Bộ trưởng Bộ Y tế: Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất
Thứ Tư, 02/04/2014, 14:19 [GMT+7]
Chiều 1-4, trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định sẽ kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất, thiếu y đức.
Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến |
*"Nóng" vấn đề y đức và tai biến y khoa
Trả lời chất vấn của nhiều đại biểu về vấn đề y đức, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trên thực tế, vẫn còn một số cán bộ y tế không giữ vững được phẩm chất và đạo đức của người thầy thuốc, vi phạm quy chế chuyên môn, quy tắc ứng xử, có thái độ không đúng mực và gây phiền hà cho người bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân chủ quan từ chính những cán bộ trong ngành còn chạy theo lối sống thực dụng, xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp, cố ý làm trái quy chế, quy trình chuyên môn và quy định hành nghề. Nguyên nhân khách quan là do sự quá tải ở các bệnh viện khiến người bệnh, gia đình người bệnh và cả nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng thẳng nên dễ xảy ra tình trạng thực hiện chưa đúng các quy định về giao tiếp, ứng xử.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) về những giải pháp trọng tâm để y đức chuyển biến tích cực hơn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết: Bộ đã ban hành Thông tư quy định về quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp, tăng cường kiểm tra, giám sát ở tất cả các đơn vị trong ngành; xử lý kiên quyết, nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đồng thời khen thưởng, khuyến khích các tập thể, cá nhân làm tốt… Một cách làm mà Bộ thấy rất hiệu quả đó là việc tổ chức tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân trên toàn quốc thông qua đường dây nóng 24/24h. Đường dây nóng của ngành được tổ chức theo 3 cấp: tại các bệnh viện, tại Sở Y tế và tại Bộ Y tế. Các số điện thoại đường dây nóng được công khai tại các cơ sở khám, chữa bệnh để tiếp nhận những ý kiến liên quan tới y đức, thái độ ứng xử, thăm, khám chữa bệnh của đội ngũ y, bác sỹ.
Trong 5 tháng qua, tổng đài đã nhận được hơn 2.000 cuộc gọi có liên quan, trong đó 40% cuộc gọi phản ánh thái độ ứng xử, 12% phản ánh về việc thanh toán viện phí, 22% cuộc gọi phản ánh làm sai quy trình và 25% cuộc gọi phản ánh cơ sở chật chội. Qua đường dây nóng, Bộ Y tế đã kịp thời nắm bắt thực trạng khám, chữa bệnh, chỉ đạo các bệnh viện xử phạt cán bộ có thái độ làm sai quy định. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phản ánh của người dân và kết quả xác minh, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ và các Sở Y tế kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Điển hình là Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu đã buộc thôi việc đối với một hộ lý nhận phong bì của người nhà bệnh nhân; Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) xử lý nghiêm bác sỹ có thái độ cáu gắt trong giao tiếp, thiếu giải thích một số thắc mắc về bệnh lý của bệnh nhân; Sở Y tế tỉnh Thái Bình đã cách chức Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa Hưng Nhân…
Cùng với những tiêu cực trong ngành, tai biến y khoa cũng là vấn đề gây nhiều bức xúc trong thời gian qua. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến : Nhiều tai biến là lỗi của y khoa mà nền y học vẫn bất lực. Có những nguyên nhân xảy ra tai biến y khoa rất đặc thù, người thầy thuốc khó có thể tránh được sai sót. Có nguyên nhân do sơ ý, do sự vô trách nhiệm của người thầy thuốc. Bộ trưởng cho biết chỉ có thể hạn chế bằng việc tăng cường thanh, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với người bệnh, gia đình người bệnh, xử lý nghiêm tất cả các sai sót, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ mất phẩm chất đạo đức.
*Tăng đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho tuyến trên
Về những băn khoăn của đại biểu xung quanh việc đầu tư cho y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nhu cầu đầu tư cho y tế cơ sở còn rất lớn, nhưng nguồn vốn đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách, trái phiếu Chính phủ, các dự án ODA, không xã hội hóa hoặc thu hút được các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác vào khu vực này. Bộ đã đưa ra các giải pháp phân loại các trạm y tế xã để có đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí nhân lực cho phù hợp với 3 loại hình.
Theo đó các trạm y tế phường, thị trấn, gần bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện chỉ làm nhiệm vụ dự phòng là chính, sẽ đầu tư ở mức thấp; các trạm y tế xã ở vùng đồng bằng, có khoảng cách đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện không xa, chủ yếu làm nhiệm vụ y tế dự phòng, sơ cứu, cấp cứu ban đầu nên sẽ đầu tư ở mức vừa phải; các trạm y tế xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, có khoảng cách đến bệnh viện, trung tâm y tế huyện xa phải đầu tư tương đối về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực. Cùng với đó, phát triển mô hình bác sỹ gia đình để góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở trạm y tế xã và mở rộng ở các cơ sở hành nghề tư nhân nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân tại cơ sở. Từ nay đến 2016, Bộ sẽ làm thí điểm sáp nhập một số trung tâm y tế huyện với bệnh viện huyện tại một số địa phương để tổng kết, đánh giá, sau năm 2016 sẽ thiết lập mô hình mới.
*Quản lý chặt các cơ sở y tế tư nhân
Trước ý kiến của các đại biểu về những tồn tại của các cơ sở hành nghề y tế tư nhân như hành nghề vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn cho phép, lạm dụng cận lâm sàng nhằm thu lợi nhuận cao, quá coi trọng lợi nhuận, coi thường pháp luật, lợi dụng lòng tin của người dân, quảng cáo không đúng khả năng chuyên môn hoặc vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép, không niêm yết giá hoặc có niêm yết nhưng thu tiền cao hơn giá niêm yết.., Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bộ sẽ quản lý chặt đồng thời vẫn tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển. Bộ đã chỉ đạo và cùng các địa phương tổ chức thanh tra toàn diện các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, y tế nước ngoài, thẩm mỹ viện, các tỉnh đều tiến hành thanh, kiểm tra đồng loạt và có giải pháp xử lý từ cảnh cáo đến rút giấy phép hành nghề. Bộ đã đề nghị các cơ quan liên quan phải đưa vào kiểm duyệt đối với hoạt động quảng cáo về thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm.
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến thu gọn đầu mối y tế tuyến huyện, xã; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thuốc chữa bệnh và đấu thầu thuốc. Đại diện các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư cũng đã giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức và biên chế cán bộ, công chức, viên chức ngành y, nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thanh Vân
(TTXVN)
;