EU sẽ nâng cao các tiêu chuẩn chống tham nhũng như thế nào?
Thứ Hai, 22/04/2024, 08:47 [GMT+7]
Nghị viện và Hội đồng Châu Âu dự kiến cuối năm nay sẽ bàn luận để đưa ra bản cuối cùng của chỉ thị mới về chống tham nhũng.
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI), những năm gần đây ghi nhận hàng loạt vụ bê bối gây chấn động Liên minh Châu Âu (EU) - từ Laundromat của Azerbaijan, Uber Files (Hồ sơ Uber), đến Qatargate - cho thấy tham nhũng vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn khối.
Không ít trường hợp lạm dụng nghiêm trọng cả quỹ nhà nước và quỹ EU đã được đưa ra ánh sáng. Trên thực tế, người ta ước tính rằng EU thiệt hại tới 990 tỷ EUR vì tham nhũng mỗi năm. Đối với các quốc gia EU, tham nhũng chính trị đã làm suy yếu nền pháp quyền.
Cờ của Liên minh Châu Âu bên ngoài Trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 1/3/2023. Ảnh: REUTERS/Johanna Geron |
TI nhận định, hiện các quốc gia thành viên EU chưa giải quyết vấn đề tham nhũng một cách nhất quán. Các quy định chưa đủ toàn diện, mạnh mẽ để ngăn chặn và hình sự hóa tội phạm tham nhũng một cách hiệu quả; cùng với đó là có sự không nhất quán giữa các nước khi liên quan đến việc tội phạm tham nhũng nào bị hình sự hóa và cách thức thực thi.
EU đã không giảm bớt sức nặng của mình trên trường quốc tế khi nhắc đến việc chống tham nhũng xuyên biên giới. Các doanh nghiệp EU hối lộ quan chức ở thị trường nước ngoài hiếm khi phải đối mặt với hình phạt và chính quyền đang hành động quá ít để ngăn chặn quan chức tham nhũng nước ngoài, rửa tiền và đầu tư tài sản đánh cắp vào EU.
Người dân ở EU lo ngại về tham nhũng. Theo khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2021 của TI, gần một nửa số cư dân EU cho rằng chính phủ đang làm rất tệ trong việc giải quyết tham nhũng. Chỉ có 21% số người được khảo sát tin rằng quan chức tham nhũng phải đối mặt với những hình phạt thích đáng.
Trước thực tế này, EU đang thực hiện các bước để khắc phục những hạn chế, tồn tại trong phòng, chống tham nhũng.
Năm ngoái, Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một chỉ thị riêng về chống tham nhũng, tìm cách hài hòa luật chống tham nhũng trên tất cả 27 quốc gia thành viên EU và bắt buộc hình sự hóa các hành vi phạm tội được nêu tại Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) trong luật pháp EU.
Đây là bước đầu tiên đầy hứa hẹn nhằm thu hẹp khoảng cách trong khuôn khổ pháp lý, tăng cường trừng phạt hình sự và mở rộng các công cụ, biện pháp sẵn có cho cơ quan thực thi trong việc điều tra, truy tố tội phạm.
Một tiến bộ khác gần đây đã được thực hiện vào tháng 2/2024, khi Nghị viện Châu Âu thông qua quy định riêng của mình. Điều này thậm chí còn đi xa hơn những gì Ủy ban Châu Âu đặt ra ban đầu vào năm ngoái, và đưa ra một số nội dung quan trọng, bao gồm thiết lập quyền của nạn nhân tham nhũng và các tổ chức xã hội dân sự đại diện cho họ trước tòa.
Nghị viện và Hội đồng Châu Âu sẽ ngồi lại đàm phán, thảo luận về phiên bản cuối cùng của chỉ thị chống tham nhũng mới vào cuối năm nay. TI cho rằng, những người ra quyết định của EU cần tận dụng cơ hội này để thống nhất về các biện pháp mạnh mẽ giúp các quốc gia thành viên chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Buộc các quan chức cấp cao phải chịu trách nhiệm
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến một loạt vụ việc, trong đó các cá nhân khu vực công đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đến các quyết định lập pháp hoặc đảm bảo hợp đồng béo bở cho các công ty nhằm đổi lấy lợi ích cá nhân.
Nghị viện Châu Âu đã quy định các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực công, bao gồm cả việc coi sự tham gia của các quan chức cấp cao là một tình tiết tăng nặng và họ phải chịu hình phạt nghiêm khắc hơn.
Các biện pháp này cần được đưa vào chỉ thị mới để đảm bảo quan chức tham nhũng cũng như đồng phạm và những người hỗ trợ họ phải chịu trách nhiệm thống nhất ở các quốc gia thành viên EU.
TI cũng khuyến nghị nhà lập pháp EU đưa ra các biện pháp bổ sung nhằm chấm dứt tình trạng miễn trừ trừng phạt và xác định rõ về tham nhũng lớn. Các nước cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết âm mưu tham nhũng xuyên quốc gia nghiêm trọng liên quan đến quan chức cấp cao, dẫn đến hành vi biển thủ tài sản công hoặc vi phạm nhân quyền.
Đảm bảo các công ty phải chịu trách nhiệm
Vào năm 2020, Tập đoàn Chế tạo máy bay Airbus đã đạt được thỏa thuận trả 4 tỷ USD cho Pháp, Anh và Mỹ để dàn xếp các cáo buộc hối lộ. Nhờ những dàn xếp kể trên, Airbus tránh được nguy cơ bị truy tố hình sự vốn được cho là có thể khiến hãng bị cấm tham gia các hợp đồng trong lĩnh vực công tại Mỹ và EU.
Theo TI, giải pháp không qua xét xử, trong đó đạt được một số hình thức giải quyết thương lượng với các công ty hoặc cá nhân thay vì xét xử đang trở thành thông lệ trên toàn cầu trong các vụ hối lộ nước ngoài.
TI bày tỏ lo ngại, liệu các giải pháp không xét xử được sử dụng ở quy mô rộng lớn có mang lại hiệu quả răn đe hay không; đồng thời đồng tình với việc Nghị viện Châu Âu kêu gọi một khuôn khổ hiệu quả, minh bạch để áp dụng khi theo đuổi trách nhiệm giải trình đối với các pháp nhân trong các vụ hối lộ nước ngoài.
Bảo vệ nạn nhân tham nhũng
Cơ quan chống tham nhũng quốc tế cho rằng, nạn nhân của tham nhũng không thể bị bỏ qua trong chỉ thị mới. Xét đến cùng, việc thực thi chống tham nhũng sẽ không đầy đủ nếu không đưa ra được các biện pháp khắc phục thỏa đáng cho nạn nhân.
Tuy nhiên, thực tế là nạn nhân thường thiếu năng lực cũng như nguồn lực để khởi kiện những kẻ tham nhũng hay nộp đơn yêu cầu bồi thường những mất mát mà họ phải gánh chịu, kể cả trong khuôn khổ tố tụng hình sự.
Do đó, các đại diện phi nhà nước của nạn nhân, chẳng hạn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thay mặt họ đạt được các biện pháp khắc phục.
Các biện pháp phòng ngừa sai phạm trong vận động hành lang và tài chính chính trị
Theo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2021, người dân trên khắp EU lo ngại về mối quan hệ mật thiết giữa kinh doanh và chính trị - và hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho rằng chính phủ của họ được điều hành bởi một số ít người có lợi ích riêng tư.
Đơn cử, các cuộc điều tra như vụ bê bối Hồ sơ Uber cho thấy tầm ảnh hưởng của các tập đoàn lớn thông qua đặc quyền tiếp cận và không được tiết lộ đối với những người ra quyết định trên khắp EU.
Bên cạnh đó, vấn đề tài chính chính trị không rõ ràng vẫn là mối lo ngại trên toàn EU. Sự mờ ám này tạo điều kiện cho các lợi ích được bảo đảm hoặc nước ngoài gây ảnh hưởng quá mức lên hệ thống chính trị, đe dọa tính liêm chính của các cuộc bầu cử.
Hiện tại, ở Séc, quyên góp của doanh nghiệp được cho phép nhưng sự đóng góp của nước ngoài thì không. Trong khi, có 7 quốc gia ở EU vẫn không có bất kỳ nghĩa vụ rõ ràng nào về việc công bố danh tính của các nhà tài trợ.
Điều quan trọng là các biện pháp điều chỉnh, nâng cao tính minh bạch trong việc tài trợ cho các đảng chính trị, ứng cử viên và bên thứ ba, cùng với việc công khai thông tin tài chính của các quan chức, cần được đưa vào Chỉ thị mới.
Cơ hội quan trọng để nâng cao tiêu chuẩn chống tham nhũng
Cả Ủy ban và Nghị viện Châu Âu đều thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc hình sự hóa hành vi tham nhũng, ngăn chặn tham nhũng trên toàn EU một cách hiệu quả hơn.
"Một con đường mới là vô cùng cần thiết để nâng cao các tiêu chuẩn trong cuộc chiến chống tham nhũng và hài hòa các quy định trên toàn khối", TI nhận định.
Cũng theo tổ chức chống tham nhũng quốc tế, đây là một cơ hội quan trọng để chứng minh cho công chúng thấy tham vọng thực sự trong việc giải quyết tội phạm tham nhũng, bảo vệ nền dân chủ, mang lại tiến bộ, công bằng xã hội cho người dân.
Theo thanhtra.com.vn