Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Thứ Ba, 05/11/2013, 10:06 [GMT+7]

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh

Chiều 4-11, thảo luận ở tổ về vi ệc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, đa số đại biểu cho rằng chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn. Dự án được triển khai đã cơ bản bám sát yêu cầu của Nghị quyết 38 về việc lựa chọn hướng tuyến, được xem xét và phân kỳ đầu tư một cách tương đối hợp lý, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn băn khoăn về việc phân kỳ đầu tư, phê duyệt quy hoạch và tổng mức đầu tư, các dịch vụ hậu cần trên toàn tuyến...

Quốc hội thảo luận ở Tổ ngày 04-11
Quốc hội thảo luận ở Tổ ngày 04-11

Nhìn nhận Dự án sau thời gian triển khai khá dài, song một số mục tiêu nêu trong Nghị quyết 38 không thực hiện được, các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng cần phải điều chỉnh Nghị quyết cho phù hợp với thực tế. Đại biểu Nguyệt Hường phân tích: Theo Nghị quyết của Quốc hội, phân kỳ đầu tư Dự án đường Hồ Chí Minh chia thành 2 giai đoạn chính: Đến năm 2010 và từ năm 2010 đến 2020. Song, Tờ trình của Chính phủ lại nêu 3 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2000 đến năm 2007; giai đoạn 2 từ năm 2007 đến năm 2010 (kéo dài đến năm 2015); giai đoạn 3 từ năm 2012 đến năm 2020. Nghị quyết có từ năm 2004 nhưng Chính phủ chậm phê duyệt quy hoạch và tổng mức đầu tư. Đại biểu đề nghị cần có sự giải thích rõ ràng từ phía Chính phủ về việc phân kỳ đầu tư.

Đại biểu Nguyệt Hường băn khoăn: Báo cáo của Chính phủ cho thấy các mục tiêu của dự án đã cơ bản hoàn thiện, chuẩn bị cho công tác thanh quyết toán, tuy nhiên cho đến năm 2012 Thủ tướng mới phê duyệt quy hoạch chi tiết nghĩa là thời điểm đó mới có dự toán, vậy những công trình đã thi công trước đây được tính toán thực hiện như thế nào? Cũng theo đại biểu, giai đoạn 1 của Dự án đã được hoàn thành và đưa vào vận hành, Bộ Giao thông – Vận tải đã phân luồng xe chở khách chạy theo tuyến này để giảm tải cho Quốc lộ 1, vì vậy đoạn nào đã đầu tư hoàn chỉnh nên có hợp phần bổ sung để đảm bảo sự an toàn, để các đoạn này phát huy hiệu quả ngay. Đối với việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2, đại biểu kiến nghị làm theo phương án cuốn chiếu, giai đoạn nào dứt điểm giai đoạn đó. Giai đoạn 1 hoàn thành năm 2007 cần thanh quyết toán dứt điểm. Giai đoạn 2 kéo dài đến năm 2015 và còn nợ một số cầu, nên đầu tư cuốn chiếu và làm đến đâu thanh toán đến đó bởi mỗi năm, với việc đội giá vật liệu, nhân công sẽ kéo giá dự toán các giai đoạn thay đổi, liên quan rất nhiều đến nguồn vốn đầu tư. Đại biểu cũng nhìn nhận từ nay đến năm 2015 còn một số khó khăn, hạn hẹp nhất định trong đầu tư từ ngân sách Nhà nước, trong Nghị quyết sửa đổi cần đưa ra các giải pháp hiện thực: Giai đoạn 2 chỉ kết thúc tất cả các công trình được đầu tư đồng bộ. Việc điều chỉnh mặt cắt đường phải phù hợp với chiều rộng của cầu, tránh trường hợp đường rộng cầu hẹp, tạo nút thắt cổ chai, gây tắc nghẽn và mất an toàn giao thông.

So sánh Nghị quyết 38 và dự thảo Nghị quyết mới ít có sự thay đổi trong khi Nghị quyết 38 vẫn còn hiệu lực, một số đại biểu cho rằng không cần thiết phải sửa đổi Nghị quyết 38 mà chỉ cần có Nghị quyết về điều chỉnh tiến độ và một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh phù hợp với tình hình thực tế.

* Cân nhắc quy định thẩm quyền truy đuổi của lực lượng hải quan

Cũng trong buổi chiều, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về dự án Luật hải quan sửa đổi. Nhiều ý kiến cho rằng việc sửa đổi Luật cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan, phục vụ yêu cầu đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước và tham ô, tham nhũng trong quá trình hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Nhận thấy việc bổ sung quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan là cần thiết, đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các quy định trong Công ước KYOTO của Tổ chức Hải quan Thế giới và yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan, song các đại biểu cho rằng quy định tại Điều 17 dự thảo Luật chưa làm rõ nội hàm và các nguyên tắc cơ bản của việc áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan để bảo đảm tính khả thi trong các quy định của Luật. Đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng các đối tượng được xem là rủi ro không thể kiểm tra hết, cần tập trung vào đối tượng có khả năng rủi ro cao nhưng đồng thời phải thực hiện phương pháp kiểm tra xác suất ngẫu nhiên.

Một số đại biểu cũng đề nghị xem lại quy định cho phép l ực lượng hải quan tiếp tục truy đuổi để áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với hàng hoá, phương tiện vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đang di chuyển từ địa bàn hoạt động hải quan ra khu vực khác , được bổ sung trong dự thảo Luật. Đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đồng tình với việc vẫn trao quyền thẩm quyền này cho hải quan nhưng cần làm rõ, việc truy đuổi của lực lượng hải quan được tiến hành đến đâu, phối hợp với các lực lượng khác như thế nào, bởi trong việc này, cảnh sát giao thông, cảnh sát điều tra là hai chủ thể rất quan trọng. Chưa hoàn toàn đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyệt Hường đề nghị xem xét lại quy định này vì sẽ trùng với thẩm quyền của các ngành khác như bộ đội biên phòng....

Nhiều ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ về hồ sơ hải quan; thông quan điện tử; việc xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan; việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới.

                                                                                  (Theo TTXVN)

;
.