Kon Tum: Tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
Thứ Ba, 05/08/2014, 11:20 [GMT+7]
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Kon Tum về kiểm tra, khảo sát nắm tình hình quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Quang cảnh buổi làm việc |
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 92-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ở tỉnh và các cấp, các ngành và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương có kế hoạch triển khai thực hiện, việc tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch thực hiện được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum, các cấp, các ngành của địa phương tiến hành kịp thời, có chất lượng đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan tư pháp tiếp tục được nâng lên. Từ đó, đã phát huy tinh thần trách nhiệm và hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Hoạt động của các cơ quan tư pháp, nhất là công tác điều tra, truy tố, xét xử có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được ủng cố, kiện toàn; cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng...đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều năm liền Kon tum đã làm tốt công tác điều tra, xét xử, nhất là án hình sự không có oan sai.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ nguyên nhân những hạn chế, tồn tại trong công tác cải cách tư pháp của địa phương, như: tiêu chuẩn điều tra viên quá cao dẫn đến thiếu về số lượng; hiện tượng lơ là công tác tư pháp chạy theo công tác điều tra; bất lợi của mô hình Viện kiểm sát khu vực với thực tế địa phương; chất lượng mô hình tố tụng, tranh tụng tại phiên tòa; việc tái bổ nhiệm thẩm phán còn chậm…
Tỉnh Kon Tum cũng kiến nghị Trung ương sớm ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Luật thi hành án dân sự (sửa đổi)… đảm bảo phù hợp các quy định của Hiến pháp năm 2013; kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các ngành tư pháp nói chung và cán bộ có chức danh tư pháp nói riêng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao nỗ lực của địa phương trong công tác cải cách tư pháp, đồng thời đề nghị địa phương tăng cường công tác đào tạo hoàn thiện đội ngũ cán bộ và các chức danh tư pháp; bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, bảo đảm quyền của bị can, bị cáo, của đương sự, bảo đảm nguyên tắc độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong hoạt động xét xử.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng lưu ý, trong công tác điều tra phải gắn hoạt động điều tra và trinh sát. Khối các cơ quan tham gia một số hoạt động điều tra ban đầu vẫn giữ thẩm quyền, nhưng phải bảo đảm theo những quy định của tố tụng và pháp luật. Trong hoạt động điều tra, vai trò của Viện kiểm sát là phải tham gia ngay từ đầu và tạo điều kiện thuận lợi cho các luật sư tham gia ngay từ đầu để tránh oan sai, tránh lọt tội phạm.
Vũ Huệ
(Văn phòng Quốc hội)
;