việc khởi tố, truy tố các nghị sỹ Quốc hội. Ví dụ như Hiến pháp có quy định khiến lực lượng hành pháp không thể cản trở thành viên của lực lượng lập pháp khi họ đang làm nhiệm vụ của cơ quan lập pháp. Điều đó khiến lực lượng hành pháp khó có thể áp dụng một số biện pháp lục soát hay nghe lén như đối với những cuộc điều tra tham nhũng thông thường khác. Gần đây nhất là vướng mắc từ vụ khám xét văn phòng của nguyên Hạ nghị sỹ William Jefferson (đảng Dân chủ) năm 2006. Tòa án tối cao Mỹ đã không hủy bỏ quyết định của tòa án cấp dưới rằng các đặc vụ của FBI đã vi hiến trong cách khám xét văn phòng của ông Jefferson để điều tra tham nhũng. FBI đã phải trả lại một số bằng chứng thu thập được.
Các tòa án cho rằng bản thân cuộc khám xét không vi hiến nhưng FBI đã vi hiến khi cho phép các đặc vụ nghiên cứu các hồ sơ có liên quan tới Quốc hội để tìm bằng chứng. Cuộc khám xét đã khiến nhiều nhà lập pháp bất bình, phản ứng với chính quyền rằng FBI đã vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập.
Ông Jefferson hiện đang ngồi tù vì tội nhận hối lộ và một số tội danh khác. Tuy nhiên kể từ đó FBI không khám xét văn phòng của thành viên Quốc hội nào. Thay vào đó, FBI tiến hành hàng loạt cuộc khám xét đối với quan chức địa phương, trong đó có văn phòng và nhà riêng của Gordon Fox, cựu lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện bang Rhode Island hồi tháng 3.
P.V
(Theo Wall Street Journal)