Quảng Ninh: Lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi
Thứ Ba, 18/11/2014, 09:34 [GMT+7]
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Ninh vừa chủ trì Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi. Dự Hội nghị có các đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Đỗ Vũ Chung, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; đại diện một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị |
Dự thảo Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi gồm 8 phần, 36 chương, 476 điều, trong đó có 286 điều sửa đổi, 142 điều bổ sung mới, giữ nguyên 48 điều và bỏ 12 điều. Việc xây dựng Dự án Bộ Luật Tố tụng hình sự sửa đổi nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn chủ trương cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp năm 2013 liên quan đến tố tụng hình sự, đảm bảo tính liên tục, hiệu lực, hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự. Đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các luật, pháp lệnh vừa được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Các đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tập trung vào các nội dung: tăng quyền, tăng trách nhiệm cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán; mở rộng diện người tiến hành tố tụng đối với trợ lý điều tra viên, kiểm tra viên, thẩm tra viên; quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; trình tự xét hỏi tại phiên tòa; thẩm quyền khởi tố của tòa án…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh nhấn mạnh: Qua hơn 10 năm thi hành Bộ Luật Tố tụng hình sự đã thực sự phát huy tính hiệu quả. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thực hiện tốt; quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự ngày càng được đảm bảo.
Tuy nhiên đến nay thực tiễn đã chứng minh một số quy định trong một số điều của Bộ luật không còn phù hợp do yêu cầu của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì thế, việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng Hình sự là việc làm cần thiết. Các đại biểu dự hội nghị tham gia góp nhiều ý kiến để cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Tư pháp Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị trình Quốc hội trong các kỳ họp tới.
Bùi Hữu Phong
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh)
;