Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Lai Châu

Thứ Hai, 04/08/2014, 14:52 [GMT+7]
Ngày 01/8/2014, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã làm việc với Tỉnh ủy Lai Châu nắm tình hình, quán triệt Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện Kế hoạch số 35-KH/CCTP ngày 14/3/2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về việc triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị. Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 92-KH/TU ngày 21/4/2014 về việc tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt Kết luận 92-KL/TW. Ngày 12/5/2014, Thường trực Tỉnh ủy chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt đầy đủ nội dung Kết luận 92-KL/TW; Báo cáo kết quả tổng kết, đánh giá của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm qua 8 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW và thông qua dự thảo Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ cải cách tư pháp của tỉnh Lai Châu đến năm 2020 theo Kết luận 92-KL/TW. Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 101-KH/TU ngày 02/6/2014 về thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các Ban Cán sự đảng, đảng ủy, cấp ủy các cơ quan tư pháp; các huyện ủy, thành ủy và Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc tỉnh chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã tổ chức 17 hội nghị tuyên truyền, phổ biến ở các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; 128 hội nghị cấp cơ sở, với hơn 1.000 đảng viên, cán bộ, công chức tham dự; có 8 huyện, thành ủy, cơ quan tư pháp đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận. Qua việc tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ các văn bản của Trung ương của tỉnh đã tạo sự thống nhất nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên và của cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Về tình hình tổ chức, hoạt động tư pháp và kết quả cải cách tư pháp của các cơ quan Tư pháp 6 tháng đầu năm 2014, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Công an, Đảng ủy Công an tỉnh đã đẩy mạnh việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và Đề án của Chính phủ về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm; ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống tội phạm; tổ chức các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Đã chỉ đạo làm tốt công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; tấn công truy quét các loại tội phạm, đã làm rõ 90/108 vụ tội phạm về trật tự xã hội; 261 vụ, 273 đối tượng phạm tội về ma túy, 77 vụ, việc vi phạm về quản lý kinh tế, 45 vụ việc liên quan đến quản lý môi trường; truy bắt, vận động 21 đối tượng truy nã ra đầu thú. Hoàn thiện tổ chức bộ máy cơ quan điều tra theo chiến lược cải cách tư pháp, tiếp tục củng cố kiện toàn, rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất phục vụ công tác điều tra
Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, trong đó tập trung việc nghiên cứu tiến hành thực hiện đề án viện kiểm sát khu vực phù hợp với Toà án khu vực; tập trung đề án xác định vị trí việc làm của ngành Kiểm sát Lai châu, đã xác định 6 vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý với tổng số 48 biên chế; 30 vị trí việc làm gắn với chuyên môn, nghiệp vụ; rà soát đội ngũ cán bộ để xây dựng kế hoạch đào tạo, đã cử 70 cán bộ theo học các lớp ngắn hạn, dài hạn về chuyên môn và lý luận chính trị; tổ chức thi thí điểm bổ nhiệm lãnh đạo và chức danh kiểm sát viên các cấp, thực hiện chế độ tập sự lãnh đạo; thống kê số lượng và chất lượng trang thiết bị phục vụ công tác ở các đơn vị.
Tiếp nhận và thụ lý tổng số 416 tin báo tội phạm, đã xử lý 400 tin đạt 92,6%, trong đó khởi tố hình sự 348 tin, chiếm 87%; tiến hành 4 cuộc kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo tại cơ quan điều tra, Hạt kiểm lâm, Đồn biên phòng cùng cấp; ban hành 4 kết luận và kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm; kiểm sát điều tra án hình sự 411 vụ/627 bị can; kiểm sát công tác thi hành án dân sự 637 việc, đạt 63% số vụ việc có điều kiện thi hành. Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân trong hoạt động xét xử, nhất là việc tổ chức xét xử lưu động và tuyên truyền pháp luật; kiểm sát chặt chẽ các bản án của Tòa án kịp thời phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị; tổ chức 15 phiên tòa rút kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng xét hỏi, tranh tụng của kiểm sát viên. Do đó, tiến độ, chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra luôn đảm bảo, không để xảy ra các trường hợp phải đình chỉ vì oan sai.
Ban cán sự Đảng Toà án nhân dân tỉnh đã triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, xác định lộ trình và nội dung gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị trong ngành. Năm 2014, ngành Tòa án được giao 114 biên chế, hiện có mặt 104 biên chế, trong đó có 10 thẩm phán trung cấp, 25 thẩm phán sơ cấp, 6 thẩm tra viên, 6 chuyên viên, 33 thư ký Toà án, còn lại 24 chức danh khác. Toàn ngành đã thụ lý 488 vụ án các loại; đã giải quyết 381 vụ, đạt tỷ lệ 71,8% (so với cùng kỳ năm 2013 giảm 20 vụ). Xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, đông dân cư nơi xảy ra tội phạm 93 vụ (tăng 45 vụ so với cùng kỳ năm 2013); một số vụ đã được xét xử theo thủ tục rút gọn. 
Cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được kiện toàn. Cấp tỉnh có Cục thi hành án dân sự và 8/8 Chi cục Thi hành án các huyện, thành phố, biên chế của toàn ngành 82, hiện có mặt 77, trong đó 23 chấp hành viên, 01 thẩm tra viên và 12 thư ký thi hành án. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan thi hành án dân sự được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ công tác. Trong 6 tháng, cơ quan thi hành án dân sự đã thụ lý 1.077 việc, tăng 68 việc (7%) so với cùng kỳ năm 2013, hơn 16,4 tỷ đồng (tăng 11,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2013).
Các tổ chức bổ trợ tư pháp được thành lập và từng bước nâng cao chất lượng hoạt động góp phần quan trọng hỗ trợ các hoạt động tư pháp. Hiện nay tỉnh có 2 tổ chức giám định tư pháp (Phòng kỹ thuật hình sự - PC21 thuộc Công an tỉnh và Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế), 28 giám định viên tư pháp, 24 giám định viên ; 6 tháng đầu năm đã thực hiện giám định 273 vụ việc. 
Đoàn Luật sư của tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2013 và 2 Văn phòng luật sư, 1 Chi nhánh Văn phòng Luật sư. Nhìn chung, hoạt động của Văn phòng và chi nhánh Văn phòng luật sư trong thời gian qua đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tố tụng trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 1 phòng công chứng với 2 công chứng viên, 6 tháng đầu năm 2014 phòng công chứng số 01 đã thực hiện 589 việc, 2.098 bản, thu nộp ngân sách 189.680.000 đồng. Thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020”, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch 1603/KH-UBND triển khai thực hiện “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh.
Đến nay 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các sở, ngành tỉnh trình HĐND và UBND tỉnh đều có ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp; 6 tháng đầu năm Sở Tư pháp thẩm định 20 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tham gia ý kiến đối với 9 dự thảo văn bản do các ngành đề nghị và tham gia góp ý vào 6 dự án Luật theo yêu cầu của Đoàn ĐBQH tỉnh; thực hiện rà soát nhiều văn bản do HĐND và UBND các cấp ban hành, tham mưu xử lý kịp thời theo quy định pháp luật. 
Kết luật Hội nghị, đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá cao kết quả việc triển khai, quán triệt, thực hiện Kết luận số 92/KL/TW của Bộ Chính trị của Tỉnh ủy Lai Châu và kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2014 của các cơ quan tư pháp tỉnh. Mặc dù là một tỉnh miền núi có nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực nhưng với sự lãnh đạo có định hướng của Tỉnh ủy, sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành hoạt động tư pháp đã có những chuyển biến tích cực, nhất là các nội dung liên quan đến nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần nghị quyết 49-NQ/TW.
                     Nguyễn Vĩnh Thọ 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu)
;
.