Công bố hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014
(BNCTW) - Ngày 14-4, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2014 (PAPI 2014). Chỉ số PAPI 2014 được khảo sát và phân tích, đánh giá bởi Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Kết quả PAPI 2014 phản ánh cảm nhận và trải nghiệm của người dân về hiệu quả phòng, chống tham nhũng của các cấp chính quyền qua 6 nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; tính công khai - minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.
Quang cảnh Lễ công bố |
Báo cáo chỉ số PAPI 2014 tổng hợp ý kiến của hơn 13.500 người dân được chọn mẫu ngẫu nhiên trên toàn quốc. Trong 4 năm qua, 6 chỉ số nội dung về quản trị và hành chính công PAPI không được cải thiện đáng kể. Trong đó, chỉ số Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở sụt giảm điểm nhiều nhất. Chỉ số Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình đạt tiến bộ không đáng kể. Chỉ số Cung ứng dịch vụ công có cải thiện về chất lượng cơ sở hạ tầng cơ bản và ninh, trật tự ở địa bàn khu dân cư, song mức độ hài lòng với chất lượng bệnh viện huyện giảm sút, giáo dục tiểu học công lập khiến người dân quan ngại. Theo kết quả nghiên cứu, đánh giá của người dân về tình trạng tham nhũng trong khu vực công cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng của các cấp chính quyền là “ít có chuyển biến tích cực”. Trong một số lĩnh vực, mức độ vòi vĩnh, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức nhà nước là “có xu hướng gia tăng”. Tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng và hối lộ tồn tại nhiều ở cấp chính quyền địa phương và trong một số dịch vụ hành chính công, dịch vụ công căn bản, nạn tham nhũng đang tăng lên.
PAPI 2014 cho thấy lĩnh vực cung ứng dịch công có dấu hiệu cải thiện ở 3/4 nhóm dịch vụ công (y tế công lập, cơ sở hạ tầng căn bản và an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư). Đặc biệt, những cải thiện trong tiếp cận với cơ sở hạ tầng căn bản (điện, đường, nước sạch phục vụ ăn uống và thu gom rác thải) đã đóng góp nâng điểm chỉ số nội dung này. Tuy nhiên, các kết quả khảo sát cụ thể về hành vi hối lộ của cán bộ, công chức trong khi thực hiện dịch vụ công như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ y tế, giáo dục tiểu học... cho thấy, khoảng 24% số người xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi trả thêm ngoài quy định để nhận được kết quả trong năm 2014. Để được phục vụ tốt hơn trong bệnh viện công lập tuyến huyện, 12% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đã phải chi bồi dưỡng cho cán bộ y tế. Ở cấp tiểu học, 30% số phụ huynh phải bồi dưỡng thêm cho giáo viên.
Điểm số PAPI 2014 giữa các tỉnh, thành phố có nhiều cách biệt, thể hiện sự khác biệt đáng kể về chất lượng quản trị công cấp tỉnh. Hầu hết người dân tham gia khảo sát ở các tỉnh Vĩnh Long, Long An và Bình Dương cho biết họ nhận được dịch vụ và quản trị công chất lượng cao. Mặt khác, người dân ở Cao Bằng, Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi lại cho biết họ nhận được dịch vụ công chất lượng thấp. Kết quả xếp hạng PAPI cho thấy không có tỉnh, thành phố nào đạt điểm cao nhất ở cả 6 chỉ số, song một số tỉnh đạt điểm cao ở 4-5 chỉ số. Quảng Bình tiếp tục là tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số PAPI khi có tới 5 chỉ số thuộc nhóm cao điểm nhất. Ngược lại, Hà Giang là tỉnh đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung.
Thu Huyền