Quỹ Tiền tệ Quốc tế nghiên cứu "Giải quyết tham nhũng trong Chính phủ"

Thứ Ba, 16/04/2019, 15:16 [GMT+7]
    Một nghiên cứu có tên “Giải quyết tham nhũng trong Chính phủ" do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện đã phân tích hơn 180 quốc gia và thấy rằng, nhiều quốc gia tham nhũng đã thu về số thuế ít hơn. Lý do là người dân đã chi trả hối lộ để tránh phải nộp thuế. Trong đó, có cả những cách thức "lách" thuế, "né" thuế được tạo nên để đổi lấy các khoản lại quả.
 
    Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi người nộp thuế tin rằng chính phủ của họ tham nhũng, họ sẽ có nhiều khả năng trốn thuế.
 
Nghiên cứu chỉ ra khi người nộp thuế tin rằng chính phủ của họ tham nhũng, họ sẽ có nhiều khả năng trốn thuế
Nghiên cứu chỉ ra khi người nộp thuế tin rằng chính phủ của họ tham nhũng, họ sẽ có nhiều khả năng trốn thuế
    Tuy nhiên, đối với Pakistan, quốc gia này đã thực hiện một cải cách, mà tại đó, các quan chức ngành Thuế được khuyến khích khi đạt được hiệu suất công việc cao. Cụ thể, cán bộ thuế sẽ nhận được lương cao nếu như thu được nhiều thuế và ngược lại. Theo IMF, động thái này mang lại cả kết quả mong muốn và những hậu quả không mong muốn. IMF đề xuất Pakistan cần kết hợp chặt chẽ việc chi lương cao hơn với giám sát và xử phạt để giải quyết vấn đề.
 
    Theo IMF, biện pháp cải cách như trên cũng được thực hiện ở Georgia đã làm giảm đáng kể tham nhũng và tăng doanh thu thuế lên gấp đôi, tăng 13% GDP trong giai đoạn năm 2003 và 2008.
 
    Cộng hòa Rwanda cũng đã áp dụng cải cách để chống tham nhũng từ giữa những năm 1990 và mang lại kết quả tốt, doanh thu thuế tăng 6% GDP.
 
    Chống tham nhũng là một trong những mục tiêu phát triển bền vững mà Liên hợp quốc đã đặt ra, với nhận thức rộng rãi rằng, việc giải quyết tham nhũng là rất quan trọng đối với hoạt động kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế.
 
    Nghiên cứu của IMF cho thấy, nhìn chung, các chính phủ ít tham nhũng có doanh thu thuế cao hơn 4% GDP so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển kinh tế nhưng tồn tại mức độ tham nhũng cao.
 
    Nghiên cứu lập luận rằng, chống tham nhũng đòi hỏi phải có ý chí chính trị để tạo ra các thể chế tài chính mạnh mẽ, thúc đẩy tính liêm chính và trách nhiệm giải trình trong toàn bộ khu vực công.
 
    Theo IMF, mức độ minh bạch cao và sự giám sát độc lập từ bên ngoài, như báo chí tự do, giúp cho cuộc chiến chống tham nhũng đạt kết quả cao.
 
    Các biện pháp cải cách làm tăng cơ hội thành công cho chống tham nhũng. Và cơ hội này sẽ lớn hơn khi các quốc gia thực hiện cải cách để giải quyết vấn nạn tham nhũng từ mọi góc độ.
                                                                                                     P.V
.