Nigeria: Người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng bị buộc tội nhận hối lộ
Thứ Ba, 06/02/2018, 15:45 [GMT+7]
Vào tháng 8-2017, một cuộc khảo sát về tham nhũng do cơ quan thống kê của Nigeria cho biết hàng năm gần 1/3 số người dân trưởng thành đã phải chi trả một khoản tiền hối lộ cho công chức và các viên chức Nhà nước lên tới 1,02 tỷ Euro.
Kết quả này cho thấy thách thức khó khăn mà Chính phủ của Tổng thống Muhammadu Buhari đang phải đối mặt.
Tòa án tối cao Nigeria công bố trong năm 2017 đã xét xử 1.124 vụ án liên quan đến tham nhũng. Một số người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Buhari đang thực hiện theo các lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông để đối phó với những người trộm cắp công quỹ đang diễn ra tràn lan.
Danladi Umar, thẩm phán chống tham nhũng hàng đầu của Nigeria, luôn đảm nhiệm với các vụ án cấp cao, đã bị Ủy ban về Tội phạm Kinh tế và Tài chính (EFCC) - cơ quan chống tham nhũng của nước này cáo buộc nhận tiền hối lộ. Theo các báo cáo của tòa án cho thấy Danladi Umar đã yêu cầu một nghi phạm hối lộ mình khoảng 10 triệu naira (22.300 Euro hoặc 27.800 USD) để “có mối quan hệ với một trường hợp đang chờ giải quyết”.
Với vai trò là người đứng đầu Tòa án về Quy tắc Ứng xử của Nigeria (một tòa án đặc biệt xét xử những trường hợp kê khai sai tài sản và thu nhập), thẩm phán Umar cũng bị chỉ trích vì đã tuyên bố Chủ tịch Thượng viện Bukola Saraki trắng án vào tháng 6-2017 với 18 cáo buộc tham nhũng khi Sakari là Thống đốc Tiểu bang Kwara từ năm 2003 đến năm 2011.
Tuy nhiên, EFCC không đồng ý và đã kháng cáo phán quyết này, yêu cầu thành lập một ủy ban của các thẩm phán ra lệnh tái thẩm ba cáo buộc ban đầu chống lại Saraki.
Việc xét xử Saraki là một trong những chiến dịch chống tham nhũng nổi bật nhất của Tổng thống Muhammadu Buhari kể từ khi ông nắm quyền vào năm 2015.
Người dân Nigeria đã có những phản ứng rất giận dữ trước cáo buộc một trong những thẩm phán hàng đầu của đất nước có hành vi tham nhũng.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nigeria đã 2 lần đề cử ông Ibrahim Magu tiếp tục làm người đứng đầu EFCC. Tuy nhiên, Thượng viện đã bác bỏ vì nghi ngờ Ibrahim Magu đã tham nhũng. Một tòa án ở Abuja đã tán thành với bác bỏ này.
Vào năm 2015, Tổng thống Buhari thề sẽ loại trừ tham nhũng trong nước. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại mạng lưới tham nhũng này dường như khó khăn hơn suy nghĩ khi ông lên nắm quyền. Nhiều người thân thiết của Buhari đã bị bắt trong các chiến dịch chống tham nhũng.
Hồi tháng trước, cơ quan chống tham nhũng của Nigeria cho biết họ đã bắt giam David Babachir Lawal, từng là quan chức cấp cao của Tổng thống Buhari vì cáo buộc tham nhũng. Lawal được Buhari bổ nhiệm vào chức vụ thư ký của Chính phủ vào tháng 8-2015. Tuy nhiên, ông bị tước bỏ chức vụ vì nghi ngờ đã trao các hợp đồng trị giá hàng triệu Euro cho các công ty nhằm thu lợi cho cá nhân. Vụ bắt giữ ông diễn ra sau khi cựu Tổng thống Nigeria Olusegun Obasanjo điều tra hồ sơ của ông Buhari, cáo buộc ông về chính sách gia đình trị.
Obasanjo kêu gọi Buhari không nên tham gia vào cuộc bầu cử trong năm tới. Các nhà phê bình thì cáo buộc Buhari nới lỏng việc chống tham nhũng để bảo vệ các cộng sự của mình.
Tháng 12-2017, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan cũng đã bị bắt vì bị buộc tội trộm cắp 39 triệu Euro (48,6 triệu USD) của Ngân hàng Nhà nước để tài trợ cho kế hoạch tái tranh cử năm 2015.
P.V
;