Diễn đàn pháp luật hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới
(BNCTW) - Trong 2 ngày 29 và 30-1, tại Quảng Ninh, trong khuôn khổ dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện, Ủy ban pháp luật của Quốc hội và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức “Diễn đàn pháp luật hoàn thiện quy định về tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp mới”. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và bà Laura Mckechnie, đại diện USAID tại Việt Nam chủ trì Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Mục đích của Diễn đàn nhằm tạo cơ hội để các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý nhiều kinh nghiệm trao đổi, thảo luận một cách kỹ hơn về mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương (CQĐP) ở từng loại đơn vị hành chính phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Từ đó đề xuất những kiến nghị thiết thực phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương sẽ được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015) của Quốc hội.
Nội dung của Diễn đàn tập trung vào 2 chủ đề: Mô hình tổ chức CQĐP và nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa trung ương và địa phương.
Về mô hình tổ chức CQĐP, dự thảo luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1- Không tổ chức HĐND phường; Phương án 2- Giữ nguyên mô hình tổ chức CQĐP như hiện nay (HĐND và UBND được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính).
Tại Diễn đàn, một số ý kiến tán thành với Phương án 1, cho rằng phương án này phù hợp với chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của đảng và Hiến pháp năm 2013; khắc phục được một số bất cập trong bối cảnh bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hoạt động kém hiệu quả như hiện nay. Một số ý kiến khác tán thành phương án 2 và cho rằng việc bỏ HĐND phường sẽ làm cho chính quyền xa dân hơn, không bảo đảm nguyên tắc ở đâu có quyền lực, ở đó quyền lực phải được giám sát, hơn nữa, bỏ HĐND phường là bỏ đi một thiết chế đại diện quyền làm chủ của nhân dân, bỏ đi một kênh giám sát quyền lực của nhân dân. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, không tổ chức HĐND phường, áp dụng cơ chế nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường sẽ không làm mất đi quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. Cũng có ý kiến khác cho rằng, không tổ chức HĐND chỉ nên áp dụng đối với cấp chính quyền trung gian (quận, huyện); còn đối với cấp phường – cấp chính quyền cơ sở, gần dân, sát dân nhất thì vẫn nên tổ chức HĐND.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ có thể quy định mang tính nguyên tắc, thẩm quyền của trung ương và địa phương nên được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Việc phân quyền cho địa phương phải đảm bảo xuất phát từ dưới lên, việc nào, cấp nào có thể thực hiện tốt nhất thì giao cho cấp đó và không vượt qua thẩm quyền chung của trung ương song vẫn phải bảo đảm quyền tự chủ của CQĐP trong việc quyết định các nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương. Muốn vậy, vấn đề đặt ra là có giao cho CQĐP thẩm quyền trong việc quyết định thu, chi ngân sách và việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, cách chức, luân chuyển cán bộ, công chức trong bộ máy của chính quyền địa phương không, nếu có thì mức độ đến đâu? Các lĩnh vực khác như đất đai, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông… cũng cần được phân quyền cho CQĐP như thế nào.
Phương Thảo