Pháp đề nghị EU thành lập cơ quan giám sát độc lập chống tham nhũng

Thứ Bảy, 04/11/2023, 06:51 [GMT+7]
    Trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện Liên minh châu Âu, Paris gửi một thông điệp tới Brussels rằng: Đã đến lúc phải nghiêm túc trong việc giải quyết xung đột lợi ích và tham nhũng trong các thể chế của khối.
   
    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone đang đề xuất Liên minh châu Âu (EU) thành lập một cơ quan chống tham nhũng độc lập có quyền kiểm tra thu nhập của các quan chức và phát hiện xung đột lợi ích, bà Laurence Boone nói với Bản tin Brussels Playbook của Politico.
 
Cờ EU tung bay bên ngoài Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 1/3/2023. Ảnh: REUTERS/Johanna Geron
Cờ EU tung bay bên ngoài Trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 1/3/2023. Ảnh: REUTERS/Johanna Geron
    "Và bây giờ họ [nhà chức trách Pháp] đang kêu gọi các nước EU khác tán thành đề xuất này", theo Politico.
 
    Đề xuất được đưa ra trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện EU được ấn định sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9/6/2024, nhằm thiết lập một cơ quan giám sát độc lập để chống tham nhũng trong các thể chế của khối, vốn đang bị chấn động bởi những vụ bê bối xảy ra trong thời gian gần đây.
 
    Đầu năm nay, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất thành lập một cơ quan đạo đức với các mục tiêu lớn, để áp đặt các tiêu chuẩn trên khắp các tổ chức của EU, nhằm thể hiện cam kết của họ đối với các biện pháp chống tham nhũng.
 
    Theo Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone và những người chỉ trích kế hoạch này vào thời điểm đó, một cơ quan đạo đức là chưa đủ, ví như “con hổ không răng” thì khó có thể xử lý tham nhũng.
 
    “Đề xuất của Ủy ban Châu Âu là một sự khởi đầu, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể và phải tham vọng hơn nhiều. Sau cú sốc do một số vụ bê bối tham nhũng gây ra… chúng ta cần khôi phục niềm tin của người dân vào thể chế”, bà Boone nói.
 
 Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone cho rằng, một cơ quan đạo đức là chưa đủ để chống tham nhũng trong EU. Ảnh: Ludovic Marin / AFP/Getty Images
Bộ trưởng Phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Laurence Boone cho rằng, một cơ quan đạo đức là chưa đủ để chống tham nhũng trong EU. Ảnh: Ludovic Marin / AFP/Getty Images
    Nhận định của Bộ trưởng Pháp được đưa ra khi bà chuẩn bị xây dựng hồ sơ của mình trước cuộc bầu cử Nghị viện EU năm 2024.
Bộ trưởng này đang vận động nội bộ để có thể đứng đầu danh sách Nhóm đảng “Đổi mới” (Renew) của Tổng thống Macron cho cuộc bầu cử, với các nhân vật khác của đảng như Chủ tịch khối Renew trong Nghị viện châu Âu, Stéphane Séjourné, được coi là những ứng cử viên tiềm năng.
 
    Niềm tin của người dân vào các thể chế đã bị ảnh hưởng sau một loạt vụ việc gây chấn động khắp EU, bao gồm cả bê bối Qatargate hồi tháng 12 năm ngoái.
 
    Politico cho biết hồi đầu năm nay rằng, một số ủy viên đã tham gia các chuyến đi được tài trợ, một quan chức cấp cao đã chấp nhận những chuyến bay miễn phí từ Qatar Airways trong khi nhóm của ông đang đàm phán một thỏa thuận hàng không với Doha, và một quan chức cấp cao khác đã không kê khai quyền sở hữu một khách sạn sang trọng ở Bali.
 
    “Chúng tôi cần một cơ quan độc lập, có phương tiện kiểm soát thực sự để ngăn chặn những vụ bê bối mới”, Bộ trưởng Pháp Laurence Boone nói.
 
    Theo bà Boone, cơ quan này sẽ phản ánh hình ảnh của cơ quan cấp cao về minh bạch trong khu vực công của Pháp - đơn vị điều tra tài khoản ngân hàng, tài sản và thu nhập của công chức để đảm bảo họ không có xung đột lợi ích. Đặc biệt, cơ quan này có quyền chuyển vụ việc tới các công tố viên nhằm đáp ứng yêu cầu minh bạch.
 
    Hồi tháng 6 năm nay, trong cuộc họp báo về Cơ quan Đạo đức châu Âu, bà Vera Jourová, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, cơ quan đạo đức mới dự kiến sẽ đặt ra các tiêu chuẩn về việc nhận quà, thết đãi hoặc du lịch do bên thứ ba cung cấp, cũng như việc gặp gỡ những người vận động hành lang và về các lợi ích tài chính cần kê khai.
 
    Các tiêu chuẩn sẽ áp dụng cho ít nhất 9 tổ chức bao gồm: Ủy ban châu Âu, Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu, Tòa án Kiểm toán châu Âu, Ủy ban Kinh tế và Xã hội, Ủy ban Khu vực, Tòa án Công lý của EU và Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Các cơ quan khác có thể yêu cầu được đưa vào.
 
    Bà Shari Hinds, một quan chức chính sách của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), cũng đã bày tỏ lo ngại cơ quan này không đáp ứng được kỳ vọng của xã hội dân sự, vì sẽ không có bất kỳ quyền hạn điều tra nào.
 
    "Hiện tại, có vẻ như cơ quan đạo đức sẽ không có quyền lực thực sự... Chúng tôi cho rằng cần có quyền xử phạt và điều tra", bà Shari Hinds nói với Euronews, và mô tả cơ quan đạo đức mới chẳng khác gì "hổ giấy".
Theo thanhtra.com.vn
.