Campuchia: Động lực mới để chống tham nhũng

Thứ Hai, 05/08/2019, 16:45 [GMT+7]
    Thủ tướng Hun Sen vừa khẳng định quyết tâm của mình trong chống tham nhũng. Ông ra chỉ thị cho Đơn vị Chống tham nhũng (ACU) được phép trực tiếp bắt giữ các quan chức tham nhũng để ngăn chặn sự can thiệp từ bất kỳ cơ quan hoặc cá nhân nào.
 
    Luật Chống tham nhũng của Campuchia được ban hành từ năm 2010. Tuy nhiên, việc thi hành luật vẫn còn là một vấn đề. Là cơ quan thực hiện, ACU đấu tranh chống tham nhũng dưới 3 mũi chính là: Giáo dục, phòng ngừa, và thực thi pháp luật.
 
    Để ACU thực hiện hiệu quả, đòi hỏi sự bảo vệ về mặt pháp lý và an ninh của các nhân chứng và người cung cấp thông tin. Vai trò của ACU là lãnh đạo của cuộc chiến chống tham nhũng, trong tất cả lĩnh vực, ở tất cả các cấp trong nước thông qua giáo dục, phòng ngừa và thực thi pháp luật, thu hồi với sự trợ giúp của cộng đồng và hợp tác quốc tế.
 
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
Thủ tướng Campuchia Hun Sen
    Tại Campuchia, các nỗ lực cải cách đã bị hạn chế do tham nhũng có hệ thống tràn lan trên khắp các tổ chức Nhà nước, trong khi có quá ít sự trừng phạt. Nếu không có sự can thiệp khẩn cấp, tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng cạnh tranh của Campuchia trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế đang gia tăng và cạnh tranh chính trị ngày càng cao.
 
    Báo cáo Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới xếp hạng Campuchia thứ 130/190 quốc gia, với 54,8 điểm, tăng nhẹ 0,41 điểm so với năm ngoái.
 
    Là một phần của việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Chính phủ Campuchia đã thực hiện 2 biện pháp mang tính chủ động, đó là khuyến khích các công ty tư nhân ký thỏa thuận với ACU và soạn thảo một cẩm nang về chống tham nhũng cho doanh nghiệp ở Campuchia.
 
    Bên cạnh đó, tăng cường tính liêm chính trong xã hội nói chung và trong nền công vụ nói riêng không chỉ là vấn đề đấu tranh chống tham nhũng mà còn là nhiệm vụ trong xây dựng thể chế.
 
    Sự trung thực về tri thức, năng lực và tư duy độc lập rất quan trọng đối với công cuộc xây dựng thể chế. Cần tìm kiếm sự thật và đưa ra các khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng xác thực, không dựa trên ý thức hệ hoặc phán đoán cảm xúc; sự trung thực về tri thức chỉ có thể tạo nên thành quả khi có can đảm để nói ra sự thật, đôi khi là rất khó khăn và bất tiện.
 
    Cuộc chiến chống tham nhũng ở Campuchia được xác định là một quá trình lâu dài và phức tạp. Ở đó, ý chí chính trị và quyết tâm từ lãnh đạo Nhà nước và sự tiếp cận toàn Chính phủ là cần thiết để chống tham nhũng thành công.
 
    Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) hiện nay có đủ quyền lực, sức mạnh để cải cách thể chế và đã đưa ra các kết quả cải cách cụ thể. Đó là, xây dựng một Chính phủ trong sạch, trung thực, và điều này phải bắt đầu từ những người đứng đầu.
                                                                                                 Ngọc Anh
.