Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về những nội dung lớn trong Dự thảo Bộ luật hình sự

Thứ Ba, 14/04/2015, 17:17 [GMT+7]

(BNCTW) - Trong hai ngày 13, 14-4, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về một số vấn đề lớn liên quan đến Dự thảo Bộ luật hình sự (BLHS) đang được tiến hành sửa đổi. Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Tọa đàm.

Tham dự có đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, các nhà nghiên cứu, khoa học và các chuyên gia quốc tế đến từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Văn phòng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Pháp.

Toàn cảnh Tọa đàm
Toàn cảnh Tọa đàm

Các đại biểu đã trình bày và thảo luận về các nội dung cơ bản sau: Các vấn đề liên quan đến nguồn BLHS, không tố giác tội phạm, che giấu tội phạm, xóa án tích, tội phạm tham nhũng; góp ý đối với các quy định về xóa án tích, chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù, chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt trong dự thảo BLHS; các khuyến nghị về người chưa thành niên liên quan trong BLHS; góp ý đối với các quy định về người chưa thành niên trong dự thảo BLHS; kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề hoàn thiện các quy định của BLHS về tội phạm kinh tế; giới thiệu pháp luật Hoa Kỳ về trách nhiệm hình sự của pháp nhân; kinh nghiệm của Pháp trong vấn đề hoàn thiện các quy định của BLHS về tội phạm kinh tế.

Theo ông Marc Hédrich - Phó Chánh án phụ trách về điều tra Tòa án thẩm quyền rộng vùng Le Havre, người chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự tại Pháp là từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi. Tại Pháp, người chưa thành niên phạm tội được xét xử tại một tòa án chuyên biệt do thẩm phán chuyên trách về vị thành niên đảm nhận. Thẩm phán này quyết định hình phạt cần tham khảo báo cáo của những nhà hoạt động cộng đồng về người chưa thành niên phạm tội, ưu tiên việc áp dụng các biện pháp giáo dục và thẩm phán phải theo dõi quá trình thi hành hình phạt để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Các hình phạt đa dạng như: sửa chữa những hậu quả do hành vi phạm tội; thực tập công dân; lao động công ích; phạt tù nhưng được hưởng chế độ đặc biệt. Tố tụng hình sự cho người chưa thành niên luôn luôn phải có luật sư tham gia và Nhà nước đứng ra trả chi phí.

Về trách nhiệm hình sự của pháp nhân, theo bà Brenda Sue Thornton - Cố vấn pháp lý của Đại sứ quán Hoa Kỳ, pháp luật hình sự Hoa Kỳ chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi có đủ ba yếu tố cấu thành tội phạm sau: (1) hành vi vi phạm được thực hiện thông qua nhân viên của pháp nhân; (2) hành vi thực hiện để làm lợi cho pháp nhân; (3) hành vi thực hiện trong phạm vi công việc của nhân viên đó.

Đồng thời, khi quyết định truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân cần phải tính toán đến các vấn đề như: pháp nhân này đã xây dựng “Chương trình tuân thủ” chưa để ngăn ngừa các nhân viên của mình không phạm tội; pháp nhân đã tiến hành sửa chữa các hậu quả chưa, đã xử lý nhân viên vi phạm chưa và có tích cực không trong quá trình hợp tác điều tra với cơ quan chức năng; việc truy tố ảnh hưởng như thế nào đến bên thứ ba (người lao động, người có quyền lợi liên quan,...), gây ra những tác hại như thế nào như vấn đề lương hưu, bảo hiểm xã hội, ảnh hưởng đến quần chúng như thế nào...

Nguyễn Hà Thanh

;
.