Quảng Trị: Kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp 9 tháng đầu năm 2014

Thứ Ba, 11/11/2014, 15:22 [GMT+7]
Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Trị đã họp phiên thứ 2 năm 2014 nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp quý IV năm 2014. Đồng chí Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì Phiên họp.
Các đại biểu dự Phiên họp
Các đại biểu dự Phiên họp

Theo báo cáo tại Hội nghị, 9 tháng qua, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Quảng Trị đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các cơ quan tư pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng. Đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 92-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”. Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, các cơ quan tư pháp chỉ đạo việc triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 theo tinh thần Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 03-1-2014 của Ban Bí thư Trung ương về triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. 
Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu xây dựng, ban hành nhiều văn bản liên quan đến cải cách tư pháp, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan tư pháp; thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thi hành văn bản pháp luật, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp theo luật định.
Cơ quan Công an điều tra khám phá 286 vụ án hình sự về trật tự xã hội, đạt 73,1% số vụ; khởi tố 143 vụ/197 bị can. 
Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp đã thụ lý 458 tin báo, giải quyết 390 tin, đạt tỷ lệ 80%, được Cơ quan điều tra tiếp nhận, phân loại, xử lý; tiếp nhận 114 đơn khiếu nại, tố cáo, đã giải quyết 24 đơn thuộc thẩm quyền, tiếp 43 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo; phối hợp điều tra đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự; phối hợp với Cơ quan điều tra, Toà án cùng cấp xác định 10 vụ án điểm và 01 vụ án rút gọn, không xảy ra việc đình chỉ vụ án, bị can do không phạm tội và quá hạn luật định.  
Tòa án nhân dân 2 cấp thụ lý 3.866 vụ án các loại, đã giải quyết 3.085 vụ; thụ lý giải quyết 336/492 bị cáo; xét xử lưu động 184 vụ. Công tác xét xử đảm bảo tiến độ và chất lượng. Các vụ án hình sự có tính chất phức tạp, dư luận quan tâm được đưa ra xét xử đảm bảo kịp thời, đúng pháp luật. 
Về thi hành án dân sự, đến hết tháng 9-2014 đã thụ lý 2.801 việc, tiến hành phân loại 2.641 việc có điều kiện thi hành với số tiền gần 137,7 tỷ đồng; đã thi hành xong 5.099 vụ án dân sự, với số tiền 62,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 64% về tiền. 
Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh năm 2014; thẩm định 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các ngành xây dựng; thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi việc thi hành văn bản pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính… 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phối hợp trong giải quyết các vụ án có lúc, có nơi chưa chặt chẽ và thống nhất cao. Một số kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư và cán bộ có chức danh tư pháp khác thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên chất lượng, hiệu quả của hoạt động tranh tụng còn hạn chế. Việc trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng còn xảy ra. Án sửa, án chưa giải quyết vẫn còn. Việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm có khâu lúng túng, hiệu quả chưa cao. Số vụ việc thi hành án dân sự không có khả năng thi hành vẫn còn ở mức cao, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Công tác giám định tư pháp còn nhiều khó khăn…
Nhân sự lãnh đạo của 05 Toà án nhân dân cấp huyện chưa được bổ sung quy hoạch cho nhiệm kỳ 2015-2020. Việc thực hiện tăng thẩm quyền xét xử cho cấp huyện nhưng không tăng thêm biên chế và kinh phí hoạt động đã gây lúng túng trong điều động, bổ sung cán bộ. Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh được kiện toàn, nhưng vai trò tư vấn cũng như tranh tụng tại tòa của các luật sư còn hạn chế. Đội ngũ giám định viên thiếu, việc bổ nhiệm giám định viên pháp y theo chuyên ngành khó khăn…
Hội nghị đã thống nhất thông qua nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp quý IV năm 2014: các cấp ủy đảng tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo đối với các cơ quan tư pháp; giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống; làm tốt công tác tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử đối với các hoạt động tư pháp và công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan tư pháp.
Các cơ quan tư pháp nâng cao hơn nữa chất lượng phát hiện, điều tra làm rõ và xử lý các loại tội phạm; chú trọng tiếp nhận và xử lý về tin báo tội phạm, chống bỏ lọt tội phạm và oan sai. Tăng cường phối hợp xác định các vụ án trọng điểm để thống nhất tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử. Củng cố vai trò, vị trí của luật sư, tư vấn pháp luật bảo đảm việc bào chữa đáp ứng yêu cầu tranh luận tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp. 
Ban Nội chính Tỉnh uỷ tham mưu Tỉnh uỷ xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng triển khai thực hiện Kế hoạch số 38-KH/CCTP ngày 15-8-2014 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương “đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp » ;  phối hợp với cấp uỷ các ngành tư pháp để rà soát lại đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp, nhất là cán bộ dự kiến tham gia cấp uỷ nhiệm kỳ 2015-2020 báo cáo Thường vụ Tỉnh uỷ. 

Phan Công Bình
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị)
;
.