Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi)
Thứ Sáu, 10/04/2015, 10:55 [GMT+7]
(BNCTW) - Tiếp tục Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 09-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi).
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt; trong đó, xác định tính chất, trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quy định có tính nguyên tắc về tổ chức chính quyền địa phương (CQĐP) tại các đơn vị này; còn những nội dung cụ thể về cơ chế quản lý, chính sách ưu đãi, đặc thù áp dụng đối với từng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập các đơn vị đó.
Về mô hình tổ chức CQĐP, dự thảo Luật tiếp tục đưa ra 02 phương án: Phương án 1 - Quy định tất cả các đơn vị hành chính đều tổ chức cấp CQĐP (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐP ở nông thôn, đô thị và hải đảo. Phương án 2- Quy định ở cấp phường không tổ chức HĐND. Cách thức thành lập UBND phường cũng có 2 phương án (Phương án 1 - Chủ tịch UBND phường do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường. Phương án 2 - Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức).
Về phân định thẩm quyền giữa trung ương với địa phương và giữa các cấp CQĐP, dự thảo Luật chỉ quy định một cách chung nhất phạm vi những vấn đề, những loại việc mà CQĐP có thể đảm nhiệm được tương ứng với khả năng đáp ứng của bộ máy chính quyền, tính chất của dân cư, địa bàn quản lý. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng như cách thức thực hiện cần được xác định trong các đạo luật chuyên ngành.
Về nhiệm vụ, thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, dự thảo Luật đã được chỉnh lý lại theo hướng, HĐND các cấp không quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; bỏ quy định về HĐND điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết nhằm tránh tùy tiện, bảo đảm tính nghiêm minh của luật ngân sách thường niên; đồng thời, bổ sung quy định về HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của địa phương trong phạm vi được phân quyền cho phù hợp với Luật đầu tư công.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể về số lượng và cơ cấu đại biểu HĐND chuyên trách ở cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã theo hướng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp tỉnh ít nhất là 20% trên tổng số đại biểu và của HĐND cấp huyện ít nhất là 15% trên tổng số đại biểu. Mở rộng cơ cấu đại biểu là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Đối với Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND phải quy định cứng là đại biểu chuyên trách. Trưởng các Ban của HĐND có thể chuyên trách hoặc kiêm nhiệm nhưng Phó Trưởng Ban của HĐND phải là đại biểu hoạt động chuyên trách; quy định cụ thể tỷ lệ ủy viên HĐND chuyên trách tại các cấp.
Phương Thảo
;