Thái Lan: Thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng
Thứ Năm, 05/04/2018, 15:25 [GMT+7]
Chính phủ Thái Lan vừa kêu gọi thúc đẩy cuộc chiến chống tham nhũng trong bối cảnh nhiều vụ bê bối tham nhũng xảy ra có liên quan đến các quan chức Nhà nước.
Các nhà phê bình đã đặt ra câu hỏi, Hội đồng Quốc gia vì Trật tự và Hòa bình Thái Lan (NCPO) hồi năm 2014 đã tuyên bố, sau khi nắm giữ quyền lực sẽ đặt vấn đề chống tham nhũng lên hàng đầu, nhưng thực tế tại Thái Lan đang xảy ra rất nhiều vụ tham nhũng và tồn tại những bất thường trong các cơ quan Chính phủ. Tổng Thư ký Tổ chức Chống tham nhũng Thái Lan Mana Nimitmongkol nói: "Chúng tôi đã phân tích và cho rằng, mạng lưới những kẻ lừa đảo đã dần tìm ra các sơ hở của NCPO, hay có thể nói, cơ chế chống tham nhũng của NCPO đã bất lực trước đối tượng này... Hơn nữa, các quan chức cấp cao trong vòng 2 năm qua đã giải quyết nạn tham nhũng một cách không hiệu quả, không liên tục, bởi họ dành sự quan tâm nhiều hơn cho các lĩnh vực khác".
Lời tuyên bố "Không khoan nhượng" của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại cuộc họp tổng thể cam kết dập tắt tham nhũng |
Ông Mana cũng nhấn mạnh vai trò của công chúng và xã hội dân sự trong việc đưa các vụ việc tham nhũng ra ánh sáng. Ví dụ như vụ việc gần đây nhất được tiết lộ bởi Cơ quan Kiểm toán nội bộ về các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến Quỹ Sema Phatthana Chiwit của Bộ Giáo dục.
Tippatrai Saelawong - nhà nghiên cứu về tham nhũng của Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan đồng quan điểm với ông Mana về vai trò của các cá nhân và xã hội dân sự. Ông cho rằng, mặc dù Ủy ban Chống tham nhũng trong lĩnh vực công của Thái Lan (PACC) vẫn hoạt động tích cực trong năm qua, nhưng tính hiệu quả lại chưa thể hiện được.
"PACC đã tìm ra những bằng chứng tham nhũng tại các quỹ phúc lợi ở hàng chục tỉnh, thành phố, nhưng cơ quan này chỉ tiến hành điều tra khoảng 10 tỉnh và tôi không biết liệu có bao nhiêu người, bao nhiêu vụ việc sẽ bị truy tố tới cùng", ông Tippatrai nêu lên nghi ngại và cho rằng, đã đến lúc Chính phủ phải nghiêm túc giải quyết vấn nạn tham nhũng, truy tố những kẻ có hành vi sai trái. Cùng với đó, các cơ quan Chính phủ cần liên tục cập nhật cho người dân về tiến trình điều tra tham nhũng, hối lộ để họ không nghi ngờ về sự cố tình kéo dài vụ án hay ai đó đang tìm cách khoan dung, khoan hồng cho kẻ phạm tội.
Đặc biệt các vụ việc liên quan đến các quan chức cấp cao, như cấp bộ trưởng trở lên, theo ông Tippatrai, Chính phủ càng phải minh bạch trong điều tra và cần đảm bảo nghiêm khắc thực thi các chế tài, hình phạt, nếu không sẽ làm mất lòng tin của người dân.
Trong khi đó, Tổng Thư ký PACC Kornthip Daroj cho biết, tham nhũng là một vấn đề dai dẳng ở Thái Lan. Sau khi NCPO nắm quyền, việc kiểm tra được tăng cường và nhiều người sẵn sàng cung cấp thông tin.
"Người dân trở nên tự tin hơn trong việc cung cấp thông tin cho PACC bởi họ tin tưởng vào Chính phủ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bật đèn xanh trong việc điều tra và ông yêu cầu PACC hàng tuần phải cập nhật tình hình công việc", ông Kornthip nói.
Thái Lan đứng thứ 37 theo xếp hạng Chỉ số Tham nhũng năm 2017 do Tổ chức Minh bạch Thế giới (TI) công bố. Năm 2016, nước này xếp thứ 35.
Ngọc Bích
(Báo Thanh tra)
;