Kon Tum: Kết quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014

Thứ Năm, 18/12/2014, 15:26 [GMT+7]
Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Công văn (số 263/UBND-KTTH ngày 10-02-2014) “Về việc triển khai nhiệm vụ thu chi ngân sách nhà nước năm 2014”, chỉ đạo các đơn vị rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi ngân sách nhà nước, chủ động cân đối, điều hòa thực hiện nhiệm vụ (kể cả các nhiệm vụ phát sinh) trong phạm vi dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ quy định; thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách để hoàn thành nhiệm vụ được giao.  
Một cuộc họp tại UBND tỉnh Kon Tum
Một cuộc họp tại UBND tỉnh Kon Tum
Để tăng cường công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh cũng ban hành Công văn (số 570/UBND-KTTH ngày 17-3-2014) “Về việc triển khai thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014”, chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về tiết kiệm chi thường xuyên năm 2014, ngoài kinh phí thực hiện tiết kiệm 10% số chi thường xuyên qua các đợt cải cách tiền lương để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định 45.884 triệu đồng, năm 2014 tiếp tục triển khai và giữ lại ngân sách tỉnh kinh phí tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm 1.020 triệu đồng để tạo nguồn cải cách tiền lương đợt sau theo lộ trình của Chính phủ.
Qua công tác kiểm soát chi trong năm đã từ chối thanh toán, tiết kiệm cho ngân sách 24.393 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do sai chứng từ, sai mục lục ngân sách, thanh toán không đúng với hợp đồng, không đủ kế hoạch vốn, dự án mới khởi công nhưng quyết định phê duyệt dự án sau ngày 31-10-2013.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Kon Tum, nhìn chung, các đơn vị đã chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về thực hiện các tiêu chuẩn, chế độ, định mức ban hành. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện công tác quản lý nguồn kinh phí được giao, ngay từ đầu năm các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bố trí nhiệm vụ phù hợp với nguồn kinh phí được giao nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra; đồng thời tiếp tục xây dựng chương trình, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ là cơ sở thực hiện cho năm ngân sách. 
Riêng tại các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính đều hoàn thành nhiệm vụ quản lý tài sản, sử dụng lao động hợp lý, tăng thu bổ sung thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ tài chính với quy chế chi tiêu nội bộ chặt chẽ, hợp lý đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tham gia vào công tác quản lý, sử dụng kinh phí tại các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm triệt để kinh phí hoạt động tại các đơn vị. 
Trong năm 2014, thực hiện Nghị định 130/2005/NĐ-CP, tại các cơ quan hành chính cấp tỉnh đã tiết kiệm được 21.913 triệu đồng; các cơ quan hành chính cấp huyện tiết kiệm được 2.344 triệu đồng. Thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP, tại các đơn vị sự nghiệp công lập tuyến tỉnh đã tiết kiệm được 17.436 triệu đồng; các đơn vị sự nghiệp tuyến huyện tiết kiệm được 793 triệu đồng. 
Trong quản lý đầu tư xây dựng, nhìn chung, các cơ quan, đơn vị quản lý đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án đầu tư, chủ đầu tư, đơn vị thực hiện dự án đầu tư trong tỉnh sử dụng ngân sách nhà nước đã chấp hành đúng các quy định hiện hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các sở, ban ngành trong tỉnh, UBND huyện, thành phố thường xuyên tiến hành tổ chức, sắp xếp lại các Ban quản lý dự án đầu tư theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, đủ năng lực chuyên môn; tách bạch các đơn vị tư vấn đầu tư và xây dựng với chủ đầu tư, chủ dự án để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, gây lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế nhất là trong lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách Nhà nước như: đầu tư xây dựng cơ bản, chi thường xuyên. Một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; chưa cụ thể hoá các tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu làm cơ sở cho việc đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chưa thực hiện tốt việc tiết kiệm trong quản lý chi tiêu nội bộ.
Hoài Thu
(Bộ Tài chính)
;
.