Đổi mới phương pháp để tiến tới rút ngắn thời gian thanh tra

Thứ Sáu, 23/01/2015, 10:25 [GMT+7]

Ngày 22-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai công tác năm 2015 của ngành Thanh tra. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, năm 2014, toàn ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.683ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc.

Ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng. Trong năm 2014, toàn ngành đã kiến nghị xử lý 40 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 33 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức như cảnh cáo, khiển trách; bảy người đang xem xét hình thức xử lý kỷ luật; chuyển đổi vị trí công tác 18.717 cán bộ, công chức, viên chức.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng kết quả của ngành Thanh tra đã góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội chung của đất nước trong năm 2014, nhất là công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng. Qua công tác thanh tra, thu hồi cho Nhà nước khối lượng lớn tiền, tài sản cho ngân sách Nhà nước.

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực công tác thanh tra năm vừa qua như một số đơn vị xây dựng kế hoạch chưa sát với tình hình thực tế, số cuộc thanh tra đột xuất còn chiếm tỷ lệ khá cao; chất lượng một số kết luận thanh tra còn thấp; không ít cuộc thanh tra còn chậm kết luận; việc triển khai thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng còn hạn chế.

Phó Thủ tướng chỉ ra rằng Thủ trưởng một số địa phương, bộ, ngành chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra các bộ, ngành, địa phương phù hợp với quy định của pháp luật còn chậm; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, công chức trong thanh tra tuy đã từng bước đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Định hướng công tác thanh tra năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lực lượng thanh tra toàn quốc đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương; kịp thời phát hiện và chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa vai trò tham mưu cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Phó Thủ tướng đề nghị Thanh tra Chính phủ khẩn trương hoàn tất, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục tham mưu, hoàn thiện thể chế thanh tra, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành Thanh tra cần triển khai thực hiện khoa học, nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các cuộc thanh tra, đảm bảo khách quan, minh bạch; đổi mới phương pháp chỉ đạo, hoạt động thanh tra theo hướng rút ngắn thời gian thanh tra; tăng cường phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan trong triển khai nhiệm vụ.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có giải pháp đột phá xây dựng cán bộ thanh tra năng lực, có đủ phẩm chất; đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ 2015.

(Theo TTXVN)

;
.