Tọa đàm về tư pháp hình sự của Thụy Sỹ

Thứ Sáu, 10/10/2014, 10:15 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 8-10, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức Tọa đàm về tư pháp hình sự của Thụy Sỹ. TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp chủ trì Tọa đàm. 
Các đại biểu dự Tọa đàm
Các đại biểu dự Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, ông Andreas Keller, nguyên Chánh án tòa án hình sự liên bang Thụy Sỹ đã trình bày một số vấn đề trong pháp luật tố tụng hình sự Thụy Sỹ: sự tham gia của luật sư trong các giai đoạn tố tụng; quyền im lặng của bị can, bị cáo; các căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn (tạm giam, tạm giữ); cơ chế khiếu nại đối với các quyết định, hành động của cơ quan điều tra, viện công tố; phạm vi xét xử của thẩm phán; việc xét xử theo thủ tục giản lược…
Theo đó, luật sư được quyền tiếp cận với thân chủ của mình ngay từ buổi hỏi cung đầu tiên. Bất kỳ cuộc hỏi cung nào do lực lượng cảnh sát điều tra, viện công tố tiến hành đều bắt buộc có mặt luật sư. Trường hợp luật sư được triệu tập từ chối có mặt, việc hỏi cung vẫn có thể diễn ra nhưng bị can có quyền được im lặng. Luật sư được quyền tiếp cận toàn bộ hồ sơ, tài liệu về bị can, bị cáo nhưng có thể bị từ chối bởi cơ quan điều tra, viện công tố trong những trường hợp nhất định. Khi áp dụng các biện pháp nghe lén, nghe trộm điện thoại, cơ quan điều tra, viện công tố phải được sự cho phép của Thẩm phán tòa án bang hoặc liên bang. Tại phiên tòa, Thẩm phán có quyền trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung; mời nhân chứng, tiến hành trưng cầu giám định nếu thấy cần thiết. Thủ tục rút gọn tại phiên tòa giản lược của Thụy Sỹ được áp dụng đối với các vụ án đáp ứng được các điều kiện: bị can, bị cáo thừa nhận có tội; lúc đàm phán về việc áp dụng thủ tục này phải có mặt, không cử người khác thay thế; chỉ áp dụng đối với các loại tội ít nguy hiểm (hình phạt cao nhất là 6 tháng tù)…
Kết thúc buổi Tọa đàm, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp đánh giá cao những chia sẻ của ông Chánh án tòa án hình sự liên bang Thụy Sỹ. Những nội dung này sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để Việt Nam tham khảo, vận dụng trong quá trình sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam vào năm 2015. 
Phương Thảo
;
.