Cần Thơ: Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam

Thứ Ba, 16/06/2015, 10:56 [GMT+7]
    Trong 10 năm qua, việc quán triệt thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Thành ủy Cần Thơ triển khai chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan có liên quan thực hiện, sát với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Trung ương và địa phương, nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
 
    Việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW đã từng bước đề cao được trách nhiệm và sự chuyển biến khá đồng bộ của hệ thống chính trị ở thành phố Cần Thơ đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thi hành pháp luật tại địa phương. Các cấp ủy Đảng quan tâm hơn đến việc chỉ đạo công tác ban hành văn bản và tổ chức thi hành pháp luật. Chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác pháp luật từng bước được nâng lên và có hiệu quả. 
 
Một cuộc họp giao ban của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ
Một cuộc họp giao ban của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ
    Chất lượng công tác xây dựng văn bản ở các khâu từ dự thảo, góp ý, thẩm định, ban hành, kiểm tra, rà soát và các hoạt động hỗ trợ khác, nhiều mặt có chuyển biến tiến bộ, chất lượng nâng lên, hạn chế sai sót và vi phạm trình tự thủ tục ban hành văn bản. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác pháp luật được củng cố kiện toàn từng bước đạt yêu cầu nhiệm vụ, giải quyết được tình trạng thiếu hụt cán bộ pháp lý ở các cơ quan nhà nước như những năm trước đây. 
 
    Hoạt động theo dõi thi hành pháp luật của thành phố được tập trung đẩy mạnh, thành lập mới 01 phòng chuyên môn thuộc Sở Tư pháp để thực hiện công tác này. Hoạt động xử lý vi phạm hành chính đã từng bước khắc phục những yếu kém trước đây, ổn định tổ chức, chấn chỉnh nghiệp vụ, quy trình thủ tục xử lý chặt chẽ, đảm bảo vừa giáo dục các đối tượng vi phạm, vừa ngăn ngừa tội phạm có thể xảy ra, củng cố kỷ cương pháp chế ở địa phương. Hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, trợ giúp pháp lý luôn được kiện toàn về tổ chức bộ máy, đảm bảo kinh phí hoạt động, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho người dân. 
 
    Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, định kỳ có hệ thống hóa lại các văn bản đã ban hành, để phát hiện những văn bản không còn phù hợp, từ đó có giải pháp bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu phát triển của thành phố. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thực thi công vụ của công chức, việc chấp hành pháp luật của các cá nhân và tổ chức  được triển khai thực hiện có hiệu quả. An ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững, trật tự xã hội có chuyển biến tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
 
    Bên cạnh đó còn một số hạn chế như: Một số cấp ủy Đảng, sở, ngành và UBND quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác phối hợp với Sở Tư pháp để chỉ đạo Phòng Tư pháp và các Phòng chuyên môn trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương, đơn vị; chưa xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và chưa tổ chức sơ kết định kỳ kết quả thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thực thi pháp luật còn nhiều vướng mắc. Ý thức pháp luật của người dân chưa cao. Đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về kỹ năng nghiệp vụ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng có quan tâm thực hiện cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật. Tuy nhiên, kết quả đào tạo cho thấy chỉ nâng cao trình độ kiến thức về khoa học pháp lý cho cán bộ, nhưng chưa nâng cao được kỹ năng nghề nghiệp của cán bộ gắn liền với chức danh công chức cụ thể.
 
    Từ kết quả này, UBND thành phố Cần Thơ đề ra phương hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016-2020 như sau:
 
    Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung cơ bản của Nghị quyết số 48-NQ/TW, trong đó chú ý những nội dung chưa làm được để có giải pháp phấn đấu thực hiện tốt hơn. Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ làm công tác pháp luật, để việc thực thi pháp luật tại địa phương ngày càng có hiệu quả.
 
    - Tăng cường công tác xây dựng văn bản, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Tham gia tích cực việc đóng góp các văn bản pháp luật củaTrung ương; hoàn thiện cơ chế phối hợp trong xây dựng, thẩm định và ban hành văn bản, giúp các cơ quan xây dựng pháp luật hoạt động nhịp nhàng, đúng pháp luật.
 
    - Tiếp tục hoàn thiện các chế định áp dụng pháp luật, thi hành pháp luật; tạo ra cơ chế chặt chẽ và thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực thi pháp luật, đảm bảo củng cố pháp chế vững mạnh.
 
    - Chỉ đạo các cơ quan, ban ngành thành phố thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định pháp luật, chú ý tăng cường cải cách bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo các yêu cầu của cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
 
    - Tăng cường rà soát, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Tập trung thực hiện tốt công tác tiếp dân, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, không để tình trạng dân bức xúc khiếu nại đông người.
 
   -  Củng cố kiện toàn các cơ quan pháp luật, xây dựng đội ngũ cán bộ pháp  luật trong sạch vững mạnh. Chủ động xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ làm công tác pháp luật. Có chính sách ưu tiên, đãi ngộ, khuyến khích đối với cán bộ công tác ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.
 
    - Hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân đối với các cơ quan pháp luật. Các cơ quan dân cử chủ động xây dựng kế hoạch giám sát những vấn đề mà cử tri quan tâm để xây dựng các cơ quan pháp luật vững mạnh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức đoàn thể tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết những vấn đề có liên quan về hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, nhằm phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.
 
    - Đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của các cơ quan làm công tác pháp luật. Rà soát lại trụ sở làm việc và các phương tiện nghiệp vụ để có kế hoạch cấp đất và cấp kinh phí trang bị kịp thời. 
Thy Lan
(Báo Nhân dân)
;
.