Chủ tịch Quốc hội Nam Phi từ chức vì cáo buộc tham nhũng
Thứ Bảy, 06/04/2024, 10:25 [GMT+7]
Chủ tịch Quốc hội Nam Phi đã từ chức ngày 3/4, vài tuần sau khi nhà riêng bị khám xét trong một cuộc điều tra tham nhũng.
Theo Hãng tin AFP, vụ việc liên quan đến Chủ tịch Quốc hội Nam Phi Nosiviwe Mapisa-Nqakula có khả năng gây tổn hại cho Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) cầm quyền ngay trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.
Hình ảnh bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Nam Phi. Ảnh: Parliament of the Republic of South Africa |
Trong lá thư từ chức mà AFP được tiếp cận, bà Nosiviwe Mapisa-Nqakula cho biết, quyết định từ chức được đưa ra và có hiệu lực ngay lập tức để duy trì sự liêm chính, tôn nghiêm của Quốc hội và tập trung vào cuộc điều tra đối với bà.
Bà viết: “Xét đến mức độ nghiêm trọng của những cáo buộc được công bố rộng rãi, tôi không thể tiếp tục giữ vai trò này”.
Chủ tịch Quốc hội Nam Phi bị cáo buộc nhận hối lộ số tiền khổng lồ từ một nhà thầu quốc phòng khi bà còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Số tiền hối lộ được cho là hơn 135.000 USD. Người này hiện trở thành nhân chứng trong vụ việc.
Trước vụ việc, bà Nosiviwe Mapisa-Nqakula phủ nhận các cáo buộc.
Chỉ diễn ra chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử quốc gia, vụ việc đã làm gia tăng lo lắng cho Đảng ANC, vốn đang bị giảm tỷ lệ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò ý kiến. Đặc biệt, giữa bối cảnh nền kinh tế trong nước sa sút và những cáo buộc về tham nhũng cũng như quản lý yếu kém.
ắm quyền điều hành kể từ khi nền dân chủ ra đời vào năm 1994, Đảng ANC có thể sẽ phải chứng kiến tỷ lệ phiếu bầu thấp vào tháng 5, đứng trước khả năng buộc đảng này phải thành lập một liên minh để duy trì quyền lực, AFP bình luận.
Trước động thái từ chức của Chủ tịch Quốc hội Mapisa-Nqakula, Đảng ANC ca ngợi bà vì đã bảo vệ danh tiếng của đảng bằng cách bước sang một bên trước khi được yêu cầu làm như vậy.
Đảng cầm quyền cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao cam kết của bà ấy trong việc duy trì hình ảnh của tổ chức đảng”.
Trong thư từ chức, nữ lãnh đạo Quốc hội 67 tuổi khẳng định, quyết định của bà “không phải là dấu hiệu hay sự thừa nhận tội lỗi”.
Bà viết: “Tôi tiếp tục khẳng định sự vô tội của mình và quyết tâm khôi phục lại danh tiếng”.
Các cáo buộc tham nhũng
Đầu tuần này, Tòa án Tối cao Gauteng ở Pretoria bác bỏ đơn kháng cáo khẩn cấp của bà Mapisa-Nqakula nhằm ngăn cản Cơ quan Công tố Quốc gia (NPA) và Cảnh sát Nam Phi bắt giữ nhà lập pháp này vì tội tham nhũng.
Trước đó, vào tháng 3, một cuộc đột kích được thực hiện bởi các thành viên của nhóm điều tra hàng đầu, khám xét nơi ở của bà Mapisa-Nqakula. Đây là một khu bất động sản cao cấp ở ngoại ô phía Đông thành phố Johannesburg.
Ngay sau khi bị khám xét nhà, Chủ tịch Quốc hội Nam Phi tuyên bố sẽ "nghỉ phép đặc biệt".
Truyền thông địa phương đưa tin, quan chức Đảng ANC này đã nhận hối lộ 2,3 triệu rand (121.000 USD) từ một nhà thầu quốc phòng.
Các đảng đối lập chính bao gồm Liên minh Dân chủ (DA) và Những người đấu tranh vì tự do kinh tế (EFF) hoan nghênh việc Chủ tịch Quốc hội từ chức.
Đảng DA cho biết: “Việc từ chức này là một chiến thắng cho Quốc hội, trách nhiệm giải trình, và nói rộng ra là cho người dân Nam Phi... Những người được giao lãnh đạo và đại diện cho Nam Phi phải hoàn thành nhiệm vụ".
Quốc hội cho biết, vị trí Chủ tịch sẽ được thay thế bởi cấp phó của Mapisa-Nqakula là ông Lechesa Tsenoli.
Bà Mapisa-Nqakula giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nam Phi từ năm 2014 đến 2021. Sau đó, bà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Quốc hội trong một động thái thu hút nhiều chỉ trích từ phe đối lập, theo AFP.
Vào thời điểm đó, bà đã bị chỉ trích vì nhận thấy mình kém cỏi trong việc ứng phó với một loạt tình trạng bất ổn khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Bà Mapisa-Nqakula là nhân vật mới nhất trong hàng loạt chính trị gia cấp cao của Đảng ANC dính líu đến các vụ bê bối tham nhũng.
Người dân Nam Phi sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử quốc gia và cấp tỉnh vào ngày 29/5 tới.
Theo thanhtra.com.vn