Cựu Tổng thống Peru trở về, đối mặt với cáo buộc tham nhũng
Thứ Hai, 24/04/2023, 14:31 [GMT+7]
Tổng thống Peru từ năm 2001 đến 2006 bị dẫn độ từ Mỹ sau khi thẩm phán bác đơn kháng cáo. Vụ việc đã gây chấn động quốc gia Nam Mỹ, trong bối cảnh người dân thất vọng và mất niềm tin vào các lãnh đạo tham nhũng.
Ngày 23/4, cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo đã đến Lima sau khi bị dẫn độ khỏi nước Mỹ. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt bê bối mà tại đó, các cựu lãnh đạo Peru phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng.
Lực lượng cảnh sát quốc gia Peru áp giải cựu Tổng thống Alejandro Toledo ra khỏi máy bay sau khi ông đáp chuyến bay tới Lima. Ảnh: AP |
Theo The Guardian, các hình ảnh cho thấy ông Toledo, 77 tuổi, mặc áo khoác màu xanh lá cây và áo len màu đỏ, được lực lượng chức năng Peru và Mỹ áp giải xuống cầu thang từ một chuyến bay thương mại tại Sân bay Quốc tế Lima.
Trước đó, vào ngày 21/4, ông Toledo, Tổng thống Peru từ năm 2001 đến 2006, đã tự ra đầu thú tại một tòa án ở San Jose, California, để dẫn độ về nước sau khi một thẩm phán bác đơn kháng cáo cuối cùng của ông.
Việc dẫn độ đã gây chấn động ở Peru, trong bối cảnh người dân phẫn nộ và thất vọng vì lại có thêm một cựu Tổng thống phải đối mặt cáo buộc tham nhũng.
Toledo bị cho là nhận hối lộ hàng triệu USD từ Tập đoàn Xây dựng Odebrecht của Brazil, doanh nghiệp khổng lồ là trung tâm của vụ bê bối tham nhũng lớn nhất Mỹ Latinh.
Ông Toledo là một trong bốn cựu tổng thống Peru dính líu vào mạng lưới tham nhũng.
Cựu Tổng thống Pedro Pablo Kuczynski, người bị buộc từ chức vì cáo buộc tham nhũng năm 2018, đang bị điều tra về cáo buộc rửa tiền.
Alan Garcia, người kế nhiệm ông Toledo giữ chức vụ Tổng thống từ năm 2006 đến 2011, đã tự sát khi cảnh sát đến bắt ông tại nhà riêng vào năm 2019.
Cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo và phu nhân Eliane Karp đến dự Hội nghị Thường niên IMF/Ngân hàng Thế giới năm 2015 tại Lima, Peru, ngày 8/10/2015. Ảnh: REUTERS/Guadalupe Pardo |
The Guardian cho biết, cựu Tổng thống Toledo bị cáo buộc nhận hối lộ khoảng 35 triệu USD từ Odebrecht để doanh nghiệp này có được hợp đồng xây dựng đường cao tốc nối Peru và Brazil.
Tập đoàn Xây dựng Brazil thừa nhận trả 800 triệu USD cho các quan chức trong khu vực để đổi lấy các hợp đồng công trình công béo bở.
Peru chính thức đề nghị dẫn độ ông Toledo vào năm 2018 và cựu tổng thống này đã bị bắt ở Mỹ vào năm 2019 trước khi được tại ngoại vào năm 2020.
Toledo bác bỏ cáo buộc thông đồng và rửa tiền, đồng thời khẳng định sẽ không được xét xử công bằng ở Peru. Các công tố viên đã yêu cầu mức án 20 năm tù đối với ông.
Luật sư của ông Toledo ở Mỹ, David Bowker, cho biết cựu Tổng thống "vô cùng đau buồn và thất vọng" trước quyết định từ chối đề nghị ngăn chặn dẫn độ của ông, đồng thời gọi cuộc điều tra là một "vụ truy tố chính trị".
Trong khi, luật sư của ông ở Peru, Roberto Su, cho biết hôm 23/4 rằng cựu Tổng thống có sức khỏe kém và “các quyền của ông không được tôn trọng”.
Toledo - được ghi nhận rộng rãi là nhà lãnh đạo đã khôi phục nền dân chủ cho Peru sau chế độ kéo dài hàng thập kỷ của cựu Tổng thống Alberto Fujimori (nhiệm kỳ 1990-2000) - rất có thể sẽ về chung nhà tù Barbadillo (Lima) cùng với người tiền nhiệm, The Guardian nhận định.
Ông Alberto Fujimori (84 tuổi) đã bị kết tội hồi năm 2009 với mức án lên tới 25 năm tù vì tham nhũng và vi phạm nhân quyền.
Một cái tên khác nằm trong danh sách những nhà lãnh đạo gây thất vọng của Peru còn có cựu Tổng thống Pedro Castillo, người đã bị lật đổ vào tháng 12 năm ngoái, bị buộc tội nổi loạn sau khi cố gắng giải tán Quốc hội, gây ra bạo lực chính trị lan rộng và đẩy đất nước vào khủng hoảng.
Là một nhà kinh tế học có bằng tiến sĩ từ Đại học Stanford ở Mỹ, ông Toledo là cựu Tổng thống Peru thứ hai bị dẫn độ.
Trước đó, người tiền nhiệm Fujimori đã bị dẫn độ từ Chile vào năm 2007.
Theo bà Jo Marie Burt, một thành viên cấp cao tại Văn phòng Washington về Mỹ Latinh: “Hầu hết các tổng thống của Peru trong hai thập kỷ qua đều bị buộc tội tham nhũng, điều này gửi đi một thông điệp tàn khốc".
“Vụ việc của ông Toledo [là một] nỗi thất vọng lớn đối với Peru và toàn bộ châu Mỹ Latinh. Nó ngăn cản cuộc đấu tranh cho dân chủ”, bà Marie Burt nói thêm.
Hoài Phương
(Báo Thanh tra)