Quốc hội thảo luận về tình hình oan, sai và bồi thường oan, sai trong tố tụng hình sự

Thứ Sáu, 05/06/2015, 14:53 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 5-6, tại Hà Nội, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.

 Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm tiếp tục có diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số vụ, số người phạm tội, phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt. Các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp đã có nhiều nỗ lực, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Về cơ bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo đảm quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của công dân. Các cơ quan đã khắc phục tồn tại, thiếu sót trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nhờ đó tình hình oan sai đã được hạn chế đáng kể so với trước đây.

Toàn cảnh kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
Toàn cảnh kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII

Tuy nhiên, so với yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu của Hiến pháp năm 2013 thì việc phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm còn hạn chế bất cập. Trong kỳ giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan tiến hành tố tụng, khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.397 bị can nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 03 năm có 71 trường hợp, chiếm 0,02%, trong đó cơ quan điều tra đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Viện kiểm sát đình chỉ 09 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Qua quá trình giám sát tình hình oan, sai và bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số yêu cầu, kiến nghị và giải pháp như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về công tác tư pháp, các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, suy đoán vô tội, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, tranh tụng trong xét xử được đảm bảo; nghiêm túc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra các trường hợp oan, sai. Khi đã xác định bị oan thì phải kịp thời minh oan, bồi thường thỏa đáng cho người bị oan theo quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm minh đối với người mắc sai phạm, trách nhiệm liên đới của người đứng đầu cơ quan gây nên oan, sai. Chính phủ quan tâm xem xét đầu tư kinh phí để nâng cấp trang thiết bị cho hoạt động khám nghiệm hiện trường, giám định tư pháp và các thiết bị ghi âm, ghi hình để ghi nhận chứng cứ, chống bức cung, nhục hình; có lộ trình, kế hoạch cụ thể để nâng cấp các cơ sở giam giữ đã xuống cấp nghiêm trọng hoặc quá tải về giam giữ. Kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tạm giữ, tạm giam và Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ để góp phần khắc phục oan, sai và bảo đảm việc bồi thường thiệt hại thỏa đáng, kịp thời cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự…

Đăng Linh

;
.