Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc công bố phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội Tổng thống Park Geun-Hye
Thứ Hai, 13/03/2017, 16:18 [GMT+7]
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội của Quốc hội nước này đối với Tổng thống Park Geun-Hye. Theo quyết định trên, bà Park Geun-hye sẽ bị bãi nhiệm sau 92 ngày đối mặt với một vụ bê bối nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị để mở đường cho một cuộc bầu cử Tổng thống mới diễn ra trong vài tuần tới.
Phán quyết trên đã được Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi đưa ra và được truyền hình trực tiếp trên cả nước. Như vậy, bà Park Geun-hye là nhà lãnh đạo được bầu dân chủ đầu tiên của Hàn Quốc bị phế truất. Tất cả 8 thẩm phán tham gia thảo luận về nội dung luận tội Tổng thống đều bỏ phiếu ủng hộ phán quyết này.
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc Lee Jung-mi công bố phán quyết giữ nguyên nội dung luận tội Tổng thống |
Ngày 9-12-2016, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch luận tội Tổng thống trước các cáo buộc đã để người bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc nội bộ của đất nước, cấu kết với bà Choi Soon-sil để trục lợi từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc và xao nhãng nhiệm vụ trong thời gian xảy ra vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Sau khi phán quyết luận tội Tổng thống được Tòa án Hàn Quốc công bố, nước này sẽ bắt đầu chuẩn bị tổ chức một cuộc bầu cử để tìm ra người kế nhiệm bà Park Geun-hye trong vòng 60 ngày tới.
Đối với các tội danh của bà Park Geun-hye, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc kết luận: Việc cựu Tổng thống cho phép bạn thân Choi Soon-sil can thiệp vào các công việc của đất nước là một hành vi phạm pháp. Tuy nhiên, Tòa cũng bác bỏ việc bà Park Geun-hye đã lạm dụng quyền lực để bổ nhiệm các quan chức trong chính phủ với lập luận “chưa đủ bằng chứng”.
Với vị trí là Tổng thống Hàn Quốc, bà Park Geun-hye được miễn trừ khởi tố hình sự liên quan tới vụ bê bối chính trị. Tuy nhiên, sau khi bị phế truất, cựu lãnh đạo Hàn Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với một cuộc điều tra.
Giáo sư danh dự Yang Seung-ham của trường Đại học Yonsei ở thủ đô Seoul cho rằng quyết định của Tòa án Hiến pháp là hợp lý, đồng thời kêu gọi người dân Hàn Quốc “chấp nhận phán quyết này”.
Trong khi đó, Giáo sư xã hội học Park Myoung-kyu thuộc Đại học Quốc gia Seoul cũng khẳng định: “Chúng ta đã trải qua một quá trình giải quyết sự mâu thuẫn và khác biệt lớn theo một cách thức có thể đoán trước được thông qua các thủ tục pháp lý được quy định trong Hiến pháp… Bây giờ là lúc để bình tĩnh lại và biến mâu thuẫn thành các cuộc tranh luận chính sách”. Nhiều nhà phân tích của Hàn Quốc cũng nhận định phán quyết của tòa án cho thấy hệ thống dân chủ của Hàn Quốc được tôn trọng.
Việc Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đẩy nhanh thời điểm công bố phán quyết cũng như những nhận định trên của các chuyên gia Hàn Quốc đã thể hiện rõ sự mong muốn tình hình đất nước sớm ổn định và thống nhất dư luận. Kể từ sau khi vụ bê bối chính trị của bà Park Geun-hye bị phanh phui vào tháng 10-2016, dư luận Hàn Quốc đã bị chia rẽ bởi hai sự lựa chọn giữa việc ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình trên diện rộng.
Hiện các chuyên gia đã bắt đầu nhận định về triển vọng của các ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống để trở thành người kế nhiệm bà Park Geun-hye sau phán quyết của Tòa Hiến pháp. Hiện cựu lãnh đạo đảng đối lập Moon-Jae-in – người đã thất bại trước bà Park Geun-hye trong cuộc bầu cử năm 2012 đang dẫn đầu tỷ lệ ủng hộ (30%) trong cuộc thăm dò ý kiến dư luận liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại Hàn Quốc. Trong khi đó, vẫn chưa có ứng cử viên nào của phe bảo thủ giành được tỷ lệ ủng hộ ở mức 2 con số, ngoại trừ quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn – người hiện vẫn chưa chính thức khẳng định có tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Xanh hay không./.
TTXVN
;