Xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự

Thứ Ba, 15/04/2014, 10:44 [GMT+7]
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan trong việc triển khai thí điểm chế định thừa phát lại theo Nghị định số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm Thừa phát lại và Quyết định số 510/QQĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. 
Theo đó, 13 địa phương (gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang, Vĩnh Long) đã tổ chức 02 lớp tập huấn tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại; cấp chứng chỉ cho 273 trường hợp đạt kết quả; quyết định bổ nhiệm đối với 53 trường hợp làm Thừa phát lại cho TP. Hồ Chí Minh và 126 trường hợp làm Thừa phát lại cho 12 địa phương mở rộng thí điểm (không bao gồm TP. Hồ Chí Minh), nâng tổng số Thừa phát lại được bổ nhiệm lên 179 trường hợp.
Tính đến ngày 31-3-2014, cả nước có 39 Văn phòng Thừa phát lại (trong đó, tại 12 địa phương thí điểm đã thành lập được 29 Văn phòng). Tuy nhiên, tiến độ triển khai thí điểm chế định Thừa phát lại vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội, Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương cũng thực hiện chưa tốt. Nhận thức của người dân và cán bộ, công chức trong ngành tư pháp về chế định Thừa phát lại còn hạn chế...
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay việc thực hiện thí điểm thừa phát lại mới chỉ được điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ và các thông tư liên tịch giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thiếu các quy định cụ thể của luật để bảo đảm hiệu lực của việc xã hội hóa hoạt động thi hành án. Do đó, tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, Chính phủ đề nghị bổ sung một số quy định để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự.
P.V
;
.