Bê bối tham nhũng của Odebrecht lan rộng khắp Mỹ Latinh
Thứ Tư, 15/02/2017, 14:50 [GMT+7]
Tuần trước, tòa án Peru đã ban lệnh truy nã quốc tế đối với cựu Tổng thống Alejandro Toledo sau khi các công tố viên cáo buộc ông đã nhận 20 triệu USD hối lộ từ tập đoàn Odebrecht của Brazil để tập đoàn này được xây dựng đường cao tốc nối Brazil với bờ biển Peru. Odebrecht, tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh, đang đứng giữa tâm bão của những cáo buộc tham nhũng, hối lộ và lạm quyền vượt ra ngoài biên giới Brazil. Đến nay, Odebrecht đã sa thải khoảng 100.000 trong tổng số 180.000 nhân viên ở 28 quốc gia.
Tập đoàn này bắt đầu bị nhà chức trách Brazil điều tra trong khuôn khổ chiến dịch Lava Jato phát hiện đường dây tham nhũng, hối lộ khổng lồ tại Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petrobras.
Vào tháng 6-2015, cảnh sát liên bang Brazil đã bắt giữ Chủ tịch Marcelo Odebrecht và ông này lĩnh án tù 9 năm. Tập đoàn cũng đồng ý nộp phạt hơn 3,5 triệu USD tại Brazil, Mỹ và Thụy Sỹ.
Cựu Tổng thống Peru, Alejandro Toledo |
Tuy nhiên, việc Bộ Tư pháp Mỹ mở cuộc điều tra và lời thú tội của lãnh đạo, nhân viên 77 công ty đã vén tấm màn bí mật về đường dây tham nhũng kéo dài tới Peru, Mexico và Colombia.
Ông Tomaz Paoliello, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Pontifical Catholic, Sao Paulo nhận định: “Chúng ta đang có một vụ án đặc biệt. Chưa từng có vụ án nào tương tự tại Nam Mỹ và Trung Mỹ lại liên quan tới cả các công ty của châu Âu và của Mỹ”.
Vụ Odebrecht cũng diễn ra trong bối cảnh các công ty lớn của Brazil đang trong quá trình quốc tế hóa, gồm công ty mỏ Vale, ngân hàng Itau và chính Petrobras.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Odebrecht đã chi 35,5 triệu USD để hối lộ các chính khách Ecuador từ năm 2007-2016, đổi lại đã lãi hơn 116 triệu USD từ hoạt động kinh doanh tại nước này.
Tại Argentina, các cáo buộc về hối lộ không chỉ liên quan đến 13 năm cầm quyền của các Tổng thống Nestor và Cristina Kirchner mà còn liên quan tới một phụ tá của đương kim Tổng thống Mauricio Macri.
Các cuộc điều tra của nhà chức trách Argentina cho thấy, Odebrecht đã chi 35 triệu USD hối lộ các chính quyền dưới thời vợ chồng nhà Kirchner, để giành được các bản hợp đồng trị giá 278 triệu USD.
Tương tự, Gustavo Arribas, đương kim Giám đốc Tình báo liên bang Argentina đồng thời là bạn thân của Tổng thống Mauricio Macri đang phải giải trình tại sao ông nhận được chuyển khoản trị giá 600.000 USD qua ngân hàng từ những bên trung gian của Odebrecht.
Mới nhất là tại Peru, tòa án đã ban bố lệnh truy nã quốc tế với cựu Tổng thống Alejandro Toledo với cáo buộc nhận hối lộ 20 triệu USD.
Cựu Tổng thống Ollanta Humala của Peru cũng đang đối mặt với cáo buộc rửa tiền trong chiến dịch tranh cử, trong đó có 3 triệu USD rót từ Odebrecht.
Tại Colombia, những tranh cãi liên quan tới chính quyền hiện tại của Tổng thống Juan Manuel Santos và người tiền nhiệm Alvaro Uribe.
Gabriel Garcia Morales, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải dưới thời ông Uribe, đã bị bắt với cáo buộc nhận 6,5 triệu USD từ tập đoàn Odebrecht. Hơn nữa, Tổng công tố Colombia cũng đang điều tra để xác định chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Santos có thụ hưởng gì từ số tiền 11 triệu USD mà lãnh đạo Odebrecht khai đã sử dụng để hối lộ từ năm 2009-2014.
Tại Mexico, nhân sự của Odebrecht khai đã hối lộ 10,5 triệu USD cho các quan chức của một tập đoàn quốc doanh để nhận được các công trình công cộng. Tuy nhiên tên của tập đoàn này chưa được tiết lộ.
Bình Minh
(Theo Tân Hoa xã)
;