Mỹ: Vì sao các công ty lựa chọn tự giác báo cáo các vụ hối lộ

Thứ Bảy, 15/11/2014, 05:54 [GMT+7]
(BNCTW) - Mới đây, công ty Layne Christensen đã đồng ý nộp khoảng 5 triệu USD cho Ủy ban chứng khoán và giao dịch Mỹ (SEC) để dàn xếp các cáo buộc hối lộ ở nước ngoài. 
Hồi tháng 8, Công ty xây dựng và khai thác dầu có trụ sở tại bang Texas này cho biết Bộ Tư pháp Mỹ, cơ quan cũng có chức năng theo dõi việc thực thi đạo luật chống hối lộ ở nước ngoài, đã ngừng điều tra Layne Christensen. Một phần vì công ty đã báo cáo với nhà chức trách việc đang tiến hành điều tra nội bộ, và chi phí để dàn xếp các cáo buộc được cắt chỉ còn khoảng một nửa so với dự đoán của Layne Christensen. 
Một cơ sở tại Mỹ của Layne Christensen
Một cơ sở tại Mỹ của Layne Christensen
SEC cáo buộc Layne Christensen đã nhận khoảng 3,9 triệu USD “lợi nhuận bất hợp pháp” từ tiền hối lộ trong 5 năm, thường được trả qua những chi nhánh ở châu Phi và Australia. Layne không thừa nhận hay bác bỏ cáo buộc này.
Tình trạng này cho thấy các công ty đang đối mặt với những vụ hối lộ cũng phải lựa chọn khó khăn: trình báo với chính quyền và hy vọng được khoan hồng hay cố gắng tự xử lý nội bộ để tránh một vụ dàn xếp tốn kém. Nhà chức trách Mỹ đang thúc giục các công ty tự giác báo cáo như trường hợp của Layne Christensen. 
F. Joseph Warin, một Chủ nhiệm của công ty luật Gibson Dunn & Crutcher: “Rất nhiều công ty sẽ tự giác trình báo và rất nhiều công ty không làm như vậy”. Còn theo một phát ngôn viên của SEC: khoảng 1/3 các vụ việc liên quan đến Đạo luật chống hối lộ ở nước ngoài của SEC trong vài năm gần đây xuất phát từ việc công ty tự trình báo. 
Nhìn chung, luật pháp không bắt buộc các công ty phải thông báo nguy cơ hối lộ cho Bộ Tư pháp hay SEC. Bên cạnh đó, theo một số luật sư, chương trình tố cáo tham nhũng còn tương đối mới mẻ của SEC khiến các công ty ngày càng khó che giấu những cáo buộc sai trái vì chương trình này cho phép người tố cáo có cách trực tiếp tố cáo hối lộ lên SEC. Và việc đánh giá khả năng bị chính quyền phát hiện là một trong những yếu tố quan trọng nhất để công ty quyết định có tự báo cáo hay không. Ví dụ, nếu có một người định tố cáo cho chính phủ, có thể công ty sẽ tự đứng ra báo cáo để được khoan hồng.
Còn theo F. Joseph Warin, các công ty cũng cân nhắc hậu quả của các vấn đề liên quan tới hối lộ. Nếu vấn đề đó không mang tính hệ thống và chỉ hạn chế ở một vài nhân sự cấp thấp, có thể họ sẽ không báo cáo với chính phủ.
Một yếu tố khác để cân nhắc là chi phí. Trong năm nay, Tập đoàn mỹ phẩm Avon cho biết đã đạt được một thỏa thuận với nhà chức trách Mỹ, trả 135 triệu USD để dàn xếp một cuộc điều tra hối lộ ở nước ngoài. Nhưng Avon còn phải bỏ ra một số tiền lớn hơn thế vì đã mất gần 350 triệu USD chi phí tư vấn luật và các loại chi phí khác liên quan tới cuộc điều tra. Tập đoàn này bắt đầu điều tra nội bộ và tự giác báo cáo với chính phủ từ hơn 6 năm trước.
Laurence Urgenson thuộc công ty luật Mayer Brown nói: “Tự nguyện báo cáo là một quyết định mang tính kinh doanh. Sẽ mất gì và được lợi gì từ việc này?”.
Nhà chức trách Mỹ đang nỗ lực điều chỉnh cán cân để các công ty tự báo cáo nhiều hơn. Báo cáo trước một Ủy ban của Quốc hộihồi tháng 10, ông James Koukios, một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp đã nhắc đến công ty Layne Christensen và cho rằng việc tự nguyện báo cáo nguy cơ có hối lộ của một công ty là yếu tố rất quan trọng để nhà chức trách quyết định có khởi tố hay không và cách thức như thế nào. Những công ty tự giác báo cáo sẽ được khoan hồng. Ông Koukios cũng nhắc đến một ví dụ đối lập khác, đó là Tập đoàn Marubeni của Nhật Bản. Nhà chức trách cho biết công ty này đã không báo cáo những rắc rối về hối lộ ở nước ngoài và không hợp tác với cơ quan chức năng khi cuộc điều tra bắt đầu. Năm nay Marubeni đã đồng ý nộp phạt 88 triệu USD và thừa nhận sai phạm. Một giám đốc tại SEC, Andrew Ceresney nói: “Chúng tôi có nhiều biện pháp để phát hiện sai phạm, trong đó có cả việc khuyến khích tố cáo hối lộ, tham nhũng. Vì vậy những công ty lựa chọn không tự giác trình báo đang chơi một canh bạc lớn”.
Thu Thắm
;
.